Dự thảo Luật Thuế môi trường: Tăng thu ngân sách để bảo vệ môi trường

Phùng Tuấn

TCTC Online - Những năm gần đây, khủng hoảng toàn cầu đã làm bộc lộ rõ tính thiếu bền vững của mô hình tăng trưởng “tăng trưởng trước, làm sạch sau” của nhiều nước. Trước những nguy cơ về an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu toàn cầu… đã đặt ra yêu cầu cấp bách về xu hướng phát triển kinh tế bền vững ít gây ô nhiễm. Việc ban hành Luật Thuế Môi trường là rất cần thiết nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong đầu tư, sản xuất và tiêu dùng của các tổ chức cán nhân, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm…, tạo nguồn thu cho các hoạt động khôi phục môi trường.

Nguồn thu phí môi trường còn hạn chế

Thời gian qua, tăng trưởng kinh tế, quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái như sự gia tăng nước thải công nghiệp, nước thải, chất thải rắn trong sinh hoạt và trong công nghiệp; gia tăng phát thải các chất gây ô nhiễm không khí từ các quy trình sản xuất công nghệp và giao thông vận tải...

Hiện trang môi trường tiếp tục xuống cấp trên là những thách thức nghiêm trọng đối với môi trường và sự phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Theo các chuyên gia nước ngoài, nếu GDP tăng gấp đôi và không kịp thời có các giải pháp giảm dần tình trạng phát thải chất độc hại thì nguy cơ ô nhiễm tăng gấp 3-5 lần.

Theo ông Vũ Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho đến nay nước ta chưa có một sắc thuế riêng nào về môi trường để thu vào sản phẩm khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng hàng hóa loại này. Thực tế, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều biện pháp tài chính nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tham gia trực tiếp các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên và huy động một phần đóng góp của đối tượng xả thải vào việc khôi phục môi trường.

Các biện pháp này được thực hiện trong các chính sách Thuế sử dụng đất, Thuế Tài nguyên, Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Thuế Thu nhập doanh nghiệp và thông qua thu các khoản phí. Hiện nay có 4 khoản phí bảo vệ môi trường đang được áp dụng như: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, Phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoảng sản; và Phí xăng dầu.

Các khoản thu phí bảo vệ môi trường đã tạo thêm nguồn thu, góp phần chi đầu tư gải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn môi trường, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Việc quy định ưu đãi thuế đối với lĩnh vực môi trường đã làm cho các doanh nghiệp có ý thức hơn trong việc tìm các biện pháp nhằm hạn chế tác động bất lợi do hoạt động sản xuất của mình gây ra đối với môi trường; quan tâm áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến để giảm bớt xả thải chất độc hại ra môi trường.

Thúc đẩy doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng công nghệ sạch để sản xuất, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu thay thuế nguyên liêu hóa thạch để sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trương thay thế các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, hiện nay các chính sách phí bảo vệ môi trường mới dừng lại ở mục tiêu huy động đóng góp một phần của những đối tượng xả thải mà không tự mình xử lý chất thải; hỗ trợ thêm chi phí làm sạch môi trường. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nguồn thu từ phí còn rất hạn chế. Theo đó, tổng thu các nguồn phí bảo vệ môi trường năm 2008 là 1.224 tỷ đồng. Nếu tính cả số thu phí từ xăng dầu 9000 tỷ đồng/năm thì tổng thu là 10.224 tỷ đồng.

Nhà nước hằng năm dành 1% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 4.000 tỷ đồng) để chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường trong khi đó, thực tế thì nhu cầu tài chính cho bảo vệ môi trường rất lớn. Chẳng hạn chỉ tiếng riêng nhu cầu cho các đề án tổng thể cải tạo môi trường và chương trình xử lí ô nhiễm ở các làng nghề, khu công nghiệp đã vào khoảng 17.678 tỷ đồng/năm...

Thuế môi trường sẽ đánh vào một số mặt hàng thiết yếu

Dự thảo luật Thuế môi trường lần này gồm 4 chương 15 Điều, đề cập rõ về: Phạm vi điều chỉnh; Đối tượng chịu thuế và không thuộc diện chịu thuế; Người nộp thuế môi trường; Cách thức kê khai, nộp tính thuế môi trường; Các trường hợp hoàn thuế, giảm thuế…

Theo đó, sẽ có 5 đối tượng chịu thuế, gồm: Xăng dầu (xăng các loại, nhiên liệu bay, diese, dầu hỏa, dầu mazút), Than, Dung dịch HCFC, Túi nhựa xốp (túi ni lông), Thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế.

Đối tượng không chịu thuế sẽ gồm: Các loại hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc chuyên khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo quy định của pháp luật; Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở sản xuất kinh để xuất khẩu… Trong dự thảo này, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng thuế tuyệt đối đối với thuế môi trường.

Một trong những vấn đề dư luận quan tâm đó là biểu khung thuế môi trường. Theo Dự thảo, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành và thực thực chính sách thuế mới, Bộ Tài chính đề xuất quy định Biểu khung thuế môi trường trong dự thảo với mức thuế tuyệt đối tối thiếu và mức thuế tuyệt đối tối đa. Chẳng hạn, đối với xăng dầu, mức thuế tối đa trong khung quy định bằng khoảng 25% giá bán. Đối với than, do việc sử dụng than quá mức sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và tới đây chúng ta sẽ phải nhập khẩu than cho phát triển kinh tế nên mức thu chiếm khoảng từ 1-5% là phù hợp và mức này cũng nhằm dự phòng trượt giá khi phải sử dụng than nhập khẩu.

Đặc biệt đối với túi nhựa xốp, đây là loại hàng hóa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện nay, tại các siêu thị, chợ, người bán phát miễn phí cho người mua do giá bán của loại hàng hóa này rẻ hơn nhiều so với hàng hóa khác. Vì thế, nhằm tác động mạnh đến hành vi tiêu dùng của người sử dụng, Bộ Tài chính đề xuất quy định mức thu từ 100-150% giá bán hiện hành (1kg túi nhựa xốp khoảng 200 chiếc với giá bán từ 20.000 đến 30.000 đồng tuy chất lượng nhựa)… Với khung thuế quy định trong Dự thảo luật, dự kiến sẽ thu được tối thiểu 14.300 tỷ đồng/năm và tối đa 57.000 tỷ đồng/năm để đầu tư bảo vệ môi trường.

Đánh giá về mức thuế đề ra, ông Andrew Stephens, chuyên gia của Tổ chức USAID cho rằng, so với các thuế nhiên liệu của các nước đang phát triển khác thì mức thuế môi trường đề xuất của Việt Nam hơi thấp. Tuy nhiên, khi cộng với thuế VAT, 25% thuế nhập khẩu và các mức lệ phí nhiêu liệu khác hiện đang áp dụng của Việt Nam thì tổng mức thuế lại tương đối cao.

Về thời điểm tính thuế, dự kiến quy định thời điểm tính thuế phù hợp với từng nhóm hàng hóa, cụ thể: đối với hàng hóa sản xuất trong nước là thời điểm cơ sở sản xuất, khai thác bán ra; còn đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm tính thuế nhập khẩu…

Về các trường hợp hoàn thuế, dự thảo cũng quy định rõ các trường hợp cụ thể. Trong khi đó, giảm thuế chỉ áp dụng đối với các trường hợp do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra nhưng không quá 30% số thuế phải nộp của năm xảy ra thiệt hại và không vượt qua giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường (nếu có)…