Giải ngân vốn đầu tư công: Không nhân nhượng dự án chậm tiến độ
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công vốn rất chậm chạp trong thời gian gần đây, đặc biệt là những tháng đầu năm, đã khiến Chính phủ phải phê bình các bộ, ngành liên quan, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể để đồng vốn ngân sách được lan tỏa nhiều hơn tới nền kinh tế.
Con số 134.494 tỷ đồng, đạt đạt 31,32% so với kế hoạch Quốc hội giao, tính trong 7 tháng đầu năm, là mức giải ngân vốn đầu tư công của cả nước thực hiện được, thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều bị chững tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là ở các thành phố lớn.
Cuộc họp vào tuần trước của Chính phủ với một số bộ, ngành và TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh để đốc thúc tình hình, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đã cho thấy việc không thể chậm trễ hơn nữa trong việc tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công cũng như vốn vay nước ngoài (ODA). Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh mới giải ngân được 26% trong tổng số 33.170 tỷ đồng của năm 2019; vốn ODA giải ngân được khoảng 50% trong tổng số 800 tỷ đồng. Hà Nội mới giải ngân được 24,7% kế hoạch vốn giao.
Bên cạnh đó, nguồn vốn của năm 2019 lý ra được phân bổ từ tháng 5 nhưng cũng đang bị chậm trễ. Hiện nay vẫn còn hơn 35.000 tỷ đồng chưa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp nhu cầu của các bộ, ngành, địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ giao vốn, trong đó vốn ngân sách Trung ương gần 16.500 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ hơn 4.200 tỷ đồng và vốn nước ngoài hơn 14.300 tỷ đồng. Nguyên nhân được các bộ, ngành chỉ ra vẫn là những vướng mắc ở việc giải phóng mặt bằng; các dự án, gói thầu mới cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai...
Đánh giá về tình trạng này, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, đầu tư công chiếm tới 10,7% tổng giá trị GDP cả nước, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội trong năm 2018. Nhưng tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn này hàng chục năm qua đã tạo ra nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy, nhưng theo ông Lực, có 4 hậu quả chính cần nhắc tới, đó là ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác, gây lãng phí lớn khi tiền nằm đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn, và cuối cùng doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay cũng như những mục tiêu cho ngắn hạn và dài hạn thì tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công chắc chắn phải trở thành “mệnh lệnh”. Nói như Phó Thủ tưởng Vương Đình Huệ, “tình hình cấp bách nóng bỏng. Giải ngân vốn đầu tư công đã là áp lực nội tại của Chính phủ rồi”.
Và để hóa giải áp lực này, Phó Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ hết 35.000 tỷ đồng vốn chưa giao trong tháng 8 này; trước ngày 30/9/2019 trình Thủ tướng Chính phủ việc hủy kế hoạch giao vốn với các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án “không chịu” giải ngân; trước 10/10/2019 báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án đang cần vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ các bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ, ngành có nhu cầu bổ sung vốn và tỷ lệ giải ngân cao; rà soát, tính toán kế hoạch đầu tư công năm 2020 sát thực tế từng bộ, ngành, địa phương.
Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực - đề xuất: giải pháp then chốt để khơi thông điểm nghẽn này cho nền kinh tế là làm rõ trách nhiệm của người liên quan tại các bộ, ngành, địa phương trong từng khâu, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Chính phủ cần coi việc này như một chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần thiết phải minh bạch hóa tối đa các dự án đầu tư công.
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1042/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Ngày 15/9/2019, Chính phủ sẽ họp trực tuyến toàn quốc về vấn đề này.