FDI “làm ngơ” với nông nghiệp

Theo congan.com.vn

Trong tổng vốn 218,84 tỷ USD còn hiệu lực đến cuối tháng 6-2013 chỉ có 3,3 tỷ USD đầu tư vào nông, lâm nghiệp, thủy sản. Chỉ xấp xỉ 500 dự án, bằng 3% so với tổng số dự án đang được đầu tư (15.067 dự án).

FDI “làm ngơ” với nông nghiệp
Chỉ xấp xỉ 500 dự án, bằng 3% so với tổng số dự án đang được đầu tư. Nguồn: internet
Chưa xứng tiềm năng

Dòng vốn FDI vào nông, lâm, thủy sản là quá nhỏ cả về quy mô dự án và tỷ trọng vốn đầu tư so với tổng vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) của cả nước. Mặc dù trong tổng thể chính sách thu hút đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn được coi là lĩnh vực khuyến khích, đặc biệt khuyến khích đầu tư nhưng dường như các nhà ĐTNN vẫn không mấy mặn mà, thể hiện qua tỷ trọng vốn thấp, thiếu ổn định.

Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, nếu năm 2001 FDI vào nông nghiệp chiếm 8% tổng vốn FDI vào Việt Nam thì đến năm 2006 con số này là 7,4%, năm 2007 còn 5,37%, năm 2008 còn 3% và các năm 2009, 2010, 2011 chỉ còn 1%. Những nước có nền nông nghiệp tiên tiến như Mỹ, Australia, Pháp, Canada... đều không đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Các nhà đầu tư phần lớn đến từ châu Á (70%), trong đó 1/3 vốn đăng ký của nhà đầu tư Đài Loan và Hồng Kông. 

Giải thích cho sự “thờ ơ” của các nhà ĐTNN đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng nguyên nhân là do đầu tư vào nông nghiệp mang tính rủi ro cao, chịu ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết, dịch bệnh, sử dụng nguồn lực đất đai lớn. Đầu tư vào lĩnh vực này lợi nhuận không cao, tốc độ và thời gian thu hồi vốn chậm.

Hiện có một thực trạng là nhà ĐTNN không đầu tư và sản xuất kinh doanh mà tập trung vào xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối các sản phẩm nông nghiệp. Nhu cầu “ăn xổi” này khiến các dự án phát triển công nghệ sinh học, lai tạo giống cây trồng, vật nuôi mới hay trồng, chế biến các loại rau quả xuất khẩu có hàm lượng kỹ thuật cao... hầu như không được các nhà ĐTNN quan tâm.

Một điểm nữa khiến nông nghiệp ít hấp dẫn vốn FDI là do ở Việt Nam, lĩnh vực này còn mang nặng tính sản xuất nhỏ, ruộng đất manh mún, đầu tư phân tán, thiếu tính chuyên môn. Điều này mâu thuẫn với lực lượng sản xuất mới đòi hỏi một nền sản xuất công nghiệp có năng suất cao, sản xuất tập trung và đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Sản xuất nông nghiệp chưa hình thành được các chuỗi giá trị bền vững từ cung ứng đầu vào, canh tác trên đồng ruộng, thu hoạch đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Tình trạng chia cắt, tranh chấp đã tạo ra thị trường nguyên liệu nông sản không lành mạnh làm nản lòng các nhà ĐTNN.

Định hình hướng đi

Bộ Kế hoạch - Đầu tư thừa nhận các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa thể hiện vai trò được kỳ vọng là đột phá thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Định hướng thu hút ĐTNN cũng chưa đồng bộ và thiếu rõ ràng trong khi công tác vận động xúc tiến đầu tư chưa hiệu quả, thiếu cả về nguồn lực và kinh phí để triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp. Ở địa phương, hiện mới chỉ có 9/40 tỉnh cấp “Giấy chứng nhận ưu đãi, hỗ trợ đầu tư bổ sung cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” cho 42 dự án của 42 doanh nghiệp, chiếm chưa đầy 0,2% tổng số 26.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này.

Dù còn nhiều thách thức nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khả năng thu hút vốn FDI vào nông nghiệp là rất cao và khả quan bởi Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh. Trong số này phải kể đến các lợi thế về tự nhiên, con người, dân số đông, sức mua lớn, có sự ổn định chính trị. Việt Nam được thế giới biết đến như một quốc gia xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng đầu. Xuất khẩu nông sản Việt Nam cũng liên tục tăng trong hai thập kỷ qua, nhiều mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Để nông nghiệp thật sự đủ “lực hấp dẫn” với vốn ngoại, cơ quan chức năng cần xác định vị trí của nguồn vốn FDI đối với nhu cầu đầu tư phát triển của ngành. Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cần tăng đầu tư về công nghệ, kỹ thuật, thay đổi chính sách cũng như các giải pháp về tín dụng, tiền tệ... để thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực vốn được coi là “bệ đỡ” của nền kinh tế. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là tập trung vào các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả đất đai. Bộ này cũng chủ trương thu hút đầu tư vào công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản, nhất là bảo quản sau thu hoạch nhằm tăng sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm và khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tới đây nguồn vốn ngân sách, vốn viện trợ phát triển (ODA) sẽ được tập trung đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, đào tạo nghề cho nông dân, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao trình độ của lao động nông nghiệp, nâng cao chất lượng, sản lượng của nguồn nguyên liệu nông sản.