FDI 10 tháng: Giải ngân tăng, thu hút mới giảm

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Số vốn mới thu hút được chỉ bằng 3/4 so với cùng kỳ, nhưng đáng mừng là vốn giải ngân vẫn giữ "phong độ".

FDI 10 tháng: Giải ngân tăng, thu hút mới giảm
Tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 10 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,7 tỷ USD, bằng 71,2% so với cùng kỳ 2013. Nguồn: internet

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/10, cả nước đã thu hút được 1.306 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới với tổng vốn đăng ký 9,95 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2013 thì chỉ bằng 76,1%.

Không chỉ dự án mới, các dự án đang hoạt động đăng ký tăng vốn cũng kém xa so với năm ngoái. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2014 chỉ có 469 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,74 tỷ USD, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 10 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,7 tỷ USD, bằng 71,2% so với cùng kỳ 2013.

Điểm tích cực trong thu hút FDI là vốn giải ngân khá tốt, cho thấy sự tích cực trong tiến độ thực hiện dự án của các nhà đầu tư. Trong 10  tháng  năm 2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,15 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Chiếm tới 70,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng năm 2014, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất với 636 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,7 tỷ USD. Đứng ở vị trí thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 29 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,22 tỷ USD, chiếm 8,9%. Tiếp theo là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,03 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng vốn đăng ký.

Trong 10 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó dẫn đầu là TP. Hồ Chí Minh với 2,85 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,38 tỷ USD, chiếm 10,1%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 1,37 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Tiếp theo là Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 1,36 tỷ USD; 993 triệu USD và 954 triệu USD.

Theo đối tác đầu tư, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 3,6 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với 2,64 tỷ USD, chiếm 19,3 % tổng vốn đầu tư; Hồng Kông đứng vị trí thứ 3 với 1,67 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư; Tiếp theo là Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 1,66 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp FDI vẫn đang cho thấy vai trò quan trọng trong cán cân thương mại của Việt Nam. Xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 10 tháng đạt 82,48  tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 67% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô trong 10 tháng đạt 76,2 tỷ USD tăng 14,3% so với cùng kỳ 2013.

Nhập khẩu của khu vực FDI tính đến tháng 10 đạt 68,66 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu. Như vậy, tính chung 10 tháng, khu vực FDI xuất siêu 13,8 tỷ USD.

Trong Chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, mặc dù thu hút FDI cùng kỳ năm nay không bằng năm ngoái, nhưng việc so sánh số liệu của một năm với cùng kỳ năm trước không thể nói lên hết bản chất vấn đề. Bởi, các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu rất nhiều tác động, đặc biệt là tác động của tập đoàn họ ở chính nước sở tại, như việc bị vỡ nợ, bị sa lầy vào những khó khăn kinh tế ở nước sở tại, cho nên họ không đủ khả năng vươn ra ngoài để đầu tư nữa mà phải co cụm lại. Để đánh giá chính xác, chúng ta cần đánh giá theo một giai đoạn khoảng 5 năm thì phù hợp hơn.

Bộ trưởng Vinh tin tưởng rằng, năm nay Việt Nam có thể đạt mức thu hút FDI khoảng 15-16 tỷ USD theo đúng kế hoạch từ đầu năm./.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 10 tháng năm 2014

- Dự án Công ty TNHH điện tử Samsung CE Complex do nhà đầu tư Samsung Asia Pte.Ltd – Singapore đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD;

- Dự án Công ty TNHH SamSung Display Bắc Ninh do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 1 tỷ USD;

- Dự án Công ty TNHH khoa học công nghệ Texhong Ngân Hà do nhà đầu tư  Hồng Kông đầu tư tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD;

- Dự án đầu tư XD và KD cơ sở hạ tầng KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nhà đầu tư Bỉ tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 259,4 triệu USD.