Giá cả dịp Tết không tăng - chưa vội mừng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thị trường những ngày trước, trong và sau Tết Giáp Ngọ, giá cả không tăng đột biến, thậm chí giá những mặt hàng đã từng tăng sốc các dịp Tết trước như lương thực, thực phẩm, rau tươi... năm nay giữ nguyên hoặc tăng không đáng kể. Nên mừng hay lo trước thực tế này?

Doanh nghiệp bán lẻ đã chủ động chuẩn bị từ sớm nên không có hiện tượng khan hàng. Nguồn: taichinhvietnam.vn
Doanh nghiệp bán lẻ đã chủ động chuẩn bị từ sớm nên không có hiện tượng khan hàng. Nguồn: taichinhvietnam.vn

Trái với mọi năm, người tiêu dùng luôn lo lắng giá cả những ngày cận Tết sẽ đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày thường, năm nay hàng hóa mấy ngày cận Tết chỉ tăng khoảng 10 - 20% so với thời điểm trước đó. Ngày 29 Tết, giá su hào ở nhiều chợ tại Hà Nội chỉ còn 5.000 đồng 3 củ, hoa lơ trắng 12.000 đồng/chiếc to, hoa lơ xanh 8.000 đồng/chiếc. Bia Hà Nội 210.000 đồng/thùng… Những ngày sau Tết, giá rau xanh có tăng nhưng không gây đột biến lớn. Tăng mạnh chỉ là nhóm hàng dịch vụ ăn uống, trông giữ xe ở các điểm lễ hội.

Giải thích tình trạng này, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam Vũ Thị Hậu cho biết, do lượng hàng hóa được doanh nghiệp bán lẻ chủ động chuẩn bị từ sớm nên không có hiện tượng khan hàng. Và do thời tiết thuận lợi, không có dịch bệnh nên nguồn hàng hóa khá dồi dào.

Nhìn nhận theo khuynh hướng lạc quan thì đây là dấu hiệu tích cực khi các giải pháp điều hành thị trường từ Trung ương đến địa phương đã phát huy được những hiệu quả nhất định. Lượng hàng hóa dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại tích cực đã góp phần ngăn chặn tình trạng hàng lậu lũng đoạn thị trường.

Tuy nhiên, việc đứng giá này không hẳn đã là tín hiệu đáng mừng với người sản xuất. Cụ thể, thu nhập của nhà nông sẽ không tăng thêm do sức mua giảm và giá cả lương thực thực phẩm ít tăng. Lương thưởng của công nhân cũng theo đó mà không tăng do hầu hết doanh nghiệp đều phải giảm giá, tăng khuyến mãi để thu hút khách. Người được hưởng lợi nhiều nhất chính là tầng lớp trung gian. Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân sâu xa việc giá cả hàng hóa tăng không đáng kể Tết Giáp Ngọ này lại xuất phát từ thực tế không mấy lạc quan: tổng cầu trong nền kinh tế giảm sút, sức mua thấp.

Theo Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Vũ Vinh Phú, không nên lạc quan quá sớm về việc giữ được bình ổn giá trong dịp Tết. Cái cần là chống tăng giá bất hợp lý trong thời điểm lễ Tết. Những trường hợp tăng giá hợp lý, đem lại lợi ích cho người sản xuất trực tiếp thì cần được khuyến khích. Ngoài ra, cần quan tâm thực hiện các biện pháp để tăng tổng cầu, kích thích tiêu dùng. Kinh nghiệm cho thấy, nếu đầu năm giá hàng hóa thấp thì nguy cơ giảm phát sẽ cao.

Hiện nay, trên thị trường có tình trạng giá cả hàng hóa không tăng, thậm chí có lúc, có nơi, có mặt hàng còn giảm giá, trong khi đó tình trạng lợi dụng chặt chém khách đã xuất hiện ở nhiều điểm du lịch, lễ hội. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần điều hành một cách linh hoạt, có những biện pháp kích thích tiêu dùng, đề phòng nguy cơ giảm phát, mặt khác cần kiểm soát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ để ngăn chặn tình trạng lợi dụng tăng giá bất hợp lý.