Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông:

Giải ngân nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD

Theo Linh Anh/thoidai.com.vn

Mới đây, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được giải ngân nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD.

Hệ thống xe buýt sẽ kết nối với các ga của đường sắt Cát Linh - Hà Đông để phục vụ người dân đi lại thuận lợi. Nguồn: Internet
Hệ thống xe buýt sẽ kết nối với các ga của đường sắt Cát Linh - Hà Đông để phục vụ người dân đi lại thuận lợi. Nguồn: Internet

Theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị thi công đang nỗ lực triển khai để dự án hoàn thành, đưa vào vận hành trong năm 2018, đồng thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của Hà Nội xây dựng phương án kết nối vận tải các tuyến vận tải công cộng hiện có với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có công suất vận chuyển bình quân 960 khách/đoàn tàu, tương đương 12 lần xe buýt loại lớn. Toàn tuyến dài 13,1km, với 12 nhà ga trên tuyến, khoảng cách bình quân hơn 1km.

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, hiện trên hành lang tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 6 tuyến trục xe buýt và 13 tuyến ngang. Trên trục QL6 có 6 tuyến trục, giờ cao điểm vận chuyển khoảng 5.000 hành khách/giờ/hướng, tương đương khoảng 40% nhu cầu đi lại bằng phương tiện vận tải khách công cộng.

Được biết, Uỷ ban nhân dân TP. Hà Nội đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội để chuẩn bị cho việc đảm nhận vận hành, khai thác tuyến đường sắt trên. Cùng đó, Hà Nội cũng giao các cơ quan, đơn vị liên quan lập phương án kết nối xe buýt với các ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, sau khi tuyến đường sắt được đưa vào khai thác, hệ thống xe buýt công cộng của thành phố sẽ được tổ chức lại để kết nối hợp lý với đường sắt Cát Linh - Hà Đông, với buýt nhanh BRT.

Nguyên tắc tổ chức lại mạng lưới xe buýt là cung cấp và giải tỏa tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga, gom và cung cấp khách cho các tuyến buýt. Phương án đang được xây dựng là toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị nhận định, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có năng lực vận chuyển lớn, tốc độ cao, ổn định và an toàn nên sẽ thu hút hành khách đang sử dụng tuyến BRT (Yên Nghĩa - Kim Mã) và các tuyến buýt 01, 02, 19, 21A, 21B, 22, 27, người đi phương tiện cá nhân.

Do đó, để vận chuyển khách đến và giải tỏa lượng khách tại các ga, phương án dự kiến là điều chỉnh 7 tuyến (01, 02, 07, 21B, 25, 33, 50); mở mới 3 tuyến (Cát Linh - Cầu Nhật Tân - Nội Bài; Cát Linh - Cầu Nhật Tân - TT Đông Anh; Hoàng Cầu - Hoàng Cầu). Riêng tại ga Yên Nghĩa, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết sẽ mở rộng vùng phục vụ các tuyến buýt từ Yên Nghĩa đi Xuân Mai, Tế Tiêu, Sơn Tây, Thường Tín, Ba Thá.

“Phương án dự kiến là sau khi đường sắt đi vào hoạt động, trên trục QL6 có đường sắt vẫn có xe buýt công cộng để tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Điều này cũng nhằm giúp nâng cao năng lực vận chuyển khách công cộng lên 400% so với hiện nay, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong khu vực”, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.