Động lực tăng trưởng quan trọng

Theo Anh Vũ/nhandan.com.vn

Tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước ước tính đạt 19 tỷ USD, tăng mạnh với mức 33,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 31,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 33,7%.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước như: Điện thoại và linh kiện đạt 4,2 tỷ USD, tăng 80,7%; hàng dệt may đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, tăng 37,9%; giày dép đạt 1,3 tỷ USD, tăng 11,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 1,1 tỷ USD, tăng 18,2%; cà-phê đạt 340 triệu USD, tăng 7,7%; rau quả đạt 320 triệu USD, tăng 36,4%...

Những tín hiệu đáng mừng nêu trên đem lại những hy vọng về một năm hoạt động xuất khẩu tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Nhìn lại năm 2017, trong các thành tích kinh tế, xuất khẩu nổi lên như một điểm sáng và tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất. Năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vượt xa dự báo khi đạt mức kỷ lục là 213,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước và gấp ba lần mức kế hoạch. Dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2018 tiếp tục tăng trưởng khả quan tương tự năm 2017 do thị trường quốc tế thuận lợi và năng lực xuất khẩu của những nhóm ngành mới có hàm lượng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao ngày càng được củng cố và nâng cao.

Năm 2017, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực phù hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng năng suất lao động. Chỉ riêng ba nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất đồng thời là nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực mới của Việt Nam trong năm 2017 đã chiếm tới 39,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó, nhóm điện thoại và linh kiện chiếm 21,1% và nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện lên ngang hàng với dệt may cùng chiếm tỷ trọng 12,1%, còn nhóm máy móc thiết bị và phụ tùng có tỷ trọng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Do vậy, tỷ trọng của khu vực FDI trong kim ngạch xuất khẩu đã lên đến 72,6% trong năm 2017. Xu thế chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu này chắc chắn sẽ duy trì sang năm 2018 và dự báo nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản sẽ chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018 trong khi tỷ trọng tương ứng của nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp lùi về mốc 35%, còn nhóm nông, lâm sản dao động quanh mức từ 9 đến 10%.

Bên cạnh đó, chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu diễn ra với đột phá đáng ghi nhận khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng vọt tới 60,6% đưa Trung Quốc lên vị trí thứ ba trong các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Thị trường Mỹ vẫn duy trì vị trí quan trọng hàng đầu cho hàng hóa xuất khẩu của nước ta với tỷ trọng 19,4%, cao hơn so với con số tương ứng 17,9% của thị trường đứng thứ hai là EU. Đáng chú ý là trong năm 2017, thị trường Hàn Quốc đạt tốc độ tăng tới 31,1%, chiếm tỷ trọng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chỉ đứng sau Nhật Bản và thị trường ASEAN. Rõ ràng mức độ tập trung về thị trường xuất khẩu của nước ta tương đối lớn khi chỉ sáu thị trường hàng đầu đã chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết FTA trong năm 2018 tiếp tục khẳng định vị thế của sáu thị trường xuất khẩu quan trọng này, song khoảng cách giữa các thị trường sẽ thu hẹp hơn và vị trí có thể thay đổi ngay trong năm nay.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta năm 2017 không chỉ tăng mạnh về kim ngạch, mà còn có sự chuyển dịch cơ cấu đáng ghi nhận theo hướng phát triển bền vững và tạo tiền đề vững chắc hơn cho xuất khẩu năm 2018 và cả những năm tiếp theo.