Gạo Việt “vượt” gạo Thái, chưa vội mừng!

Theo Lê Thúy/thoibaokinhdoanh.vn

Đầu năm 2018, ngành lúa gạo liên tiếp đón nhận nhiều tin vui như trúng thầu xuất khẩu (XK) gạo sang Indonesia, một số thị trường nhập khẩu (NK) gạo chính của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Bờ Biển Ngà… được dự báo sẽ tăng nhập, hay mới đây là thông tin chất lượng gạo Việt đang “vượt mặt” gạo Thái Lan. Điều này đã đủ chứng tỏ ngành lúa gạo thực sự phát triển? Muốn bán giá cao, gạo Việt phải có thương hiệu.

 Ngành lúa gạo muốn phát triển bền vững đòi hỏi sản phẩm phải an toàn, có đầu mối giao nhận, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nguồn: Internet
Ngành lúa gạo muốn phát triển bền vững đòi hỏi sản phẩm phải an toàn, có đầu mối giao nhận, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Nguồn: Internet

Vừa qua, ông Chukiat Opaswong, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Những nhà XK gạo Thái Lan, cho rằng chất lượng gạo Việt đang “vượt mặt” gạo Thái Lan, thơm mềm và dẻo, khiến khách hàng lâu nay mua gạo Thái đã chuyển sang lựa chọn gạo Việt.

“Đây là thực tế mà chúng tôi quan sát thấy được và cả từ phản ánh của khách hàng. Dù không muốn tin và không muốn điều đó xảy ra, nhưng chúng tôi phải thừa nhận rằng thực tế đó rất đáng lo ngại cho sản phẩm gạo của Thái Lan”, ông Chukiat Opaswong cho biết.

Dồn dập tin vui

Theo ông Chukiat Opaswong, chất lượng gạo của Việt Nam giờ đã được cải thiện nhiều so với trước bởi Việt Nam có chính sách phát triển lúa gạo nhắm vào thành tố chất lượng nhiều hơn, từ đó có lựa chọn đầu tư hợp lý giống cây trồng, kỹ thuật và sản xuất. Trong khi đó, Thái Lan chỉ quan tâm đến giá cả, làm sao để bán được với giá cao và số lượng nhiều, chất lượng cao không được chú trọng như đã từng quan tâm.

Về diễn biến thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết ước tính khối lượng gạo XK tháng 1/2018 đạt 524 nghìn tấn với giá trị 249 triệu USD, tăng 56,5% về khối lượng và tăng tới 74,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.

Giá gạo XK cũng có dấu hiệu tăng đáng kể, gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng 45 USD/tấn trong tháng 1, từ mức 390 – 395 USD/tấn lên 420 – 430 USD/tấn. “Nguyên nhân là triển vọng thương mại gạo với Philippines và Indonesia tăng cao”, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đánh giá.

Theo dự báo, năm 2018, XK gạo của Việt Nam sẽ khởi sắc. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết trong năm 2017, các doanh nghiệp đã XK trên 5,7 triệu tấn gạo, vượt xa kế hoạch đề ra. Hợp đồng đăng ký XK tính đến cuối năm 2017 đạt gần 6,4 triệu tấn gạo nên hiện vẫn còn khoảng 630.000 tấn gạo đã đăng ký XK được chuyển sang năm 2018. Đây là một trong những yếu tố tạo đà cho XK gạo sôi động ngay từ đầu năm. 

Thực tế, ngay từ đầu năm 2018, Indonesia đột ngột thông báo mở thầu 500.000 tấn gạo và yêu cầu phải giao hàng ngay trong tháng 2/2018. Tuy nhiên, do cân đối lượng tồn kho và hợp đồng đăng ký XK gạo cho thấy lượng gạo tồn kho hiện còn khá ít, chỉ còn trên 100.000 tấn. Trong khi đó, vụ Đông Xuân 2018 chưa vào thời kỳ thu hoạch rộ khiến nguồn cung gạo trong nước không còn nhiều. Đây cũng là lý do mà trong đợt đấu thầu gạo của Indonesia vừa qua, Việt Nam chỉ tham gia bỏ thầu và trúng thầu 141.000 tấn gạo. 

Dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng cho thấy một số thị trường NK gạo chính của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Bờ Biển Ngà… sẽ tăng nhập gạo trong năm nay. Theo đó, lượng gạo XK năm 2018 của Việt Nam có thể tăng thêm 400.000 tấn so với năm 2017, đạt trên 6 triệu tấn. Gạo XK của Việt Nam sẽ tăng lên chủ yếu nhờ nhu cầu ở khu vực Đông Nam Á, nhất là tại Philippines.

Những yếu tố tích cực này kết hợp cùng với đánh giá của Chủ tịch danh dự Hiệp hội Những nhà XK gạo Thái Lan – “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp về XK gạo với Việt Nam, phải chăng đúng là ngành lúa gạo đã thay đổi, chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo tốt hơn?

