Dự báo FDI đăng ký cả năm 2014 sẽ đạt mức 14 - 15 tỷ USD

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) FDI đăng ký 6 tháng đầu năm 2014 giảm 35% so với cùng kỳ, đạt 6,85 tỷ USD. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng điều này không quá lo ngại, bởi FDI cùng kỳ năm 2013 được đánh giá là tăng trưởng đột biến (đạt 21,6 tỷ USD) trong mặt bằng FDI đăng ký các năm gần đây.

Dự báo FDI đăng ký cả năm 2014 sẽ đạt mức 14 - 15 tỷ USD
FDI đăng ký 6 tháng đầu năm 2014 giảm 35% so với cùng kỳ, đạt 6,85 tỷ USD. Nguồn: internet
Báo cáo kinh tế vĩ mô của BSC cũng nhìn nhận rằng, “điều này phần nào cho thấy sự kém hấp dẫn của Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư quốc tế. Sự chậm chạm trong việc cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thủ tục, cũng như căng thẳng Biển Đông gần đây là những nguyên nhân chính cho sự sụt giảm này”.

Báo cáo cho biết thêm, điểm tích cực là FDI giải ngân tăng nhẹ 0,9% so với cùng kỳ nửa đầu năm 2013, ước đạt 5,75 tỷ  USD. Như vậy, trong bối cảnh FDI đăng ký giảm sút, tốc độ giải ngân vẫn giữ được sự ổn định cần thiết nhằm hỗ trợ đầu tư và cán cân thanh toán trong nước.

Hiện tại, FDI đang đóng góp vào đầu tư và GDP của Việt Nam khá lớn, nhưng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sử dụng lao động kỹ năng thấp (công nghiệp chế  biến, chế  tạo, bất động sản và xây dựng,…). Theo một số nghiên cứu, chỉ  có khoảng 5-6% doanh nghiệp (DN) FDI mang công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, đồng nghĩa  94-95% DN FDI chỉ mang vào công nghệ trung bình và thấp.

Bên cạnh đó, kết quả  khảo sát khu vực FDI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USS) công bố mới đây cho biết: tỷ lệ các DN FDI trước khi chọn Việt Nam đã  từng cân nhắc các nước khác như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Myanmar đã tăng từ  32% (năm 2011, 2012) lên 54% (năm 2013). Điều này cho thấy mức độ  cạnh tranh của  môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong con mắt các nhà đầu tư quốc tế đang suy giảm hơn so với các nước trong khu vực.

Do đó, “bài toán của Việt Nam cần giải quyết là  nâng cao chất lượng các dự án FDI, giảm nhẹ gánh nặng chi phí không chính thức, cải thiện thủ tục hành chính, quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ công và chất lượng cơ sở hạ tầng, từ đó tăng sức hấp dẫn FDI so với các quốc gia khác trong khu vực”, BSC nhấn mạnh.

Công ty này cũng dự báo, FDI đăng ký cả năm 2014 sẽ  đạt mức 14 - 15 tỷ USD, tương đương với mặt bằng các năm 2011, 2012 trong bối cảnh các dự án trị giá hàng tỷ USD sắp được cấp phép như: dự án Samsung Display (khả  năng được cấp phép cao trong tháng 7) và dự án xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử  (trị  giá 1 tỷ  USD) tại khu công nghệ  cao TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, vốn FDI giải ngân dự báo cả năm đạt được từ 11-12 tỷ USD nhờ tín hiệu tích cực từ các dự án lớn như: LG, Samsung, Formosa, lọc hóa dầu Nghi Sơn,…