Dư địa lớn cho ngành bán lẻ Việt

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Sự đổ bộ của nhiều tập đoàn lớn ngành bán lẻ nước ngoài trước sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đang đặt ra vấn đề lớn là liệu có mang đến cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội địa hay là cơ hội cho các DN ngoại chiếm lĩnh thị trường Việt Nam?

Điểm thuận lợi cho ngành bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới là kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi.
Điểm thuận lợi cho ngành bán lẻ Việt Nam trong thời gian tới là kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi.

Số liệu công bố tại hội thảo “Ngành bán lẻ Việt Nam bước chân vào Thế giới Phẳng – Cơ hội hay thách thức” diễn ra tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE) ngày 28/3 cho thấy dư địa để phát triển các chuỗi bán lẻ tại thị trường Việt Nam còn rất lớn, nhất là vùng nông thôn.

Sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt còn thể hiện ở con số thống kê 60% trong tổng số 90 triệu là người tiêu dùng trẻ, vốn có sức tiêu dùng lớn.

Cạnh tranh càng khốc liệt

Ông Đặng Trần Hải Đăng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phân tích công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSC) dẫn số liệu khảo sát cho thấy quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2015 đạt 102 tỷ USD (tốc độ tăng trưởng đạt 7,3%), và dự kiến sẽ đạt 179 tỷ USD vào năm 2020 (đạt tốc độ tăng trưởng 11,9%).

Tuy vậy, theo ông Đăng, mặc dù quy mô thị trường lớn, nhưng ngành bán lẻ Việt vẫn còn tập trung quá nhiều vào các kênh phân phối truyền thống thông qua chợ, cửa hàng nhỏ lẻ.

Số liệu cho thấy tỷ lệ bán lẻ của Việt Nam mới chỉ là 25%, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia cùng khu vực châu Á như Thái Lan (34%), Malaysia (60%), Phillippines (33%), Trung Quốc (51%), Singapore ( 90%).

Trên thực tế, cả nước hiện có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại. Thế nhưng, số cửa hàng tiện lợi có thương hiệu và vận hành theo chuỗi chỉ dừng lại ở con số hàng trăm, trong khi thị phần bán lẻ hiện tại ở vùng ven và nông thôn gần như bị bỏ ngỏ.

Theo quy hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị (tức là cần thêm 550 siêu thị so với hiện nay), 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Giới chuyên gia cho rằng đây chính là động lực tăng trưởng lớn, rất tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Ông Đặng Trần Hải Đăng đặc biệt lưu ý do dư địa thị trường bán lẻ phát triển lớn nên sẽ xuất hiện nhiều cạnh tranh hơn. Theo đó, cuộc chạy đua chiếm lĩnh thị phần bán lẻ sẽ càng khốc liệt hơn.

Riêng thị trường bán lẻ hàng điện máy, điện tử tại Việt Nam, ông Huỳnh Phước Cường – Giám đốc khối Bán Lẻ của công ty TNHH Nghiên cứu Thị trường Công nghệ và Bán lẻ GFK Việt Nam, đã đưa ra dự báo về xu hướng phát triển của nhóm hàng này trong tương lai.

Theo đó, nhóm sản phẩm điện thoại tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh (dự kiến đến năm 2017 doanh thu có thể đạt con số 82.000 tỷ đồng so với con số 30.200 tỷ đồng trong năm 2012).

Trong khi đó, đà tăng trưởng của nhóm sản phẩm máy tính xách tay giảm do sự góp mặt ngày càng nhiều của sản phẩm giá rẻ (dự kiến đến năm 2017, doanh thu còn 13.000 tỷ đồng so với con số 17.000 tỷ đồng trong năm 2012).

Riêng nhóm sản phẩm máy tính bảng cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhưng sẽ tăng trưởng chậm. Cụ thể dự kiến đến năm 2017, doanh thu ước đạt 9.800 tỉ đồng.

Cơ hội thu hút vốn

Ông Huỳnh Phước Cường cho rằng điểm thuận lợi cho ngành bán lẻ tại Việt Nam trong thời gian tới là kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi, bên cạnh thu nhập và bình quân tăng, chất lượng cuộc sống mong đợi cao hơn. Những thiết bị gia đình điện tử – điện lạnh trở thành nhu cầu cần thiết để hỗ trợ cuộc sống hộ gia đình.

Ngoài ra, cũng theo dự đoán của ông Cường, nhu cầu trang thiết bị công nghệ cá nhân như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay tiếp tục tăng. Yếu tố công nghệ du nhập vào thị trường Việt Nam và tiến gần hơn với người tiêu dùng giúp nâng cao kiến thức và nhu cầu tiêu dùng.

Theo phân tích của giới chuyên gia tại hội thảo, có thể thấy gần đây, các quốc gia trong khu vực đang nhanh chóng tiếp cận thị trường Việt Nam với hàng loạt chuỗi cửa hàng bán lẻ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây thực sự là mối lo ngại lớn cho ngành bán lẻ của Việt Nam.

Nửa đầu năm 2015, thị trường bán lẻ và tiêu dùng dậy sóng khi hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) diễn ra. Trong đó, nổi lên là những thương vụ mua bán hệ thống các siêu thị có trị giá hàng triệu USD, được xem là dẫn dắt thị trường M&A hai năm trở lại đây.

Dẫn báo cáo M&A của Stoxplus, giới chuyên gia cho biết số lượng thương vụ M&A trong 2014 và 2015 trong lĩnh vực bán lẻ lần lượt là 5 và 15 thương vụ, với giá trị là 899 triệu USD và 254 triệu USD.

Giới chuyên gia nhận định, cơ hội cho ngành bán lẻ Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn từ ASEAN là rất lớn. Một phần là do, đến năm 2018, thuế suất nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng đều giảm mạnh. Đặc biệt với Hiệp định thương mại ASEAN (ATIGA), thuế hầu hết các mặt hàng đều giảm về 0% và mức thuế suất cao nhất chỉ là 5%.