Còn nhiều việc phải làm

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đừng nhìn những thành quả bước đầu trên mà mừng vội, bởi kết quả đạt được là nhờ nhu cầu lúa gạo trên thế giới tốt hơn và trên thực tế, ngành lúa gạo vẫn còn nhiều việc phải làm. 

Theo đó, những điểm nghẽn của ngành lúa gạo hiện nay là thiếu thương hiệu, chất lượng chưa cao, mối liên kết giữa nông dân và DN, hợp tác xã còn lỏng lẻo, sản xuất manh mún. Trong khi đó, ngành lúa gạo muốn phát triển bền vững đòi hỏi sản phẩm phải an toàn, có đầu mối giao nhận, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. 

GS.TS. Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, chỉ rõ nghịch lý khi giá gạo trong nước bán được bình quân 15.000 đồng/kg (tương đương 700 USD/tấn) nhưng khi XK, giá lại rất thấp, chỉ khoảng 400 USD/tấn. “Bởi vậy chúng ta không nên đặt nặng về thị trường gạo, vì một năm, thị trường XK gạo thế giới chỉ có 15 tỷ USD. Thị trường XK gạo rất hẹp, cung tăng một chút thì giá tụt xuống”.

Theo ông Bửu, nhiều năm trước, Việt Nam đã có thương hiệu gạo Jasmine 85, nếp OM85 XK sang Nhật Bản từ 200.000 đến 300.000 tấn mỗi năm với giá không dưới 700 USD/tấn. Tuy nhiên, khi số lượng XK tăng lên khoảng 1 triệu tấn thì phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu, kể từ đó, phía Nhật Bản quyết định ngừng mua. 

Năm 2016, gạo xuất sang thị trường Mỹ cũng bị trả về vì có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Nguyên nhân là do chúng ta chưa xây dựng được vùng nguyên liệu an toàn để tập hợp nông dân sản xuất theo một quy trình chặt chẽ.

Liên quan tới vấn đề về chất lượng, ông Đặng Văn Thanh, Giám đốc công ty TNHH Việt Thanh, TP. Tân An (tỉnh Long An), cho biết Việt Nam hiện chưa có cơ quan kiểm định chất lượng gạo ngang bằng quốc tế. 

Nếu biết sản phẩm lúa của nông dân sản xuất đạt chất lượng cao, an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc tế, doanh nghiệp sẵn sàng thu mua giá cao hơn giá thị trường. Nhà nước cần sớm thành lập cơ quan kiểm định chất lượng lúa gạo đạt tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị.

Đồng thời, vùng nguyên liệu lúa sẽ quyết định hoàn toàn đến ngành gạo, kể cả chất lượng, giá trị, thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường XK. Ngành phải có quy hoạch sản xuất cho từng loại lúa hàng hóa phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, miền; Nâng cao chất lượng lúa gạo theo quy trình sản xuất sạch, hữu cơ.

Có ý kiến cho rằng có thể lấy vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới thị trường XK là chính. Nhóm giống lúa chất lượng cao cần được chú ý: Gạo trắng, hạt dài, thơm nhẹ hoặc không thơm chiếm khoảng 50%, giống lúa thơm chiếm khoảng 25%, nếp và đặc sản địa phương chiếm khoảng 15%.

Đặc biệt, muốn bán được giá cao, sản phẩm lúa gạo phải có thương hiệu, thị trường đầu ra của gạo rất bấp bênh, doanh nghiệp hay bị ép giá bởi thương hiệu gạo vô cùng mờ nhạt. 

Ông Vũ Việt Nga, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, cho biết người dân Philippines hiện mới chỉ biết đến thương hiệu gạo Thái Lan mà chưa biết đến thương hiệu gạo Việt Nam. Thời gian tới, gạo Việt cần phải xây dựng thương hiệu. 

Lo ngại hơn ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết vẫn có tình trạng gạo XK là của Việt Nam nhưng bán ở nước ngoài lại mang thương hiệu khác. Nguyên nhân là vì doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam đặt hàng rồi chỉ lấy gạo, gắn nhãn mác, bao bì của họ. 

Trong khi đó, năng suất lúa Việt Nam khoảng 5,3 tấn/ha, Thái Lan chỉ khoảng 2,8 tấn/ha nhưng giá trị XK gạo Thái Lan cao hơn nhiều so với Việt Nam bởi thương hiệu gạo của họ tạo được chỗ đứng trên thị trường thế giới. Điều này cho thấy thời gian tới cần phải chú trọng nhiều hơn tới việc xây dựng thương hiệu. 

Để làm được, trong chiến lược XK gạo cần xác định rõ đâu là những thị trường XK trọng tâm và tiềm năng, thị trường đó cần những chủng loại gạo gì, chất lượng ra sao để có kế hoạch phù hợp, bắt đầu từ việc chọn giống lúa. Chính vì thiếu giống lúa số một nên dù Việt Nam đứng nhất, nhì về lượng gạo XK hàng năm, nhưng giá trị thường đứng thấp nhất, nhì thế giới.