EVN có thể bị cấm đầu tư vào ngân hàng, bất động sản

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Việc bổ sung ngành nghề kinh doanh hoặc đầu tư vốn ra ngoài ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thể chỉ được thực hiện sau khi được Thủ tướng chấp thuận.

 EVN có thể bị cấm đầu tư vào ngân hàng, bất động sản
Có thể tới đây EVN sẽ bị hạn chế việc đầu tư vào một số lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán. Nguồn: internet

Theo dự thảo Nghị định ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vừa được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến, thì EVN có thể không được đầu tư vào một số lĩnh vực "nóng".

Cụ thể, quy chế nêu rõ EVN được sử dụng vốn của mình để đầu tư ra ngoài các ngành nghề kinh doanh được quy định trong điều lệ tổ chức hoạt động. Văn bản cũng nhấn mạnh việc đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn, tăng thu nhập và không làm thay đổi mục tiêu hoạt động.

Đặc biệt, quy chế nêu rõ, EVN không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, đơn vị đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng. Tập đoàn cũng không được phát hành trái phiếu để đầu tư vào các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản, tài chính.

Cũng theo dự thảo, EVN không được nhận đầu tư, góp vốn từ các công ty con, từ các công ty con của doanh nghiệp cấp 2 và những cấp tiếp theo. Ngoài ra, các công ty con do Tập đoàn Điện lực nắm giữ 100% vốn điều lệ không được góp vốn mua cổ phần khi cổ phần hoá các đơn vị của EVN. 

Đồng thời, EVN không được đầu tư hoặc góp vốn với các doanh nghiệp khác mà người quản lý, điều hành hoặc người sở hữu chính của doanh nghiệp này là vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của Chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên, kiểm soát viên, ban tổng giám đốc và kế toán trưởng của Tập đoàn.

Vẫn theo quy chế thì việc bổ sung ngành nghề kinh doanh hoặc đầu tư vốn vào các doanh nghiệp thành viên hoạt động ngoài lĩnh vực chính của EVN chỉ được thực hiện sau khi có sự chấp thuận của Thủ tướng.

Dự thảo văn bản cũng đưa ra một số quy chế chặt chẽ hơn liên quan đến việc huy động và sử dụng vốn của EVN. Cụ thể, việc huy động phải đảm bảo hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn không vượt quá 3 lần, bao gồm cả các khoản bảo lãnh vay vốn đối với doanh nghiệp có vốn góp của EVN. 

Cũng theo dự thảo, EVN được quyền bán các khoản nợ phải thu quá hạn, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn. Tuy nhiên, Tập đoàn chỉ được bán cho các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ, không được bán nợ trực tiếp cho khách nợ. 

Trường hợp bán nợ mà dẫn tới doanh nghiệp bị thua lỗ, mất vốn, hoặc mất khả năng thanh toán, dẫn đến tình trạng Tập đoàn phải giải thể, phá sản thì Hội đồng thành viên và người có liên quan trực tiếp đến việc phát sinh các khoản nợ này phải bồi thường và bị xử lý theo quy định. 

Về cơ chế tiền lương của người lao động, văn bản yêu cầu phải được xác định trên nguyên tắc mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất. Với viên chức quản lý chuyên trách gồm thành viên hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên, tiền lương phải gắn với kết quả sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành và có khống chế mức thưởng tối đa.

Theo dự thảo, giá bán lẻ điện được điều chỉnh theo sự biến động của các yếu tố đầu vào và cơ chế thị trường. Nguyên tắc xây dựng và thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh giá bán lẻ điện thực hiện theo quy định của Thủ tướng.