TS. Nguyễn Đình Cung:

Động lực cải cách phải xuất phát cả bên trong lẫn bên ngoài

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Cải cách kinh tế Việt Nam phải như con chim đập bằng 2 cánh: Hội nhập kinh tế quốc tế và thị trường hóa trong nước. Nếu 2 cánh đập đều thì chúng ta bay lên, kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng phát triển. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cải cách thể chế để tăng sức hấp dẫn cho môi trường kinh doanh. Động lực của quá trình này xuất phát từ hai phía, trong nước và ngoài nước.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, quá trình cải cách của Việt Nam được đặt ra xuất phát từ hai động lực: thứ nhất là nhu cầu từ sự phát triển nội tại của nền kinh tế trong nước buộc chúng ta phải cải cách. Thứ hai, đó là do áp lực từ việc hội nhập mạnh mẽ với thế giới buộc chúng ta phải cải cách để theo kịp sự phát triển.

Ông Cung nhấn mạnh, Việt Nam cần phải chủ động cải cách trong nước để phát huy mạnh mẽ các tiềm lực sẵn có, chứ không phải đợi đến khi chịu áp lực từ việc hội nhập với bên ngoài mới khiến chúng ta mới thấy cần phải cải cách.

Tuy nhiên, khi các hoạt động cải cách trong nước còn chậm chạp, trì trệ thì hoạt động hội nhập mạnh mẽ hơn với quốc tế sẽ tạo động lực cho hoạt động cải cách bên trong. 

Việt Nam cũng lấy việc hội nhập quốc tế làm cơ sở để tiến hành cải cách trong nước. Hai động lực này sẽ được điều tiết hài hòa như hai cánh của con chim để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu là tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn.

Bàn về quá trình cải cách của Việt Nam, TS. Pociano – chuyên gia thuộc viện Nghiên cứu kinh tế Asean và Đông Á cho rằng: Việt Nam cần có cải cách ở cấp độ quốc gia, rà soát lại các cải cách trước đây. 

Việt Nam có thể học hỏi  có thể học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển như Trung Quốc, Nhật Bản hay như học từ Singapore việc đưa khu vực tư nhân vào tham gia. Việt Nam cần cải thiện môi trường pháp lý thể chế để trở thành khu vực có sự hấp dẫn  cho hoạt động đầu tư.

Tổng thư ký Asean Lê Lương Minh cũng cho rằng cải cách về pháp chế là một trong những tọng tâm của các nước Asean, trong đó có Việt Nam nhằm tăng sức hấp dẫn cho môi trường kinh doanh.

Tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chương trình tổng thể tái cơ cấu kinh tế, phân bổ lại nguồn lực. Trong từng ngành cũng sẽ cải cách thể chế, làm cho môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng hơn bằng nguyên tắc thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho biết.

Theo ông Cung, Việt Nam cần tiến hành cải cách ngân hàng, cải cách doanh nghiệp nhà nước, kinh tế vùng, và ngành. Nợ xấu của Việt Nam vẫn còn rất lớn và đã cản trở cho việc phân bổ lại tín dụng. Do đó cần tái cơ cấu các tổ chức tín dụng trong thời gian tới vì nếu không xử lý nợ xấu thì Việt Nam khó có đạt được sự tăng trưởng.

Về vấn đề tái cơ cấu đầu tư công, ông Cung cho biết, Việt Nam đang xây dựng và phân bố lại vốn.Bộ Kế hoạch đầu tư đang tiến hành các biện pháp nhằm minh bạch hoạt động này. Bên cạnh đó, tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam đã giảm xuống, hiệu quả đầu tư cũng giảm nên tăng trưởng chưa thể cao lên được.

Theo ông Cung, từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, hoạt động cải cách trong nước có chiều hướng chững lại. Do vậy cơ hội được tạo ra bằng việc hội nhập ra nước ngoài, cơ hội dành nhiều cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước. 

Trong khi đó, doanh nghiệp tư nhân lại không tận dụng được cơ hội từ  thị trường. Trò chơi và thể lệ kinh doanh của khu vực trong nước không  được cải thiện  bằng khu vực có vốn  đầu tư  nước ngoài. Do vậy, Việt Nam phải tiến hành tái cơ cấu kinh tế. 

TS Nguyễn Đình Cung cũng cho biết: Thủ tướng Chính phủ  đã đếm từng chỉ tiêu và đưa ra  những giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nghị quyết 19 của Chính phủ có nhiều khác biệt so với nghị quyết khác, khi lấy các chỉ tiêu của quốc tế so sánh với các nước Asean 6, Chính phủ đã giao trách nhiệm cho từng cơ quan cụ thể. 

Trong đó, có 2 chỉ tiêu là giải quyết vấn đề nộp thuế và thương mại qua biên giới đóng vai trò rất quan trọng. Nếu làm được 2 việc này thì sẽ có tác động sẽ lớn. GDP của Việt Nam sẽ tăng lên trên 7%, thủ tục xuất khẩu được giải quyết trong vòng 11 ngày và thủ tục nhập khẩu giảm xuống còn 22 ngày. 

Khi chương trình cải cách được triển khai, trong vòng 2 năm nữa Việt Nam sẽ cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, bằng với Asean 6 (bao gồm 6 nước châu Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand).
 
Tuy nhiên, khi đạt được các tiêu chí về môi trường kinh doanh thì Việt Nam mới ngang bằng với Thái Lan nhưng vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với Malaysia và Singapore. 

Do vậy,  ông Cung nhấn mạnh, quá trình cải cách giúp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ngày càng cao, môi trường kinh doanh ngày càng hấp dẫn. Cải cách kinh tế Việt Nam như con chim đập bằng 2 cảnh: hội nhập kinh tế quốc tế và thị trường hóa trong nước. Nếu 2 cánh đập đều thì chúng ta bay lên. Kinh tế Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.