Dòng vốn FDI: Sự trái ngược trong xu hướng vốn và giá trị xuất khẩu

Theo Lê Sáng/enternews.vn

Trong 10 tháng đầu năm 2019, bức tranh đầu tư của khối FDI có nhiều chuyển biến đáng chú ý trong đó điểm nhấn là việc giảm về giá trị nhưng tăng về số lượng dự án.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đây là nhận định được nhóm phân tích Công ty chứng khoán SSI đưa ra trong báo cáo mới cập nhật.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm ưu thế trong cơ cấu dòng vốn đầu tư FDI 10 tháng đầu năm 2019.
Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm ưu thế trong cơ cấu dòng vốn đầu tư FDI 10 tháng đầu năm 2019.

Đăng ký FDI giảm nhưng đi vào thực chất

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì tình hình đầu tư của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt số đăng ký mới và tăng vốn trong 10 tháng đầu năm 2019 là 12.8 tỷ USD và 5.4 tỷ USD, giảm 15% và 6% (cùng kỳ giảm 8% và 10%).

Theo nhận định của nhóm phân tích thì mặc dù giá trị đăng ký FDI giảm liên tục nhưng nhìn sâu vào các số liệu thì có 3 dấu hiệu cho thấy việc giảm sút này không đáng quan ngại, thậm chí vẫn đang ở xu hướng tích cực.

Mặc dù giảm về giá trị nhưng về số lượng dự án FDI vẫn tăng. Số dự án FDI đăng ký mới và tăng vốn (không bao gồm góp vốn, mua cổ phần) trong 10 tháng đầu năm đã tăng 26% và 20% (cùng kỳ tăng 18,7% và giảm 4,7%).

Số lượng dự án tăng cao đi cùng với nhu cầu lao động, thuê mặt bằng và các dịch vụ logistic. Giá thuê đất khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố trọng điểm như Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh đã tăng liên tục trong các năm vừa qua là một minh chứng.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, lĩnh vực có vai trò xương sống cho tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục thu hút dòng vốn FDI tốt. Trong 10 tháng đầu năm 2019 đã có 9,1 tỷ USD đăng ký mới và 4,7 tỷ USD tăng vốn vào lĩnh vực này trong 10 tháng, tăng 33% và 1%. Giá trị đăng ký mới trung bình 1 dự án thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo là 8,7 triệu USD/1 dự án, cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 là 8 triệu USD.

Dòng vốn FDI: Sự trái ngược trong xu hướng vốn và giá trị xuất khẩu - Ảnh 1

Đặc biệt, trong khi năm 2018, Việt Nam có 2 dự án bất động sản quy mô lớn, bao gồm dự án 4.1 tỷ USD đăng ký mới tại Hà nội và 1,1 tỷ USD tăng vốn tại Huế thì 10 tháng năm nay, FDI có phần thực chất hơn khi các dự án quy mô lớn đều thuộc lĩnh vực chế biến chế tạo.

Ví dụ như dự án tăng vốn của LG Display tại Hải phòng có giá trị 410 triệu USD, dự án đăng ký mới của Goertek (Hongkong) tại Bắc Ninh sản xuất thiết bị điện tử có giá trị 260 triệu USD. Nếu không tính 2 dự án bất động sản lớn kể trên của năm 2018, FDI đăng ký mới và tăng vốn 10 tháng 2019 thực chất tăng đến 17,4% và 0,5%.

Xuất khẩu của khối FDI giảm tốc 

Với tỷ trọng xuất khẩu chiếm 69% tổng xuất khẩu, khối FDI có vai trò chi phối và quyết định đến xuất khẩu của Việt nam. Tuy vậy tăng trưởng xuất khẩu của nhóm này đang chậm lại một cách đáng báo động, chỉ đạt mức 5% sau 9 tháng, thấp hơn nhiều mức tăng của khối trong nước là 16,2%. Nhiều mặt hàng chủ đạo của khối FDI có tăng trưởng thấp, cá biệt giảm âm.

Xuất khẩu Điện thoại đứng đầu về giá trị nhưng chỉ tăng 2% (cùng kỳ tăng 16%), xuất khẩu sản phẩm điện tử tăng 11,7% (cùng kỳ tăng 14,3%), xuất khẩu Dệt may tăng 8% (cùng kỳ tăng 15%). Xuất khẩu máy móc thiết bị tăng rất thấp 1,9% (cùng kỳ tăng 29%) và máy ảnh, máy quay phim giảm đến 25% (trong khi cùng kỳ tăng 43%).

