Giá lúa gạo tăng, ai hưởng lợi?

Theo giaoduc.net.vn

(Tài chính) Đây là câu hỏi không mới, nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự khi mà thực tế là nhiều năm qua người nông dân Việt Nam không được hưởng lợi khi giá lúa gạo tăng và các chính sách của Nhà nước chưa giải quyết dứt điểm được nghịch lý này.

 Giá lúa gạo tăng, ai hưởng lợi?
Nghịch lý nông dân được mùa nhưng mất giá vẫn đang là vấn đề thời sự. Nguồn: internet

Những nghịch lý này một lần nữa được các chuyên gia đưa ra “mổ xẻ” tại buổi hội thảo "Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao?” được tổ chức vào ngày 17/10 bởi Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) và tổ chức Oxfam.

Theo báo cáo, khi giá gạo trên thị trường thế giới giảm sẽ kéo giá bán lúa của nông dân xuống thấp, nhưng nghịch lý lại ở chỗ khi giá gạo trên thị trường tăng cao thì người nông dân hầu như không được hưởng lợi. Điều này có thể thấy rất rõ nếu so sánh giá lúa bán tại hộ nông dân với giá gạo xuất khẩu năm 2008. Khi giá gạo xuất khẩu tăng từ mức 430 USD/tấn vào đầu năm 2008 lên mức trên 900 USD/tấn vào tháng 5/2008 nhưng giá nông dân bán chỉ tăng chưa được 100 USD/tấn.

GS.,TS. Võ Tòng Xuân cho hay, người nông dân vất vả để làm ra được hạt gạo, nhưng họ lại không được hưởng lợi bao nhiêu trong chuỗi giá trị xuất khẩu. Cái bất hạnh nhất của người nông dân là doanh nghiệp xuất khẩu hông bao giờ tiếp xúc với mình mà chỉ "chơi" với thương lái. Người nông dân tính trồng gì vào mùa tới thì họ chỉ tính, chỉ quan tâm đến thương lái muốn mua giống gì? Do đó 100 ông nông dân, thì có 10 đến 20 giống lúa. Khi nông dân thu hoạch, thương lái mua rất nhiều giống, trộn lại, bán qua cho doanh nghiệp xuất khẩu, mà doanh nghiệp xuất khẩu không quan tâm gì đến người nông dân, họ chỉ ngồi máy lạnh chỉ đạo thu mua từ xa, bán ra kiếm lời.

“Theo chuỗi này, người hưởng lợi nhiều nhất lại là những công ty bán thuốc bảo vệ thực vật, nhà sản xuất phân bón rồi tới doanh nghiệp xuất khẩu và thương lái, còn nông dân được hưởng lợi ít nhất. Hàng trăm thương lái thu mua lúa với hàng chục giống lúa khác nhau bán lại cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thì làm sao có được một loại gạo đặc sản để bán được giá cao?”, GS. Xuân nhấn mạnh.

Cũng theo GS. Võ Tòng Xuân, có một thực tế là chính người nông dân cũng tự đưa mình vào thế bất lợi khi tiến hành sản xuất trên kinh nghiệm chứ không hiểu và không áp dụng đúng theo khoa học.

“Một trong những việc cần làm bây giờ chính là tăng cường liên kết, chuỗi giá trị gắn liền giống lúa với đồng ruộng sản xuất, nông dân gắn liền với nhau trong hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn của hợp tác xã gắn với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo...Cần có sự hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Làm được như vậy thì sẽ từng bước khống chế doanh nghiệp, khống chế thương lái. Hệ thống hợp tác xã cũng cần được chỉ đạo tốt hơn để có thể đưa cơ chế của Chính phủ đến người nông dân”, ông Xuân nêu quan điểm.

Đồng tình với các phân tích của GS. Võ Tòng Xuân, ông Trần Công Thắng - chuyên gia của IPSARD lấy thí dụ: Từ chuỗi giá trị gạo xuất khẩu tại tỉnh An Giang cho thấy những bất cập rất rõ, đó là nông dân phải bỏ ra tới 70% tổng chi phí sản xuất lúa thì lại chỉ nhận được khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị, phần còn lại do các đầu mối trung gian và doanh nghiệp xuất khẩu hưởng.

Bà Lê Nguyệt Minh – Đại diện của Tổ chức Oxfam, bày tỏ: “Để tìm ra cách xử lý những bất cập hiện nay thì cần sự vào cuộc đồng loạt của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, trong đó phải có Bộ Nông nghiệp và Bộ Công thương. Một số yếu tố cần lưu ý đó là, giá thành sản xuất ở mỗi vùng khác nhau, vì vậy nếu thực sự các cơ quan quản lý quan tâm tới quyền lợi của người nông dân thì phải cho họ được ngồi vào bàn đàm phán. Số tiền bỏ ra để thu mua tạm trữ gạo vừa qua cao gấp mấy lần số tiền ngành nông nghiệp dành cho ngành khuyến nông, đầu tư như vậy liệu có thực sự hiệu quả không?”.

Theo các chuyên gia thì về lâu dài, lúa gạo vẫn là mặt hàng có nhiều lợi thế nếu biết tổ chức bài bản, tuy nhiên thời gian qua Việt Nam không chỉ chạy theo số lượng, mà trong tư duy kinh doanh vẫn đang lẫn lộn giữa lúa gạo hàng hóa và lúa gạo an ninh lương thực; đã có nhiều chính sách được ban hành nhưng vẫn không trạm được tới cái đích cuối cùng – đó là nâng tầm đời sống của người nông dân.