Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi): Điều chỉnh kịp thời các hành vi phản cạnh tranh

Theo Ý Nhi/daibieunhandan.vn

Ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Một trong những mục tiêu khi sửa đổi dự án Luật là, phải tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên thị trường. Điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, đầu tư, phúc lợi của người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh?

Bám sát mục tiêu đã nêu, dự án Luật Cạnh tranh đã tập trung sửa đổi những bất cập trong thực tiễn của Luật Cạnh tranh hiện hành. Thể hiện ở quy định về phạm vi cạnh tranh chưa điều chỉnh một số vụ việc được thực hiện ở nước ngoài, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường trong nước.

Trình bày Tờ trình dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh từng nêu minh chứng, thỏa thuận ấn định phí và phụ phí vận chuyển tàu biển giữa các hãng tàu lớn của nước ngoài đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Hay thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam…

Trong khi đó, Luật Cạnh tranh năm 2004 chỉ quy định điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh…” và áp dụng đối với “tổ chức, cá nhân kinh doanh… bao gồm cả doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam” là chưa thực sự hợp lý.

Với những lập luận này, câu hỏi đặt ra là có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh Luật trong lần sửa đổi này hay không? Và việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như vậy có phù hợp với thông lệ quốc tế?

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời gian gần đây, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều có quy định nghĩa vụ thực thi luật và chính sách về cạnh tranh nhằm bảo đảm điều chỉnh các hành vi phản cạnh tranh gây ảnh hưởng đến quan hệ thương mại, đầu tư, phúc lợi người tiêu dùng tại các nước thành viên.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với các cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra xử lý vụ việc cạnh tranh.

Trường hợp Việt Nam chưa ký kết hoặc chưa gia nhập điều ước quốc tế có liên quan đến cạnh tranh thì cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong tố tụng cạnh tranh theo nguyên tắc có đi có lại. Và không hề trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế.

Tại một số nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… các cơ quan cạnh tranh đã điều tra, xử lý nhiều vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế xuyên biên giới.

Điển hình như vụ thỏa thuận ấn định giá, phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không giữa hơn 20 hãng hàng không lớn trên thế giới, hay hai vụ mua bán, sáp nhập giữa các công ty sản xuất ổ cứng nổi tiếng (Western Digital và Hitachi, Samsung và Seagate)…

Mở đến mức nào?

Cập nhật tình hình thực tiễn nêu trên, dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng, điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam…Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo ra hành lang pháp lý để điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra tại đâu nhưng có tác động, hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với thị trường nước ta.

Việc xử lý kịp thời các hành vi xuyên biên giới góp phần tạo sự ổn định cho nền kinh tế nội địa thông qua việc ổn định các yếu tố thị trường như yếu tố đầu vào, yếu tố đầu ra của nền kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thị trường các lĩnh vực thiết yếu, lĩnh vực chủ chốt, hoặc lĩnh vực phục vụ dân sinh của nền kinh tế. 

Trong phiên thảo luận tại hội trường, với nội dung còn ý kiến khác nhau như có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật hay không, và mở đến mức nào chắc chắn sẽ được các Đại biểu Quốc hội cân nhắc, tham góp ý kiến nhằm tìm ra phương án tối ưu nhất.

Góp phần vào quá trình ấy, thiết nghĩ việc nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế phát triển, có quá trình thực thi pháp luật cạnh tranh lâu đời là một trong những nguồn “nguyên liệu” quan trọng.

Mục tiêu là khắc phục cho được những bất cập của Luật Cạnh tranh hiện hành, đồng thời tạo cơ sở pháp lý vững chắc, cho một môi trường cạnh tranh thực sự công bằng, lành mạnh, tạo thêm động lực cho sự phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của đất nước.