Giải ngân vốn xây dựng cơ bản 3 tháng cuối năm: Bộn bề công việc

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, 9 tháng, thành phố đã thực hiện hơn 12.281 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản (XDCB) trên 18.891 tỷ đồng kế hoạch năm 2013, bằng 65%; giá trị giải ngân đạt hơn 11.165 tỷ đồng, bằng 59% kế hoạch. Vẫn như mọi năm, trong các nguồn vốn XDCB, dự án có nguồn vốn do thành phố quản lý đạt tỷ lệ cao hơn hẳn, thực hiện bằng 69% kế hoạch, giải ngân bằng 62%.

 Giải ngân vốn xây dựng cơ bản 3 tháng cuối năm: Bộn bề công việc
Thực hiện tốt giải ngân vốn XDCB sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm. Nguồn: internet
Tỷ lệ giải ngân vẫn thấp hơn bình quân cả nước

Việc phân bổ kế hoạch, điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt trong điều kiện khó khăn về nguồn lực và nhu cầu đầu tư lớn đã góp phần giải quyết nhiều dự án có tính chất cấp bách, bức xúc. Với những dự án trọng điểm, việc bố trí vốn kịp thời đã giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa công trình vào sử dụng sớm, mang lại hiệu quả tích cực, đáng kể là 6 dự án cầu vượt chống ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, phân tích cụ thể từng nguồn vốn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội Nguyễn Gia Phương cho biết, tỷ lệ giải ngân XDCB tuy cao hơn tỷ lệ cùng kỳ năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn so với tỷ lệ chung toàn quốc. Nhất là tỷ lệ giải ngân trong xây lắp mới đạt khoảng 50% tổng kế hoạch. Có 9 dự án chưa triển khai được đấu thầu buộc phải quyết định cắt giảm, thu hồi vốn bổ sung dự phòng ngân sách. Tương tự, vốn đầu tư phát triển cho các chương trình mục tiêu quốc gia và thành phố có giá trị giải ngân 43% kế hoạch; nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu chỉ đạt tỷ lệ giải ngân 5,8%…

Trong khi đó, công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ làm cho một số dự án trọng điểm đứng trước khả năng không đáp ứng tiến độ. Đối với nguồn vốn do quận, huyện, thị xã quản lý, một mặt tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân của thành phố, mặt khác nợ đọng XDCB có xu hướng tăng, tính sơ bộ đã lên tới 1.980 tỷ đồng.

Làm rõ hơn nhận định trên, đại diện Kho bạc Nhà nước TP. Hà Nội cho biết, tính đến 30/9/2013, tỷ lệ giải ngân XDCB chung toàn thành phố thấp hơn tỷ lệ chung cả nước 10%, trong đó 65 dự án (35 dự án chuẩn bị đầu tư, 30 dự án thực hiện đầu tư) chưa giải ngân được một đồng vốn nào. 2 quận Thanh Xuân, Cầu Giấy có tỷ lệ giải ngân vốn XDCB dưới 30%, thành phố cũng có 4 đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp, từ 3% đến 10%.

Đề nghị thanh tra 12 dự án chậm giải ngân

Kiểm điểm việc thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại cuộc họp giao ban XDCB 6 tháng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Gia Phương cho biết, Sở đã cùng các ngành rà soát dự án tồn đọng XDCB, chậm triển khai thực hiện, bước đầu báo cáo thành phố 12 dự án để kiến nghị Sở Nội vụ thực hiện thanh tra công vụ, báo cáo thành phố trong tháng 10.

Sở đã hoàn chỉnh nguyên tắc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư năm 2013 và đôn đốc các đơn vị rà soát tiến độ các dự án, lên phương án điều chỉnh kế hoạch vốn đối với dự án chậm tiến độ. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là mất cân đối nguồn lực và nhu cầu đầu tư nên nhiều dự án, nhất là dự án nhà tái định cư, không đủ vốn ngân sách ứng trước. Ví dụ được ông Phương nêu là, trong tổng số 122 dự án nhà tái định cư đang triển khai có nhu cầu hơn 26.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách ứng trước hàng năm chỉ được khoảng 2.000 tỷ đồng, do đó việc phân bổ rất khó, nảy sinh hiện tượng dàn trải.

Thậm chí, có dự án quy mô lớn gần 1.000 tỷ đồng nhưng hàng năm chỉ bố trí khoảng 30-50 tỷ đồng thực hiện, khiến thời gian đầu tư bị kéo dài. Cơ chế xã hội hóa, giao quỹ đất cho nhà đầu tư làm nhà tái định cư, đồng thời cho phép khai thác quỹ đất, hoặc kinh doanh quỹ nhà thương mại tạo vốn cũng gặp vướng mắc do thị trường bất động sản trầm lắng. 16 dự án theo hình thức trên đã được giao nhiệm vụ chủ đầu tư nhưng đến nay chưa thực hiện.

Trước tình trạng mất cân đối giữa nguồn lực và nhu cầu đầu tư, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu thành phố đình, hoãn 120 dự án với mức đầu tư 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Doãn Toản cho biết, khả năng mất cân đối thu - chi rất lớn, ước khoảng 10.900 tỷ đồng. Đã có tình trạng nhiều dự án có nhu cầu vốn nhưng không được bố trí đủ, do đó, việc dự án đã ghi vốn đẩy nhanh tiến độ giải ngân để bảo đảm hiệu quả đầu tư là vô cùng quan trọng.

Điều hành quyết liệt, linh hoạt

Đề cập nhiệm vụ trong 3 tháng còn lại của năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 131/TB-VP, yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư hoàn chỉnh kế hoạch điều chỉnh vốn XDCB năm 2013. Thành phố khẳng định các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án hiện không còn vướng mắc, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị của thành phố, vì vậy các chủ đầu tư nghiêm túc, khẩn trương đẩy nhanh việc triển khai dự án theo tiến độ kế hoạch, không đùn đẩy trách nhiệm do thủ tục.

Nhất trí với đề xuất của Sở Tài chính, thành phố sẽ điều hành ngân sách theo nguyên tắc cân đối nguồn, điều chỉnh linh hoạt phù hợp thực tiễn. Yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện tập trung, quyết liệt thúc đẩy tiến độ dự án, hoàn thiện thủ tục thanh toán, giải ngân cuối năm 2013, bảo đảm kỷ cương hành chính và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố. Cùng với việc đôn đốc tiến độ dự án hoàn thành đúng kế hoạch trong những tháng còn lại, các sở, ngành lưu ý quản lý dự án chặt chẽ, bảo đảm chất lượng.

Liên quan đến nợ XDCB, Phó Chủ tịch UBND thành phố. Nguyễn Văn Sửu đã chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư tập trung giải quyết, báo cáo thành phố số liệu chính thức. Theo đại diện Sở Kế hoạch - Đầu tư, số liệu nợ XDCB qua kiểm tra sơ bộ còn thiếu chính xác, có huyện báo cáo cả nhu cầu vốn trình thành phố.

Riêng nợ trong xây dựng nông thôn mới đã là 1.195 tỷ đồng, tại 639 dự án, bình quân mỗi dự án nợ 1,87 tỷ đồng. Do đó cần rà sóat để có số liệu chính xác theo tiêu chí nợ XDCB đã ban hành tại chỉ thị của Chủ tịch UBND thành phố. Các quận, huyện tập trung nắm tình hình thực hiện dự án, rà soát nguồn lực, thậm chí có thể không đạt theo kế hoạch giao đầu năm, làm cơ sở lập và phê duyệt phương án điều chỉnh kế hoạch năm 2013.