Đừng để mua bán nông sản thành...hoạt động từ thiện

Theo nhipsongthoidai.com.vn

(Tài chính) Mua – bán dưa, hành tím giúp người nông dân là một hành động đáng quý. Tuy nhiên, để mua bán nông sản trở thành một hoạt động từ thiện là điều không bình thường.

Điệp khúc được mùa rớt giá cho thấy cung chưa gặp được cầu. Nguồn: internet
Điệp khúc được mùa rớt giá cho thấy cung chưa gặp được cầu. Nguồn: internet
Hoạt động bán dưa từ thiện diễn ra sôi động ở Hà Nội khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Nhưng liệu hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa ấy có phải là giải pháp cho sự phát triển của một nền nông nghiệp hàng hóa?

Thông tin chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, 20 ngàn tấn dưa được bán hết tại Hà Nội khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Trong cuộc sống vẫn còn rất nhiều những tấm lòng đẹp sẵn sàng giang tay giúp đỡ người khác trong cơ hoạn nạn. Tình người chợt ấm áp và đáng quý hơn bao giờ hết.

Hành động mua dưa ủng hộ đồng bảo Quảng Nam là việc làm đáng được trân trọng. Đó là hành động từ trái tim, từ sự tương thân, tương ái đã trở thành truyền thống tốt đẹp giúp dân tộc ta vượt qua vô vàn khó khăn để đến được ngày hôm nay.

Nhưng sự ủng hộ nhiệt tình của hoạt động bán dưa phi lợi nhuận này khiến chúng ta phải suy nghĩ đến vấn đề khác, nghiêm túc và thực tế hơn. Đó là làm thế nào để không còn phải huy động mọi người mua – bán dưa, hành tím…từ thiện vào mỗi mùa thu hoạch. Đây là bài toán không dễ tìm được câu trả lời. Song đó lại là yếu tốt “cốt tử” giúp nông dân và nông thôn phát triển một cách bền vững.

Dù rất đáng trân trọng và khuyến khích nhưng hoạt động mua – bán dưa phi lợi nhuận như thời gian vừa qua không phải là một giải pháp bền vững. Đó chỉ là cách giải quyết tình thế tạm thời, giúp cho một bộ phận người dân bớt thiệt hại chứ chưa thể giải quyết được căn cơ của vấn đề.

Làm thế nào để không còn điệp khúc được mùa mất giá, được mùa phải…đổ đi như vậy nữa? Một nền sản xuất sẽ khó phát triển nếu chỉ nhờ vào tình thương và sự tương trợ. Tuy nhiên, tình thương và sự tương trợ sẽ trở thành động lực, bàn đạp để sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn. 

Có lẽ, việc để người sản xuất tiếp cận để tìm hiểu và nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng là yếu tố cốt lõi giúp cho hàng nông sản có được một thị trường rộng lớn trong nước. Đáp ứng cho nhu cầu của 90 triệu dân thực sự là một thị trường rất rộng lớn cho hàng nông sản Việt Nam. Vì vậy, chúng ta cần thiết lập các kênh thông tin kết nối để người sản xuất (nông dân) tiếp cận được với nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng.

Rõ ràng, việc 20 ngàn tấn dưa được bán trong 3 tiếng cho chúng ta thấy được sức mạnh của truyền thông trên mạng xã hội trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh phi lợi nhuận này. Tận dụng được sức mạnh truyền thông ấy, chắc chắn chúng ta sẽ mở rộng một cách bền vững thị trường tiêu thụ cho dưa hấu hay vải thiều, thanh long, dứa…

Thêm vào đó, việc xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, các nhà máy chế biến hoa quả nông sản… cũng sẽ tạo cơ hội để giải quyết đầu ra cho hàng nông sản của chúng ta. Việc giải quyết đầu ra, giúp người nông dân có 1 thị trường ổn định là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sản xuất và đời sống của họ. Đồng thời, đó cũng là cách để hàng nông sản tránh tình trạng được mùa rớt giá như thời gian vừa qua.

Mua – bán dưa, hành tím giúp người nông dân là một hành động đáng quý. Tuy nhiên, để mua bán nông sản trở thành một hoạt động từ thiện là điều không bình thường. Có lẽ, giúp họ tự giải quyết khó khăn của mình mới là cách giúp đỡ cần thiết và mang nhiều ý nghĩa.