Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chỉnh lý phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Sáng nay 22/10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tại phiên họp. Nguồn: mof.gov.vn
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tại phiên họp. Nguồn: mof.gov.vn

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân. Các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, Nghị quyết số 38 của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được triển khai sâu rộng, nghiêm túc, thu hút được sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với bố cục và nội dung Dự thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.

Dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm 4 điều so với Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5). Dự thảo trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý một cách hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Đại hội Đảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng

Về chế độ chính trị (Chương I): Đa số ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về chế độ chính trị (Chương I) của Dự thảo. Về tên nước, qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị lấy lại tên nước là “Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Qua nghiên cứu, xem xét nhiều mặt, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Hơn nữa, tên gọi này đã được Quốc hội lựa chọn ngay sau ngày nước nhà thống nhất, đã thân quen với nhân dân ta, được bạn bè và các nước công nhận, trân trọng. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4): Qua tổng hợp ý kiến nhân dân và đại biểu Quốc hội về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho thấy, tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân và các đại biểu Quốc hội tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng và những nội dung thể hiện tại Điều 4 của Dự thảo.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nên viết gọn lại theo hướng chỉ ghi vai trò lãnh đạo của Đảng, còn bản chất của Đảng, trách nhiệm của Đảng thì không quy định trong Hiến pháp mà quy định trong Điều lệ Đảng; một số ý kiến đề nghị cần khẳng định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội; đề nghị quy định Đảng phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình. 

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy rằng, quy định về Đảng trong Dự thảo Hiến pháp lần này đã thể hiện đầy đủ những vấn đề cơ bản về Đảng Cộng sản Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011). Đó là: Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bản chất giai cấp của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc; trách nhiệm của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; là sự tiếp tục kế thừa các bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001)); phù hợp với truyền thống lịch sử của cách mạng Việt Nam, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước. Vì vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xin đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung này như trong Điều 4 của Dự thảo.

Nền kinh tế thị trường có vai trò định hướng

Về các thành phần kinh tế (khoản 1 Điều 51): Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 có 3 phương án. Qua thảo luận, có 3 loại ý kiến khác nhau.  Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, quy định về các thành phần kinh tế trong cả 3 phương án trình Quốc hội tuy cách thể hiện có khác nhau nhưng đều trên tinh thần và nội dung của Cương lĩnh. Nếu quy định đầy đủ các thành phần kinh tế như phương án 1 thì phù hợp với cách thể hiện trong Cương lĩnh nhưng sẽ không bảo đảm tính khái quát và ổn định lâu dài của Hiến pháp do nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phát triển.

Nếu không liệt kê các thành phần kinh tế như Phương án 3 thì tuy bảo đảm tính khái quát, ổn định của Hiến pháp nhưng lại không thể hiện được định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thấy rằng, trong nền kinh tế thị trường ở nước ta thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế nhà nước là rất quan trọng.

Quy định như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội quy định về nội dung này tại khoản 1 Điều 51 như sau: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Quốc hội quyết định dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương

Về thẩm quyền quyết định dự toán ngân sách (khoản 4 Điều 70) quy định tại Chương V về Quốc hội, Dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 có 2 phương án. Qua thảo luận, có 2 loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành phương án 1 của Dự thảo, Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán NSNN.

Loại ý kiến thứ hai tán thành với phương án 2 của Dự thảo trình Quốc hội về thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định dự toán và phân bổ ngân sách trung ương; phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương; xem xét báo cáo tổng hợp dự toán và quyết toán NSNN.

Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Nhà nước ta là thống nhất, tài chính nhà nước và ngân sách nhà nước là thống nhất. Vì vậy, việc giao thẩm quyền qu‎yết định dự toán NSNN và phê chuẩn quyết toán NSNN cho Quốc hội là phù hợp với vị trí, vai trò và tính chất của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Việc giao thẩm quyền này cho Quốc hội cũng không hạn chế quyền tự chủ của địa phương trong vấn đề ngân sách.

Trên thực tế, việc dự toán và quyết định ngân sách cũng đang thực hiện theo cơ chế này và không có gì vướng mắc. Vì vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này và thể hiện lại khoản 4 Điều 70 như sau: “….quyết định dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán NSNN”.   

Về nhiệm vụ quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và mối quan hệ giữa Chính phủ và các thành viên Chính phủ (các điều 95, 96, 98, 99), qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với quy định của Dự thảo Hiến pháp, một số ý kiến đề nghị cần rà soát chỉnh lý lại các điều khoản trong Chương này để làm rõ hơn mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và nâng cao trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ; sắp xếp lại các nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ cho phù hợp; làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã rà soát, sắp xếp lại các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như trong Dự thảo (Điều 96, Điều 98).

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác trong Chương này để làm rõ hơn trách nhiệm cá nhân của thành viên Chính phủ trước Thủ tướng, cụ thể là đã bổ sung vào Dự thảo quy định Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ được phân công; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm cá nhân trước Thủ tướng Chính phủ (Điều 95); Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Thủ tướng Chính phủ (Điều 99)…