GDP năm 2018 lập kỷ lục trong một thập kỷ

Theo Hoàng Oanh/baodauthau.vn

Tăng trưởng kinh tế năm 2018 dự kiến đạt mức cao nhất trong 10 năm trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức khiêm tốn so với những năm trước. Triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2019 dự báo vẫn khả quan với bước tiến khoảng 7% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có thể thấp hơn 3,6%.

Động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ. Ảnh: Lê Tiên
Động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ. Ảnh: Lê Tiên

Đây là những nội dung đáng chú ý tại báo cáo tổng quan thị trường tài chính vừa được Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) công bố.

Những chuyển biến tích cực của năm 2018

Theo ước tính của UBGSTCQG, năm 2018, tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt 6,9 - 7%, ghi nhận mốc cao nhất trong một thập kỷ qua với động lực chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ. Tổng cầu của nền kinh tế duy trì mức tăng khá, xuất khẩu và tiêu dùng tăng cao hơn năm 2017.

Lạm phát bình quân cả năm ước khoảng 3,6%. Theo ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát thuộc UBGSTCQG, lạm phát cao hơn năm 2017 do giá hàng hoá thế giới tăng cao, tác động đến giá lương thực, thực phẩm và chi phí sản xuất. Lạm phát cao hơn năm 2017 không nhiều nhờ giá dịch vụ y tế giảm, giá nhà ở và vật liệu xây dựng tăng chậm lại và tín dụng được kiểm soát tốt.

Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư ở mức cao nhờ cán cân thương mại dự báo xuất siêu ở mức cao hơn năm 2017, cán cân tài chính tiếp tục thặng dư nhờ giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục đạt khá, dòng vốn đầu tư gián tiếp đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, kiều hối tăng trưởng trên 10%, Ngân hàng Nhà nước đã bổ sung được dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục (khoảng 12 tuần nhập khẩu).

Cân đối ngân sách nhà nước đảm bảo tiến độ do thu ngân sách nhà nước đạt khá trong khi chi ngân ngân sách nhà nước được kiểm soát, cơ cấu thu - chi cải thiện tích cực, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Tỷ lệ nợ công/GDP năm 2018 giảm và dự kiến đạt 61,4% do tăng trưởng kinh tế khả quan. Nợ nước ngoài của quốc gia/GDP tăng từ 48,9% năm 2017 lên 49,7%, chủ yếu do nợ tự vay tự trả của khu vực doanh nghiệp và tổ chức tín dụng tăng nhanh.

Bình luận về những nhận xét và phân tích của UBGSTCQG, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế của Đại học Fulbright cho rằng, điểm khác biệt trong tăng trưởng kinh tế năm 2018 so với các năm trước là từ yếu tố cầu của nền kinh tế. Theo đó, đây là năm mà tăng trưởng kinh tế đạt mức cao trong khi tăng trưởng tín dụng không cao, chỉ ở mức dưới 15%. “Những năm 2016 - 2017, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng đã bị đẩy lên mức trên 18%. Do đó, xu hướng tăng trưởng của năm 2018 là tích cực hơn so với những năm trước. Bởi nếu Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tín dụng 17 - 18% liên tục đến năm 2020 thì sẽ phát sinh nguy cơ mất bền vững”, ông Thành nói. 

Tiềm năng và cơ hội của năm 2019

Tăng trưởng GDP năm 2019 được dự báo có khả năng đạt 7%. Bên cạnh tiềm lực nội tại, kinh tế Việt Nam có thể được hỗ trợ bởi các yếu tố quốc tế, đó là hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại và triển vọng từ các hiệp định mới như CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác.

Theo UBGSTCQG, lạm phát năm 2019 có thể chịu tác động từ yếu tố giá thực phẩm và chi phí nguyên vật liệu dùng cho sản xuất tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, áp lực khiến CPI tăng mạnh là không nhiều do giá hàng hoá thế giới dự báo chỉ tăng nhẹ. Tính toán cho thấy, nếu chưa tính đến điều chỉnh giá dịch vụ công, CPI bình quân năm 2019 có thể dưới mức 3,6%.

Ông Đặng Ngọc Tú nhận xét: “Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chịu tác động từ kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Mỹ và Trung Quốc có khả năng tăng trưởng chậm lại. Đáng chú ý, kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng cùng nhiều cơ hội tốt, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân”.

Về lạm phát, theo ông Tú, yếu tố tác động đến mặt bằng giá cả năm 2019 là ảnh hưởng trễ của việc tăng chi phí sản xuất. Trong khi đó, yếu tố thuận lợi là mặt bằng giá cả hàng hoá thế giới dự kiến sẽ tăng ít. “Tuy nhiên, cần đề phòng tình huống giá cả hàng hoá thế giới có thể tăng hơn dự báo và tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giảm mạnh. Hai yếu tố này có thể gây ra những tác động đáng kể với kinh tế Việt Nam”, ông Tú nhấn mạnh.

Nhận xét về xu hướng tăng trưởng kinh tế trung và dài hạn, ông Lê Đức Thuý, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, kinh tế Việt Nam năm 2018 đã đạt thành công về nhiều mặt, song điều quan trọng là cần xem xét đà tăng trưởng như vậy có bền vững hay không. “Điều đáng ngại là các con số của nền kinh tế là tích cực, song mô hình tăng trưởng vẫn chậm chuyển đổi. Đây lại là yếu tố cần thiết để đẩy mạnh bước tiến của nền kinh tế trong dài hạn”, ông Thuý nói.