Giá cả tháng 6/2016 dự báo tiếp tục tăng nhẹ

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Để bình ổn thị trường giá cả tháng 6/2016, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường để kịp thời có biện pháp quản lý điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo dự báo của Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2016 tiếp tục tăng nhẹ so với tháng 5/2016.

Theo quy luật hàng năm, một số yếu tố sẽ gây sức ép lên mặt bằng giá tháng 6/2016. Đó là: thời tiết nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt lũy tiến tăng; tiêu thụ đồ giải khát, đồ may mặc, mũ nón, giày dép, vật liệu chống nóng, đồ gia dụng, điện tử như quạt máy, điều hòa nhiệt độ... phục vụ mùa hè cũng tăng, từ đó gây sức ép tăng giá các hàng hóa, dịch vụ này.

Ngoài ra, giá một số nguyên nhiên vật liệu như xăng, dầu,... tại thị trường trong nước có thể tăng theo xu hướng tăng trên thị trường thế giới.

Đồng thời, tháng 6 là tháng học sinh bắt đầu nghỉ hè, mùa thi và mùa du lịch nên nhu cầu dịch vụ du lịch, nghỉ mát, vận tải hành khách, lưu trú và khách sạn tăng, dự báo sẽ tác động làm tăng giá nhóm hàng ăn uống ngoài gia đình; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch.

Tuy nhiên, do nguồn cung đa số các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên thị trường trong nước khá dồi dào; việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng tới.

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2016 tiếp tục tăng nhẹ so với tháng 5/2016.

Vì vậy, để bình ổn thị trường giá cả tháng 6/2016, đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/01/2016 của Chính phủ, Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5/2016 của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 107/TB-VPCP ngày 27/5/2016 và các văn bản chỉ đạo có liên quan.

Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường để kịp thời có biện pháp quản lý điều hành, bình ổn giá phù hợp.

Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2016 tăng 0,54% so với tháng 4/2016, đây là tháng có tốc độ tăng CPI cao hơn mức tăng cùng kỳ của 5 năm trở lại đây.

Trong tháng này, cả 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ chính đều có CPI tăng, tăng cao nhất là nhóm Giao thông (2,39%); Nhà ở và vật liệu xây dựng (0,88%); Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,56%. 8 nhóm hàng còn lại có mức tăng nhẹ.

CPI tháng 5/2016 tăng 2,28% so với cùng kỳ năm trước; tăng 1,88% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân năm tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,59%.

Lạm phát cơ bản theo thước đo CPI (sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 5/2016 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 1,87% so với cùng kỳ; 5 tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,78%.

Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), dự báo CPI tháng 6/2016 sẽ tăng khoảng 0,32%.

Đáng chú ý, có một số yếu tố chính tác động đến sự vận động của giá thị trường tháng 5/2016. Bao gồm, giá thế giới các mặt hàng xăng dầu thành phẩm, LPG, quặng sắt... tăng tạo áp lực lên mặt bằng giá trong nước.

Trong đó, giá LPG thế giới tăng bình quân 17,5 USD/tấn so với tháng trước dẫn đến các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh tăng giá khoảng 451 - 455 đồng/kg, tương ứng với mức điều chỉnh tăng khoảng 5.000 - 5.500 đồng/bình 12kg. Giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới tháng 5/2016 tăng 8,77 - 16,31% tùy từng mặt hàng so với tháng 4/2016, tác động làm giá xăng dầu trong nước tháng 5/2016 được điều hành 02 đợt vào ngày 05/5/2016 và ngày 20/5/2016, tổng cộng 02 lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu trong tháng là 590-927 đồng/lít,kg (tùy từng mặt hàng).

Trong nước, do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt lũy tiến tăng; nhu cầu tiêu dùng mặt hàng đồ vật liệu chống nóng, đồ gia dụng, điện tử như quạt máy, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ tăng cao; nhu cầu đối với dịch vụ du lịch, giải trí, ăn uống tăng.

Bên cạnh đó, trong nửa đầu tháng 5/2016 do tác động của khô hạn, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các thương lái đẩy mạnh thu gom lúa gạo cho xuất khẩu; hiện tượng cá chết tại các tỉnh miền Trung khiến người dân chuyển sang dùng các sản phấm từ gia cầm, cùng với việc thương lái thu gom lợn hơi để xuất khẩu sang Trung Quốc... là những yếu tố chính tác động đến mặt bằng giá tháng 5/2016.

Ngoài ra, theo Tổng cục Thống kê, từ ngày 1/5/2016 Nhà nước thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.150.000 đồng/tháng lên 1.210.000 đồng/tháng, giá dịch vụ bảo hiểm y tế tăng 4,72% so với tháng trước...

Tuy nhiên, do cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước luôn được bảo đảm, hàng hóa phong phú đa dạng; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Chính phủ đề ra.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, các quy định về điều chỉnh giá, kê khai, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tiếp tục được tăng cường đã góp phần quan trọng bình ổn mặt bằng giá thị trường tháng 5/2016./.