EVFTA và quan hệ Việt Nam - EU

GS. TSKH. NGUYỄN MẠI

Năm 2018 tình hình kinh tế - xã hội nước ta diễn biến tích cực, hội nhập quốc tế được tăng cường với hai FTA mới là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương có 12 nước thành viên chính thức ký ngày 4/2/2016, có hiệu lực từ năm 2019 và FTA EU-VIệt Nam (EVFTA) đang được trình lên Quốc hội hai bên để phê chuẩn.

FTA EU-VIệt Nam (EVFTA) là FTA thế hệ mới với nhiều cam kết cao hơn quy định của WTO về mở cữa thị trường. Nguồn: internet
FTA EU-VIệt Nam (EVFTA) là FTA thế hệ mới với nhiều cam kết cao hơn quy định của WTO về mở cữa thị trường. Nguồn: internet

Nội dung chính của EVFTA   

FTA EU-VIệt Nam (EVFTA) là FTA thế hệ mới với nhiều cam kết cao hơn quy định của WTO về mở cữa thị trường, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, phát triển bền vững, giải quyết tranh chấp. EU đã dành cho Việt Nam môt số ưu đãi trong việc thực hiện EVFTA; đây vừa là thiện chí của EU, vừa thể hiện quan hệ tốt đẹp giữa hai bên.

Về thương mại và đầu tư: cam kết của EU cho Việt Nam cao hơn cam kết của EU trong WTO và tương đương mức cao nhất của EU tại một số FTA mới; trong khi cam kết của Việt Nam với EU cao hơn cam kết của Việt Nam trong WTO và ít nhất ngang với mức độ mở cữa cao nhất tại FTA mới.

Khi EVFTA có hiệu lưc, EU xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số giòng thuế, tương đương 75% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU; trong vòng 7 năm hai con số đó là là 99,2% và 99,7%; trong khiViệt Nam xóa bỏ ngay 65% và 10 năm bỏ 99% số giòng thuế.

Đối với thuế xuất khẩu: Việt Nam cam kết xóa bỏ hầu hết thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu sang EU, không tăng thuế xuất khẩu đối với sản phẩm còn lại.

Về dược phẩm: Việt Nam cam kết cho phép doanh nghiệp FDI được nhập khẩu và bán thuốc cho nhà phân phối và nhà bán buôn tại thị trường trong nước; các nhà thầu EU được tham gia các gói thầu dược phẩm.

Về sở hữu trí tuệ : đòi hỏi về bảo hộ sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư EU cao hơn trong WTO, bao gồm bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan đến dược phẩm và chỉ dẫn địa lý. Về cơ bản luật pháp Việt Nam đã có các quy định phù hợp; vấn đề là thực thi nghiêm chính luật pháp. Việt Nam cần chú ý các quy tắc về sở hữu trí tuệ trong EVFTA để có thể khai thác được lợi ích từ hiệp định này.

EVFTA có một chương về thương mại với phát triển bền vững:Về sử dụng lao động: cam kết thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn cơ bản của Tổ chức Lao đông thế giới (ILO), các công ước của ILO; gia nhập/ký kết các công ước của ILO mà mỗi bên chưa tham gia.

Về môi trường: cam kết không vì mục tiêu thương mại và đầu tư mà giảm bớt các yêu cầu phương hại đến việc thực thi có hiệu quả về môi trường; có cơ chế tăng cường sự tham gia của xã hội dân sự vào việc thực thi từ trong nước ( tham vấn các nhóm tư vẩn) và song phương (diễn đàn).

Cơ chế giải quyết tranh chấp: EVFTA đề ra cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh và có hiệu quả hơn cơ chế của WTO, được coi là phương thức cuối cùng khi không thể giải quyết bằng các phương thức khác. Cơ chế này bao gồm quy trình và thủ tục cố định, theo đó hai bên trước hết phải tham vấn để tìm cách giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp tham vấn không đạt kết quả thì một trong hai bên có thể yêu cầu lập Ban bồi thẩm bao gồm các chuyên gia pháp lý độc lập để giải quyết. EVFTA cũng linh hoạt bằng cơ chế trung gian để xử lý các vấn đề liên quan đến biện pháp có tác động tiêu cực đến thương mại và đầu tư song phương.

Nhìn chung EVFTA tạo ra cơ sở pháp lý mới có lợi cho Việt Nam trong quá trình hợp tác với EU, nhất là về thương mại và đầu tư.

Cơ hội và thách thức

EVFTA tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ với EU.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - EU và Bỉ, ngày 17-10 ở thủ đô Brussels, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố: “kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với EU trong 10 năm tăng lên 10 lần”.

