Giá tiêu dùng tháng 3 giảm: Cần hiệu chỉnh kích cầu

Nguyễn Đình Bích (Theo SGTT)

Theo một số liệu sơ bộ của bộ Kế hoạch và đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng quý 1/2009 tăng khoảng 1,47%. Có thể tính ra chỉ số giá tháng 3 giảm khoảng 0,02%. Một tín hiệu cho thấy cần đẩy mạnh kích cầu hơn nữa

Với thực trạng của nền kinh tế nước ta hiện nay, có nhiều khả năng đây sẽ chỉ là bước khởi đầu của một xu thế mới trong biến động của giá tiêu dùng trong khoảng sáu tháng giữa năm. Đó là,  giá tiêu dùng sẽ giảm, còn nếu không thì có lẽ cũng chỉ khẽ “rung rinh” như tháng 3 này.

Nhận định này dựa trên ba căn cứ.

Giảm ít nhờ giá điện

Thứ nhất, các số liệu thống kê giá tiêu dùng của nước ta cho thấy, trong vòng 20 năm trở lại đây, chỉ có tám lần giá tiêu dùng tăng trong tháng 3. Thực tế này cho thấy một hiện tượng phổ biến: sau “mùa tiêu dùng” quan trọng nhất trong mỗi năm, “quả bóng” giá tiêu dùng “xì hơi”. Tuy nhiên, lần “xì hơi” này là không bình thường bởi lẽ, với việc tăng giá điện, chính các nhà quản lý cũng đã tính toán rằng, chỉ tính đến những tác động trực tiếp, giá tiêu dùng sẽ tăng 0,25 – 0,3%, còn nếu tính cả những tác động gián tiếp,  chắc chắn sẽ cao hơn nhiều. Việc giá tiêu dùng cách đây tròn một năm tăng “đại nhảy vọt” 2,99% sau khi đã tăng kỷ lục 3,56% trong tháng tết chủ yếu do tác động của việc tăng giá xăng dầu đủ cho thấy điều đó.

Thị trường đã không thể “vô cảm” trước quyết định tăng giá điện, mà quyết định này đã làm “trung hoà” xu thế giảm giá của thị trường sau “mùa tiêu dùng” quan trọng nhất của năm nay.

Khẳng định sức mua yếu

Thứ hai, việc giá tiêu dùng tháng 1 và tháng 2 chỉ tăng thấp kỷ lục trong vòng tám năm trở lại đây và trong tháng 3 này “âm” trở lại như nói trên không có gì khác ngoài sức mua yếu của nền kinh tế trong bối cảnh phải gánh chịu những tác động của khủng hoảng tài chính và “đại suy thoái” kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, ở thời điểm hiện tại, tuy hoàn toàn đúng như lời của bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư tại phiên họp hiện tại của uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế 3,1% của quý 1 này là một “tin mừng và khả quan” khi đặt trong điều kiện kinh tế thế giới hiện nay, nhưng cũng không thể phủ nhận mức tăng này chưa bằng 42% của cùng kỳ 2008 và càng thấp hơn cùng kỳ năm 2007. Và tốc độ tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra có lẽ khó thành hiện thực.

Trong điều kiện kinh tế gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm lại như vậy, đồng nghĩa với tốc độ tăng thu nhập của đại đa số dân cư sẽ tụt dốc nhanh hơn và sức mua tăng chậm chính là chiếc phanh hãm hữu hiệu khiến giá tiêu dùng khó có thể tăng, còn nếu tăng cũng chỉ không đáng kể.

Hiệu chỉnh kích cầu

Thứ ba, trong khi lạm phát do cầu kéo suy yếu cả ở trong nước như vậy lẫn ở ngoài nước, thể hiện đặc biệt rõ qua việc “đoàn tàu xuất khẩu” hai tháng qua “chạy giật lùi”, giá tiêu dùng đang chịu sức ép tiếp tục hạ của thị trường thế giới.

Trước hết, mặt bằng giá cả thế giới đã hầu như liên tục “rơi tự do” mạnh hơn rất nhiều so với hầu hết các dự báo suốt từ tháng 8.2008 đến nay. Cụ thể, nếu như kỷ lục “mọi thời đại” vào tháng 7.2008 là 219 điểm phần trăm (năm 2005 = 100), thì giá nguyên liệu thế giới tháng 2 vừa qua chỉ còn 97,7 điểm phần trăm, tức là đã giảm tới 55,4%.

Trong khi đó, với một nền kinh tế phụ thuộc nặng vào nguyên liệu nhập khẩu như nước ta, giá tiêu dùng cũng đã bắt đầu giảm từ đầu quý 4/2008, còn quý 1/2009 vẫn tăng là do những điều kiện đặc thù. Sức ép của thị trường thế giới đến giá tiêu dùng trong nước đã ngày càng lớn.

Bên cạnh, khoảng 150.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ lãi suất trong tháng 2 và 3 đã được giải ngân, nhưng giá tiêu dùng trong tháng 3 vẫn giảm.

Điều này chứng tỏ, vốn kích cầu đã không đúng chỗ cần hiệu chỉnh, hoặc đã đúng thì cần đẩy nhanh cho vay kích cầu hơn nữa, mà không sợ tái lạm phát.