GDP 2016 tăng cao hơn bình quân 10 năm trước

Theo baochinhphu.vn

Tăng trưởng GDP năm 2016 của nước ta đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh quốc tế và trong nước có rất nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong năm 2016, tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế (tăng 6,21% so với năm 2015) cao hơn tốc độ tăng bình quân/năm thời kỳ 2011-2015 và cả thời kỳ 2006-2015.

GDP 2016 tăng cao hơn bình quân 10 năm trước - Ảnh 1
TỐC ĐỘ TĂNG GDP (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tăng trưởng GDP năm 2016 đạt được trong điều kiện năm 2015- năm cuối kế hoạch 5 năm (2011-2015) đạt tăng trưởng cao (làm cho số gốc so sánh cao lên), vừa có nhiều bất ổn vĩ mô phải khắc phục trong năm 2016. Tăng trưởng của Việt Nam đạt được trong điều kiện có nhiều bất ổn từ bên ngoài tác động, tăng trưởng của nhiều nước bị giảm.

Tăng trưởng cao lên qua các quý (quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78%, quý III tăng 6,58%, quý IV tăng 6,68%), là một trong những tín hiệu để kỳ vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội (6,7%).

Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Tăng trưởng của nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản so với cùng kỳ năm trước cho đến 6 tháng vẫn còn bị giảm, nhưng từ quý III đã vượt lên và tính chung cả năm vẫn tăng 1,36%, trong đó lâm nghiệp tăng 6,11%, cao nhất so với nhiều năm trước.

Nhóm ngành công nghiệp- xây dựng tăng 7,57%, cao hơn tốc độ tăng chung, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá; xây dựng có mức tăng cao nhất trong 6 năm qua. Tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ đạt 6,98%, cao hơn tốc độ tăng chung và dịch vụ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 nhóm ngành.

Do quy mô GDP giá thực tế đạt khá, tốc độ tăng dân số đạt thấp (1,077 phần nghìn), tỷ giá VND/USD bình quân/năm tăng thấp hơn năm trước (2,23% so với 3,16%), nên GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân năm nay ước đạt 2.215 USD, tăng với tốc độ tăng cao hơn của năm trước (5% so với 2,8%).

Nếu tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương thì GDP bình quân đầu người đạt 6.069 USD/người- lần đầu tiên vượt qua mốc 6.000 USD- và có tốc độ tăng cao hơn của năm trước (5% so với 2,7%).

Tổng GDP tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái bình quân năm nay ước đạt 205,3 tỷ USD, tăng cao hơn năm trước (6,1% so với 3,9%).

Kết quả tăng trưởng GDP năm 2016 đạt được do nhiều yếu tố.

Ở đầu vào, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng khá (8,7%) và tỷ lệ so với GDP đạt cao hơn năm trước (33% so với 32,6%).

Tăng trưởng vốn đầu tư đạt được ở cả 3 nguồn. Nguồn vốn từ khu vực kinh tế Nhà nước, mặc dù gặp khó khăn trong cân đối ngân sách, nhưng đã thực hiện nhiều hơn về cuối năm, nên vẫn tăng so với năm trước (7,2%) và vẫn còn chiếm tỷ trọng cao trong tổng số (37,6%).

Nguồn vốn từ khu vực ngoài Nhà nước tăng cao hơn tốc độ chung (9,7%) và chiếm tỷ trọng cao nhất (39%); đặc biệt, công cuộc khởi nghiệp được phát động, đẩy mạnh ở cả nước và nhiều địa phương, nên số doanh nghiệp thành lập mới lên đến 110.100, tăng 16,2% so với năm trước  và là mức cao nhất từ trước tới nay, với số vốn cam kết đạt 891.094 tỷ đồng, tăng 48,1%.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là gần 27.000, tăng 24,1%.

Với lòng tin ngày càng tăng vào môi trường đầu tư, với thủ tục đầu tư được rút ngắn, với tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt 14% trong năm 2016, dự kiến nâng lên 30% trong năm 2017..., thì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động vào năm 2020 hoàn toàn khả thi.

Bên cạnh đó, nguồn vốn của khu vực đầu tư nước ngoài cũng đạt kỷ lục mới cả về vốn đăng ký (đạt 24,37 tỷ USD), cả về vốn thực hiện (đạt 15,8 tỷ USD).

Ở đầu ra, tiêu thụ trong nước (thể hiện ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng) tiếp tục tăng, nếu loại trừ giá vẫn tăng cao hơn tốc độ tăng GDP (7,8%); dung lượng thị trường tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đã vượt qua mốc 160 tỷ USD…

Bên cạnh những kết quả tích cực, tăng trưởng GDP năm 2016 cũng có những hạn chế, trong đó đáng chú ý nhất là tỷ lệ vốn đầu tư/GDP cao hơn, tăng trưởng GDP thấp hơn, chứng tỏ hiệu quả đầu tư còn thấp.