Động lực cho phát triển phải từ cải cách thể chế

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2014 khai mạc sáng 28/4 tại Quảng Ninh, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung liên quan đến vấn đề đổi mới thể chế.

 Động lực cho phát triển phải từ cải cách thể chế
Vấn đề cải cách thể chế là một những yêu cầu cơ bản đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Nguồn: internet

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết các ý kiến ghi nhận từ Diễn đàn sẽ là đầu vào quan trọng để Ủy ban có ý kiến đánh giá bổ sung việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, ngoài việc thảo luận, chỉ ra những điểm nghẽn của nền kinh tế, các đại biểu cũng cần nêu được các giải pháp phát triển.

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, vấn đề cải cách thể chế là một những yêu cầu cơ bản đặt ra trong giai đoạn hiện nay. Điều này thể hiện ngay từ Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ, trong đó nhấn mạnh năng lực cạnh tranh của Việt Nam chậm được cải thiện, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu chậm lại. Nguyên nhân là những cải cách trước đây không còn đủ mạnh để phát triển nhanh và bền vững. Đòi hỏi nền kinh tế cần có thêm động lực từ việc đổi mới thể chế và phát huy mạnh quyền làm chủ của nhân dân.

Hiến pháp 2013 cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vì thế, đây là lúc nền kinh tế cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững, bắt nguồn từ việc đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân.

Đánh giá diễn biến kinh tế thời gian qua, PGS.,TS. Trần Đình Thiên (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cho rằng năm 2013 dù không đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng nền kinh tế vĩ mô đã có tín hiệu phục hồi. Kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định hơn nhờ thực hiện các chính sách điều hành đúng hướng, kiên định và đồng bộ. Sản xuất bước đầu phục hồi, lạm phát được kiềm chế, xuất nhập khẩu đều tăng.

Lĩnh vực ngân hàng cũng có những kết quả khả quan như tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng mạnh, mặt bằng lãi suất đã giảm. Hoạt động của hệ thống ngân hàng đã đi vào ổn định.

Tuy nhiên, năm 2013 là năm mà nền kinh tế Việt Nam bộc lộ ra những hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng vẫn còn chậm, tổng cầu, "sức khỏe" doanh nghiệp còn yếu. Thị trường bất động sản “ấm lên” nhưng tồn kho vẫn còn cao. Gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30.000 tỷ đồng giải ngân chưa nhiều; giải quyết nợ xấu tuy đạt được những kết quả bước đầu nhưng còn chậm.

Để hóa giải những điểm nghẽn này, theo ông Trần Đình Thiên, cần tiếp tục duy trì quan điểm giải quyết các điểm nghẽn vĩ mô tới mục tiêu duy trì "sức khỏe" doanh nghiệp. Ngân hàng và việc thiết kế chính sách cần phải chia sẻ hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Đình Cung (quyền Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương) lại nhấn mạnh việc phân bổ nguồn lực hợp lý, tăng cường cho khu vực kinh tế tư nhân, tránh để nguồn vốn vào lao động tồn đọng tại những khu vực hiệu quả thấp hơn. Các chính sách thuế phí cần “khoan sức dân”, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển...; cần áp đặt nguyên tắc kỷ luật thật cứng với các khoản, tiết kiệm chi ngân sách tối đa.

TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng cần kiên trì mục tiêu thực hiện nguyên tắc kinh tế thị trường trong nền kinh tế, nhưng phải gắn liền với tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tạo thị trường cạnh tranh thì tăng trưởng mới bền vững.

“Trên thực tế, nhiều vấn đề đã có chủ trương rõ ràng, nhưng quan trọng hơn là cần cụ thể hóa và tăng cường kỷ luật thực thi để tăng niềm tin của người dân và doanh nghiệp”, TS. Cao Sỹ Kiêm bày tỏ.