FDI trong lĩnh vực viễn thông di động: Vốn ngoại yếu thế

Thu Huyền (Báo Đầu tư).

Gtel Mobile vừa công bố thay đổi thương hiệu thay thế Beeline, đánh dấu chấm hết cho sự tham gia của đối tác VimpelCom. Như vậy, trong số 4 nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường viễn thông di động, hiện chỉ còn Hutchison Telecommunications trụ lại.

Ngậm ngùi rút lui

Trước đây, các thương hiệu Comvik, SK Telecom, VimpelCom, Hutchison Telecommunications từng được nhắc đến như những nhà đầu tư “đầy tham vọng” khi tham gia thị trường viễn thông Việt Nam. Nhưng tại thời điểm này, 3 trong 4 thương hiệu trên chỉ được nhắc đến như là “một thời để nhớ”.

Comvik nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) trong lĩnh vực viễn thông di động tại Việt Nam, khi đầu tư 200 triệu USD để hợp tác với MobiFone vào năm 1995. Với sự hợp tác của Comvik, MobiFone đã trở thành nhà khai thác viễn thông lớn, với 2,5 triệu thuê bao và 400 triệu USD doanh thu vào cuối năm 2005. Sau 10 năm hợp tác, đến năm 2005, đối tác này ngậm ngùi chia tay MobiFone do hết thời hạn hợp đồng.

Không giống như câu chuyện của Comvik, cả SK Telecom và VimpelCom phải ra quyết định rút lui khỏi thị trường Việt Nam, do không đạt được hiệu quả kinh doanh như mong đợi.

Năm 2010, sau 9 năm hoạt động không hiệu quả tại Việt Nam, SK Telecom (đối tác BCC với Công ty cổ phần Dịch vụ bưu chính - viễn thông Sài Gòn trong mạng S-Fone) rút êm khỏi thị trường dưới hình thức chuyển đổi hoạt động từ mô hình BCC sang mô hình liên doanh.

Giống như SK Telecom, VimpelCom cũng buộc phải chia tay đối tác GTel trong liên doanh GTel Mobile (đơn vị điều hành mạng Beeline) khi tham vọng còn đang dang dở. Mặc dù có được sự hậu thuẫn mạnh về vốn và công nghệ, nhưng sau hơn 3 năm hoạt động, VimpelCom vẫn chưa thay đổi được vị trí của Beeline trên thị trường.

Bình luận về sự rút lui của các đối tác nước ngoài, ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong quá trình cạnh tranh, doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường hoặc phải sáp nhập hoàn toàn do thị trường quyết định.

Long đong kẻ ở lại

Như vậy, trong 4 đối tác nước ngoài đã tham gia lĩnh vực viễn thông di động, hiện chỉ còn Hutchison Telecommunications (Hồng Kông) trong mạng Vietnamobile còn hiện diện trên thị trường. Nhưng số phận của người ở lại này cũng không được xuôi chèo, mát mái khi thị phần mới chiếm khoảng 8%.

Năm 2008, chỉ sau hơn 1 năm chính thức hoạt động, Vietnamobile đã phải chuyển đổi từ công nghệ CDMA sang công nghệ GSM, do công nghệ CDMA không mang lại lợi nhuận. Mặc dù “thay máu” công nghệ, nhưng Vietnamobile vẫn chưa tạo được bước phát triển đột phá trên thị trường. Đặc biệt, Vietnamobile đang đứng trước tình cảnh không có đủ băng tần 3G để phát triển dịch vụ một cách hiệu quả. Sau khi EVNTelecom (đối tác liên danh trong thi tuyển 3G với Vietnamobile) được sáp nhập vào Viettel, Vietnamobile vẫn chưa thỏa thuận được với nhà mạng quân đội này về việc sử dụng chung băng tần 3G.

