Giá cước vận tải giảm chưa tương xứng với giá nhiên liệu

H.Trang

Trước diễn biến giá xăng, dầu liên tục giảm trong thời gian vừa qua, việc điều chỉnh giảm giá cước vận tải của các doanh nghiệp hiện nay được nhận định là vẫn chưa tương xứng với mức giảm giá của xăng dầu. Thậm chí, còn rất nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thực hiện giảm giá cước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều lý do chậm trễ

Chiều ngày 18/2 vừa qua, giá xăng dầu giảm lần thứ tư trong năm 2016 với mức giảm 960 đồng/lít. Trước đó, lần điều chỉnh đầu tiên vào ngày 4/1 thì giá xăng Ron 92 giảm 370 đồng/lít; lần thứ 2 ngày 19/1, giá xăng giảm 590 đồng/lít; lần thứ 3, ngày 3/2, giá xăng Ron 92 giảm 730 đồng/lít. Như vậy, đến nay, giá xăng đã giảm tổng cộng 2.650 đồng/lít (giảm 16%); dầu diesel giảm 3 lần, tổng cộng 2.400 đồng một lít (giảm 20%).

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính cho biết, chi phí nhiên liệu ước chiếm khoảng 25-35% trong cơ cấu giá thành vận tải đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35 - 45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải khách và hàng hóa). Do đó, với loại hình taxi, khi xăng giảm giá 20% và trong điều kiện các chi phí cấu thành khác không đổi thì giá cước phải giảm 5 - 7% mới phù hợp.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải hiện vẫn chưa giảm giá hoặc giảm không đáng kể. Theo thống kê của Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), kể từ khi giá xăng giảm lần liền kề trước ngày 18/2, tại 63 tỉnh/thành phố trên cả nước, các đơn vị kinh doanh vận tải đã kê khai điều chỉnh giảm giá cước 978 tuyến cố định (giảm 2 - 33%), 67 tuyến xe buýt (giảm 3 - 16%); hơn 363 doanh nghiệp taxi giảm giá từ 1 đến 20%. Như vậy, chưa đến 1.000 doanh nghiệp thực hiện giảm giá cước trong hơn 4.000 doanh nghiệp vận tải cố định và chỉ có gần 400 hãng taxi trong số hàng nghìn hãng giảm giá cước.

Các doanh nghiệp vận tải chưa có dấu hiệu giảm giá cước đều đưa ra nhiều lý do chậm trễ như giá xăng thay đổi liên tục nên điều chỉnh nhiều lần sẽ mất nhiều chi phí, cần có thời gian đăng ký giá cước mới và triển khai in lại giá cước, điều chỉnh đồng hồ, kiểm định…Những lý do này chưa thuyết phục cơ quan quản lý bởi, khi xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp đều đề xuất phải tăng giá cước, còn khi giá xăng dầu giảm sâu thì lại có nhiều lý do không thực hiện giảm giá cước, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Khẩn chương thực hiện giảm giá cước

Tại cuộc họp giữa đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính với các đơn vị vận tải ngày 22/2, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, hiện Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 152/2014/TTLT-BTC-BGTVT theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước. Trong đó, có các nội dung chủ yếu như: bổ sung quy định tỷ lệ giảm của chi phí xăng dầu là bao nhiêu thì đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện kê khai lại để doanh nghiệp chủ động rà soát tính toán, báo cáo và thực hiện kê khai lại giá cước; đơn giản hóa thủ tục kê khai giá cước, áp dụng kê khai điện tử…

Tuy nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp vận tải cũng phải đưa bản đồ số, đưa công nghệ hiện đại vào quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí. Trước mắt, các hiệp hội phải cùng doanh nghiệp tính toán giảm giá cước taxi và vận tải khách tuyến cố định và công khai việc giảm giá cước vận tải ở tất cả các thành phố trên địa bàn cả nước ngay trong tháng 2/2016. Việc tính toán lại giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ để đảm bảo giá cước giảm phù hợp, tương xứng với giá nhiên liệu hiện nay.

Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần tăng cường áp lực giảm giá từ thị trường nhờ cạnh tranh đầy đủ và lành mạnh thực sự giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải, cũng như tăng thông tin và cơ hội cho người tiêu dùng lựa chọn các dịch vụ, với giả cả tương xứng chất lượng mong muốn trong ngành vận tải. Các Hiệp hội vận tải ôtô cần tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đổi mới để thu hút khách hàng, giảm chi phí và công khai đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện việc kê khai và niêm yết giá cước theo quy định. Đặc biệt, cần tăng cường điều tra, xử lý các hiện tượng thông đồng, liên kết giá và lũng đoạn thị trường, bảo kê hoặc cố tình gây nhũng nhiễu trong kinh doanh và quản lý vì lợi ích nhóm, vi phạm các quy định của Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng….