Giá xăng dầu giảm: Doanh nghiệp được lợi?

Theo baohaiquan.vn

Với tình hình giá xăng dầu thế giới giảm “thủng đáy” dưới 30 USD/thùng, mức thấp kỷ lục trong 12 năm qua, kéo theo đó, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ giảm. Điều này sẽ tác động như thế nào đối với doanh nghiệp Việt?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hy vọng hưởng lợi

Trong năm 2015 và đầu năm 2016, giá xăng dầu thế giới luôn có mức giảm kỷ lục. Tại Việt Nam, năm 2015, liên Bộ Tài chính, Công Thương đã có 14 lần điều chỉnh giá xăng dầu, đến đầu năm 2016, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm.

Mới đây, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tính đến phương án điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày như hiện nay. Như vậy, các DN có thể được hưởng lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ việc điều hành giá xăng dầu theo sát diễn biến thị trường.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, dầu thô giảm giá tạo thuận lợi cho các hoạt động NK, đặc biệt giúp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ xăng dầu, giúp giảm giá bán lẻ, kích thích sản xuất và tiêu dùng trong nước. Những biến động này luôn có tác động hai chiều tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.

Về hoạt động vận tải, nói về thuận lợi của DN trước tình hình giá xăng dầu giảm, đại diện Công ty TNHH tiếp vận Dasuka cho biết, giá xăng dầu giảm giúp hoạt động vận tải của Công ty tiết kiệm được khá nhiều chi phí xăng dầu.

Đặc biệt, trong tình hình Bộ Giao thông vận tải siết chặt quản lý tải trọng, Công ty sẽ phải điều động, chia nhỏ thành nhiều chuyến xe hơn. Do đó việc xăng dầu giảm đã giúp Công ty gánh được chi phí tăng thêm như vậy. Công ty hy vọng, giá xăng dầu trong nước còn tiếp tục giảm để DN bù lại những chi phí tăng thêm.

Đối với các DN NK nguyên liệu, nhất là những nguyên liệu có nguồn gốc từ dầu thô, việc giảm giá này cũng đã mang lại những tác động tích cực. Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phụ trách bộ phận marketing, Công ty Cổ phần nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, nguyên liệu đầu vào của ngành nhựa chủ yếu vẫn phải NK từ các thị trường như Ả Rập, Nhật Bản…, vì thế, với tình hình như hiện nay, giá thành đang có chiều hướng giảm dần giúp DN tiết kiệm được chi phí mua nguyên liệu, hướng tới giá thành cạnh tranh hơn.

Thực chất vẫn tương đương

Mặc dù nhiều DN cho rằng cước vận tải, chi phí nguyên liệu đầu vào sẽ được giảm dần theo giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, với những cước phí, phụ phí mà DN đang phải trả, nhiều DN cho rằng, đây vẫn là hai vấn đề mang tính chất tương đương, không đem lại nhiều lợi ích cho DN như kỳ vọng.

Nói về khó khăn của DN, theo bà Bùi Mai Lan, Phó Giám đốc Công ty TNHH Con đường sáng (Bright way) cho biết, mặc dù năm nay DN ngành logistics, đặc biệt là lĩnh vực vận tải được lợi nhiều do giá dầu xăng giảm, nhưng những phụ phí, cước phí như phí cầu đường, phí cảng biển, bốc dỡ, phụ phí tàu thuyền… lại tăng cao nên mức độ hưởng lợi không nhiều.

Nguyên nhân của vấn đề trên, báo cáo tổng kết năm 2015 của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, mặc dù Nhà nước có điều chỉnh tăng giảm giá xăng dầu liên tục, nhưng việc điều chỉnh nhỏ giọt đã làm các đơn vị kinh doanh vận tải bị động trong việc kê khai giá cước để phù hợp với giá xăng dầu.

Vì thế, đánh giá tình hình năm 2016, theo VATA, bên cạnh giá nguyên liệu tăng giảm theo thị trường thế giới, các hoạt động vận tải vẫn chịu nhiều áp lực tăng giá như: Các trạm thu phí BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao) được triển khai với giá phí ở mức cao, nhất là với những phương tiện đầu kéo, container hay vấn đề tăng lương của công nhân viên…

Bên cạnh đó, mặc dù giá nguyên liệu đầu vào giảm, nhưng theo ông Nguyễn Việt Cường, giá dầu tăng giảm liên quan đến nhiều chi phí của DN, nhưng hiện chi phí cầu đường vẫn ở mức cao, đường cao tốc mới mở đi lại nhanh hơn, thuận tiện hơn nhưng chi phí thường cao hơn nhiều so với đi lại ở các tuyến đường thông thường. Do vậy, giá xăng dầu giảm chỉ đủ bù lỗ cho những chi phí này phát sinh.

Hơn nữa, cũng theo ông Cường, mặc dù là ngành hưởng lợi từ nguyên liệu giảm, nhưng để giảm giá thành sản phẩm, DN cần đến chiến lược và lộ trình từ 6 tháng đến 1 năm để đánh giá tình hình biến động giá cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế và các DN khác cùng ngành. Do đó, để đưa ra được giá thành cạnh tranh hơn theo giá dầu, DN không phải cứ thực hiện “bừa” theo thị trường mà phải có chiến lược định giá sản phẩm hợp lý.

Nhìn chung, tình hình giá xăng dầu thế giới hay trong nước mặc dù có nhiều biến động nhưng ảnh hưởng không đáng kể do DN còn phải chịu tác động từ nhiều phía.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, các DN và cả các cơ quan Nhà nước vẫn phải tính toán các phương án khác nhau, kể cả phương án xấu nhất, kịp thời đưa ra những giải pháp chính sách nhằm khai thác tốt nhất mặt thuận lợi, cũng như hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của giá xăng dầu, nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tốt các mục tiêu sản xuất kinh doanh và XNK.