Theo số liệu thống kê của Ủy ban châu Âu, năm 2017 kim ngạch nhập khẩu vào EU là 1.858,7 tỷ EUR, trong đó từ Việt Nam hơn 37 tỷ EUR, chiếm 2% và xếp thứ 10; kim ngạch XNK của EU là 3.737 tỷ EUR, trong đó kim ngạch XNK của EU với Việt Nam chiếm khoảng 1,3% và xếp thứ 19. Dự báo xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ tăng thêm 4 - 6% vào năm 2019 (so với không có EVFTA), tương đương khoảng 19 tỷ USD và tăng thêm hơn 75 tỷ USD đến năm 2028.

Một số sản phẩm như dệt may, giày dép, nông hải sản được hưởng lợi nhiều nhất vì hiện nay thuế nhập khẩu khá cao sẽ đưa về O% khi EVFTA có hiệu lực. Ví dụ hàng dệt may đang phải chịu thuế từ 7 - 17%, khi thuế về 0% thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU có thể tăng thêm 1,54 tỷ USD năm 2023 và 5,82 tỷ USD năm 2028 (so với không có EVFTA).

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU được dự báo tăng trưởng nhanh hơn do việc thực hiện EVFTA sẽ khắc phục được một số quan ngại của các nhà đầu tư EU như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyến và lợi ích của người lao động, môi trường và tăng trương bền vững, góp phần thực hiện định hướng, chính sách thu hút FDI chất lượng và hiệu quả hơn, phù hợp với trình độ phát triển của nước ta và cuộc cách mạng công nghiệp 4,0.

EVFTA với thuế xuất 0% đối với 65% dòng thuế hàng hóa của EU xuất khẩu sang Việt Nam khi Hiệp định có hiệu lực tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp EU tiếp cận nhiều hơn thị trường Việt Nam với gần 100 triệu người, có tốc độ tăng trưởng kinh tế gần 7%/năm, đời sống của nhân dân ngày càng cải thiện, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghiệp hiện đại, hàng tiêu dùng chất lượng cao của Việt Nam.

EVFTA đặt ra những những vấn đề mới, nếu không có giải pháp đúng đắn sẽ trở thành thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

1. Cạnh tranh trên thị trường nội địa: Do không phải chịu thuế nhập khẩu nên hàng hóa của EU vừa có chất lượng tốt, vừa có giá cả cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp Việt Nam; doanh nghiệp nào đổi mới công nghệ, sáng tạo mẫu mã mới, nâng cao chất lượng thì sức ép trở thành động lực đổi mới; ngược lại sẽ chịu thua lỗ, thậm chí phá sản.

2, EU quy định khá nghiêm ngặt đối với hàng nhập khẩu. Thường áp dụng rào cản kỷ thuật (đã sử dụng “thẻ vàng” đối với hàng thủy sản của nước ta), luật chống bán phá giá để hạn chế tốc độ tăng trưởng hàng nhập khẩu từ một nước. Đối với một số sản phẩm xuất khẩu là thế mạnh của mình, EU đòi hỏi đối tác cắt giảm hàng rào phi thuế quan, loại bỏ phương thức thức trợ giá của Chính phủ. EU đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nghiêm túc q uy định về xuất xứ sản phẩm để được hưởng thuế ưu đãi; đây là vấn đề đã từng xảy ra đối với một số sản phẩm như thép, hàng may mặc Việt Nam cần lưu ý. Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU nếu không theo giõi cập nhật thông tin về thị trường EU để ứng phó kịp thời và có hiệu quả sẽ chịu thiệt hại lớn khi EU áp dụng các biện pháp trên đây.

3, Khi nhiều tập đoàn kinh tế lớn của EU đầu tư vào Việt Nam tạo ra áp lực đối với việc thực thi thể chế, luật pháp nhất là chống tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động (tiền lương, bảo hiểm xã hội, chống cưỡng bức lao động, làm thêm giờ...) là những vấn đề Việt Nam đang tiến hành nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhà đầu tư từ EU. Hoạt động M&A sẽ được gia tăng vừa tạo thêm kênh huy động vốn đầu tư của Việt Nam đồng thời tạo ra cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước, nếu không nâng cao tiềm lực và mở rộng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng trong từng sản phẩm thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua trên sân nhà.

4, Việc thực hiện nhiều FTA làm giảm nguồn thu ngân sách từ hải quan do nhiều giòng thuế xuất nhập khẩu bằng 0%; được bù đắp chủ yếu từ tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu theo hướng tạo ra ngày càng nhiều giá trị giá tăng của doanh nghiệp trong nước; đồng thời tăng tốc độ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ ở mức cao hơn hiện tại để tạo thêm thu ngân sách; cả hai nhân tố đó chẵng những bù đắp được việc cắt giảm thuế quan mà còn tăng thêm thu ngân sách, giảm dần mức bội chi hàng năm.

