Gia nhập TPP Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn

PV.

TPP là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới trong vòng hai thập niên qua và Việt Nam được đánh giá là một trong những nước tham gia hưởng lợi nhiều hơn.

Gia nhập TPP Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn. Nguồn: Internet
Gia nhập TPP Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều hơn. Nguồn: Internet

Nền kinh tế Việt Nam đang hướng tới xuất khẩu, việc chúng ta tham gia TPP sẽ có thể tiếp cận các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản với mức thuế suất thấp sẽ mang lại một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn và triển vọng cho bức tranh kinh tế.

TPP được bắt nguồn từ sáng kiến hợp tác giữa các nước Brunei, Chile, New Zealand và Singapore năm 2005. Tuy nhiên, TPP chỉ thực sự trở nên hấp dẫn khi Mỹ tuyên bố tham gia TPP vào tháng 9/2008 và định hướng phát triển ở quy mô lớn hơn: xây dựng một FTA hoàn toàn mới. Kế tiếp đó, Australia, Peru, Việt Nam, Malaysia, Canada, Mexico và Nhật Bản lần lượt tham gia vào TPP, đưa tổng số thành viên TPP hiện nay lên thành 12.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam vốn là nước có tính tự do hóa thương mại thấp so với các nước khác nên sẽ có lợi khi tham gia TPP, nhưng ảnh hưởng của TPP đến các ngành là khác nhau. Tham gia đàm phán và ký kết TPP, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội khi các lĩnh vực kinh tế quan trọng được ký kết như: dịch vụ (bảo hiểm, ngân hàng, tài chính, pháp lý và môi giới); đầu tư; viễn thông và thương mại điện tử; quyền sở hữu trí tuệ; các biện pháp vệ sinh dịch tễ; hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Dệt may, da giày là những ngành được hưởng lợi nhiều hơn vì chủ yếu phục vụ xuất khẩu.

Lợi ích to lớn nhất mà Việt Nam có được khi là thành viên của TPP là có thể tái cân bằng được quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống trọng điểm hiện nay, giảm bớt ảnh hưởng lệ thuộc vào một thị trường nhất định, đặc biệt là Trung Quốc (không là thành viên của TPP). Với tỷ trọng hơn 60% kim ngạch xuất nhập khẩu, trong đó riêng nhập khẩu lên tới 75% đến từ khu vực Đông Á, Trung Quốc, Đài Loan và ASEAN….. Việt Nam sẽ chịu nguy cơ rủi ro lớn nếu nhóm thị trường này có những biến động xấu.

Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Các hiệp định thương mại trước đây thường tập trung nhiều vào vấn đề giảm thuế. Tuy nhiên, TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và việc làm tại các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương.

Cam kết miễn giảm thuế các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt ở tất cả các nước TPP thì các ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ thuận lợi trong tiếp cận thị trường đối với các loại hàng hóa hiện đang chiếm tỷ trọng thương mại đáng kể. Khi thuế nhập khẩu trở về 0%, sẽ nâng cao đáng kể lợi thế cạnh tranh cho các ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như nông thuỷ sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ……giúp nhóm ngành này có cơ hội lớn hơn trong việc mở rộng thị phần.

Hiện tại, đối với ngành dệt may của Việt Nam, hơn 90% sản phẩm được xuất sang Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, nhưng hiện thuế nhập khẩu tại các thị trường vẫn khá cao, trung bình tại EU là 12%, Mỹ từ 5,6% đến 19%. Vì vậy, việc tham gia TPP sẽ tạo điều kiện dỡ bỏ hàng rào thuế quan, từ đó hàng dệt may Việt Nam sẽ có cơ hội bước chân vào thị trường các nước sở tại với mức giá rẻ hơn, sức cạnh tranh với hàng cùng ngành của các nước khác cũng sẽ cao hơn.

Người tiêu dùng và các ngành sản xuất sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ các nước này làm nguyên liệu đầu vào sẽ được hưởng lợi từ hàng hóa, nguyên liệu giá rẻ, giúp giảm chi phí sinh hoạt và sản xuất, từ đó có thể giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của những ngành này. Chẳng hạn như ngành ô tô, gia nhập vào TPP sẽ giúp cho người tiêu dùng Việt Nam có hy vọng mua được ô tô giá rẻ từ các nước thành viên.

Việc Việt Nam đàm phán thành công và gia nhập vào TPP tới đây sẽ là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và quan trọng hơn là thúc đẩy nền kinh tế đất nước ngày càng phát triển ổn định và bền vững.