Hiện Vietnamobile đang nhờ đến sự hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thỏa thuận sử dụng băng tần 3G với Viettel. Nhưng ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Quan điểm của chúng tôi là Hanoi Telecom và Viettel phải ngồi với nhau để tìm hướng giải quyết. Nếu khó khăn, Cục sẽ hỗ trợ đàm phán”.

Như vậy, Hutchison Telecommunications đang trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nếu rút lui ở thời điểm này, Hutchison Telecommunications sẽ không thể nhanh chóng rút vốn như VimpelCom. Còn tiếp tục ở lại, thì chỉ còn cách chờ sự hỗ trợ từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông.

Còn cơ hội cho người mới?

Liệu với việc các nhà đầu tư nước ngoài tiên phong kể trên không đạt được mục tiêu của mình tại thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài khác có đánh giá thị trường viễn thông di động này không còn hấp dẫn?

Trả lời câu hỏi này, ông Tony Foster, Giám đốc điều hành Công ty Luật Freshfields Bruckhaus Deringer cho biết, đã xuất hiện dấu hiệu nhà đầu tư nước ngoài ít quan tâm hơn đến lĩnh vực viễn thông Việt Nam, ngoại trừ mối quan tâm về khả năng sáp nhập giữa MobiFone và VinaPhone. Nhưng bên cạnh đó, ông Tony Foster cũng đặt vấn đề về việc liệu Việt Nam có thật sự cần nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường viễn thông tại thời điểm này?”.

Chia sẻ quan điểm này, ông Lê Nam Thắng cũng cho rằng, điều quan trọng là việc doanh nghiệp Việt Nam có cần đối tác nước ngoài hay không. “Giả sử mình thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu nhân lực, thì cần đối tác nước ngoài, nhưng tại thời điểm này, nhiều doanh nghiệp viễn thông Việt Nam không thiếu vốn, trong khi công nghệ cũng đã có thể tiếp cận dễ dàng hơn so với các giai đoạn trước”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, theo ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc rút lui của các nhà đầu tư nước ngoài là một tín hiệu để nhìn nhận lại thị trường, nhìn nhận lại vấn đề cạnh tranh và mở cửa thị trường để có những điều chỉnh theo hướng phát triển tốt hơn. “Thị trường viễn thông Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và vẫn đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông nước ngoài”, ông Thành cho biết.

Nhận định trên của ông Thành được minh chứng qua việc mới đây, hai hãng viễn thông British Telecom (Anh) và True Corporation (Thái Lan) đã bày tỏ mong muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Nên cho phép nhà đầu tư lựa chọn lĩnh vực đầu tư”

Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương

Trong giai đoạn đầu phát triển, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực viễn thông theo hình thức BCC. Trong giai đoạn hiện nay, có thể mở cửa thị trường hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, theo đó, họ có thể lựa chọn lĩnh vực tiềm năng để đầu tưn

Chúng tôi vẫn cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam”

Ông Stepen W F Sun, Trưởng đại diện của Hutchison Telecommunications tại Việt Nam

Trước viễn cảnh có thể có việc sáp nhập trên thị trường viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cần quan tâm đến các nhà mạng nhỏ. Với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài, Hutchison Telecommunications mong được đối xử công bằng như những thị trường khác mà Công ty đang hoạt động. Hutchison mong muốn được chuyển đổi từ mô hình BCC sang mô hình liên doanh. Tại thời điểm này, chúng tôi rất quan tâm đến việc liệu có diễn ra sáp nhập giữa MobiFone và VinaPhone hay không. Dẫu thế nào, chúng tôi vẫn cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Việc doanh nghiệp rút lui là điều bình thường của thị trường”

Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông)

Tôi cho rằng, việc một số doanh nghiệp rời bỏ thị trường hoặc sáp nhập là điều bình thường của thị trường.

Khi thị trường phát triển ở một mức độ nào đó, doanh nghiệp đủ mạnh sẽ tiếp tục tồn tại, doanh nghiệp không có khả năng hoặc chưa tận dụng hết năng lực kinh doanh của mình thì phải rời khỏi thị trường.