Cơ hội và thách thức luôn đồng hành với các FTA; với hơn 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế kể từ tháng 7/1995 khi Việt Nam gia nhập ASEAN, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ký Hiệp định khung với EU, doanh nghiệp nước ta đã thu được nhiều kinh nghiệm trong thương mại và đầu tư quốc tế, vượt qua nhiều thách thức, tranh thủ được cơ hội mới, đầy tự tin khi thực hiện EVFTA.

Kiến nghị về giải pháp

Nhà nước và các doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp sau:

 Đối với Nhà nước

Với các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA thì nhà nước đối chiếu với luật pháp nước ta để sửa đổi, bổ sung mốt số nội dung đã cam kết, bảo đảm tính nhất quán của luật pháp với các hiệp định đó; nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ.

Kinh nghiệm cũng chỉ ra rằng, để trang bị cho các doanh nghiệp năng lực thực hiện EVFTA cần thông qua nhiều phương tiện như cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của các bộ, cung cấp đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp về nội dung và những điểm cần lưu ý của hiệp định này; biên soạn “Cẩm nang thương mại và đầu tư với EU” để hướng dẫn doanh nghiệp, trong đó bao gồm địa chỉ của cơ quan EU cần liên hệ và địa chỉ của cơ quan đại diện Việt Nam tại các quốc gia thành viên; tổ chức tập huấn theo từng ngành nghề thông qua các hiệp hội nghề nghiệp.

Nước ta đã và đang thực hiện buôn bán và đầu tư với hàng trăm quốc gia, có quan hệ với nhiều tổ chức quốc tế và khu vực nên doanh nghiệp rất cần sự trợ giúp của các công ty tư vấn về luật pháp, xúc tiến thương mại, đầu tư, tìm kiếm đối tác, kế toán, kiểm toán, tài chính, ngân hàng. Do công ty tư vấn Việt Nam còn thiếu và yếu về năng lực chuyên môn, ngoại ngữ nên nhiều doanh nghiệp trong nước buộc phải thuê tư vấn nước ngoài với chi phí khá cao. Đây là nhược điểm cần được các bộ lưu ý khắc phục bằng cách xác định mục tiêu từ 3 đến 5 năm xây dựng hoàn chính công ty tư vấn Việt Nam ngang tầm khu vực.

Khi EVFTA có hiệu lực, Bộ Công thương cần chủ động đề xuất với EU đàm phán một số vấn đề có liên quan; ví dụ để giảm chi phí tuân thủ các tiêu chuẩn (SPS và TBT) của EU, cần ký kết các thỏa thuận công nhận chung và thỏa thuận tương đương trong từng trường hợp cụ thể; đem lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam những lợi thế lớn, được ưu tiên tiếp cận thị trường tương đương hoặc lớn hơn về cắt giảm thuế quan.

Đối với doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động cập nhật thông tin về lộ trình cắt giảm thuế quan của EU và của Việt Nam với các điều kiện như tỷ lệ xuất xứ sản phẩm, điều kiện kỷ thuât, lao động, môi trường để có chiến lược dài hạn, đầu tư đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, hình thành và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm và xây dựng quan hệ hợp tác với bạn hàng tại các quốc gia thành viên EU, tuân thủ nghiêm túc các quy định của EU về thương mại và đầu tư.

Doanh nghiệp trong từng ngành hàng thông qua hiệp hội nghề nghiệp tăng cường quan hệ hợp tác theo chuỗi cung ứng sản phẩm được hình thành tại các cụm công nghiệp chuyên ngành để tận dụng có sở hạ tầng kỷ thuật- xã hội, tiết kiệm chi phí logichtic, hạ thấp giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng năng lực cạnh tranh trên thị trương đầy tiềm năng và khó tính như EU.

Trên cơ sở định hướng phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, Nhà nước với sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cần xác định sản phẩm xuất khẩu chủ lực với quy mô lớn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao tại thị trường EU; trên cơ sở đó tập trung nguồn lực của nhà nước và của doanh nghiệp để phát triển những sản phẩm đó, tạo ra giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt, kiểu giáng hợp thời trang và thương hiệu có uy tín trên thị trường thế giới.

Nhà nước cần ban hành chính sách kết nối giữa các Tập đoàn kinh tế FDI với sự chủ động hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng công nghiệp hổ trợ một số sản phẩm chủ lực, không những để nước ta trở thành công xưởng sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao của thế giới, mà còn tạo ra giá trị gia tăng ngày càng lớn cho doanh nghiệp trong nước.

EVFTA tạo cơ hội mới để doanh nghiệp Việt Nam phát triển, gia tăng tốc độ phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam, nâng cao mức sống của nhân dân, đồng thời góp phần mở rộng quan hệ hợp tác ngày càng có hiệu quả giữa Việt Nam với EU.