Những khó khăn của các thương hiệu lớn như Samsung khi đánh mất thị phần cùng tác động của tăng trưởng toàn cầu chậm lại đã khiến xuất khẩu của khối FDI giảm sút. Xu hướng này có thể còn kéo dài và tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt nam trong năm 2020.

Mặc dù bức tranh chung không mấy tích cực, vẫn có một vài điểm sáng. Hai mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu cải thiện là Phụ tùng ô tô và Sản phẩm gỗ. Xuất khẩu phụ tùng ô tô đạt 3,8 tỷ USD sau 9 tháng, tăng 13,7% (cùng kỳ tăng 9,7%), đứng thứ 6 trong top các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của khối FDI.

Xuất khẩu Sản phẩm gỗ đạt 3 tỷ USD, tăng mạnh 18,4% (cùng kỳ tăng 5,7%), đứng thứ 7 về giá trị. Trong khi phụ tùng ô tô là một mặt hàng khá truyền thống và thường có tăng trưởng cao thì sự vươn lên của Sản phẩm gỗ là một tín hiệu mới.

Trong cả năm 2017 và 2018, xuất khẩu sản phẩm gỗ đều tăng dưới 10%. Sản phẩm gỗ là một mặt hàng chịu thuế suất cao trong thương chiến Mỹ - Trung nên rất có thể đã có một làn sóng dịch chuyển nhà máy sản xuất đồ gỗ sang Việt nam. Giá trị xuất khẩu Gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt nam sang Mỹ trong 9 tháng, bao gồm cả khối FDI và khối trong nước, đạt 3,65 tỷ USD, tăng mạnh 34% (cùng kỳ 2017 và 2018 tăng 19% và 15%).

Nhập khẩu máy móc thiết bị của khối FDI 9 tháng là 14,4 tỷ USD, tăng 3,8%, thấp hơn khá nhiều tăng trưởng giá trị giải ngân FDI là 7,3%. Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng này vẫn là khả quan khi so sánh với cùng kỳ 2018 (nhập khẩu máy móc thiết bị giảm 12,7%).

Tăng trưởng nhập khẩu máy móc thiết bị cùng xu hướng đăng ký mới, tăng vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy đầu tư FDI vào Việt nam vẫn đang có xu hướng tích cực, tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn.

Dòng vốn FDI: Sự trái ngược trong xu hướng vốn và giá trị xuất khẩu - Ảnh 2

Nhìn một cách tổng thể, dòng vốn FDI vào Việt nam vẫn đang ở xu hướng tích cực. Điều này đảm bảo cho tăng trưởng nội lực của khối cùng tác động lan tỏa sang các ngành dịch vụ và công nghiệp phụ trợ trong nước. Những khó khăn về thị trường xuất khẩu trong năm 2019 và có thể cả năm 2020 sẽ kìm hãm tăng trưởng chung.

Tuy vậy, đây lại là cơ hội để cơ cấu lại các ngành sản xuất, đa dạng hàng hóa xuất khẩu và đặc biệt là chủ đầu tư, cụ thể hóa chủ trương của Nghị quyết 50 về “đa phương hoá, đa dạng hoá đối tác, hình thức đầu tư”.

Trong sự lạc quan của xu hướng FDI, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng Việt Nam cũng phải nhìn nhận thực tế không mấy khả quan về những điểm nghẽn hạ tầng và sự tăng giá của các yếu tố đầu vào.

Giá thuê đất tăng, giá lao động tăng khi dòng vốn FDI đổ vào liên tục chắc chắn sẽ làm giảm độ hấp dẫn của Việt nam, vốn đang dựa nhiều vào câu chuyện “nhân công giá rẻ”. Tình tình trạng tắc nghẽn lưu thông hàng hóa trên đường bộ và tại các bến cảng cũng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng. Đây là một nghịch lý khi mà giải ngân đầu tư công chậm chạp thì tình trạng tắc nghẽn giao thông lại diễn ra ngày một phổ biến.

Để tiếp tục thu hút FDI thì sự thay đổi trong điều hành chính sách của Việt nam lại là yếu tố quyết định. Các hiệp định thương mại hay cơ hội từ thương chiến sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi những nút thắt về hạ tầng và nguồn nhân lực được tháo gỡ.

Nghị quyết số 50/NQ -TW của Bộ Chính trị ra đời “đúng và trúng” thời điểm diễn ra nhiều chuyển biến trong bức tranh thu hút đầu tư FDI được đánh giá là sẽ cùng với Nghị quyết số 10/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân tạo thành hai trụ cột vững chắc, giúp thúc đẩy kinh tế Việt nam tăng trưởng cao và bền vững.