Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc

ThS. Phạm Thùy Dương, ThS. Nguyễn Thị Xuân - Đại học Thương mại

Trung Quốc là một trong những “bạn hàng” lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan năm 2017, thương mại Việt Nam – Trung Quốc đã đạt mốc 93,69 tỷ USD và dự báo kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lần đầu tiên sẽ chạm mốc 100 tỷ USD trong năm 2018. Trung Quốc sẽ là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam lập được kỷ lục này. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn không ít thách thức, khiến cho hiệu quả hoạt động thương mại chưa đạt được kết quả như mong đợi, vì vậy, cần tận dụng các quan hệ hợp tác để đẩy mạnh thị trường tiềm năng nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa trong nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc

Từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1991, hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã gia tăng nhanh chóng, nhưng diễn biến theo các chiều hướng khác nhau. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong thập niên 90 của thế kỷ trước đạt gần 4,9 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 4,3 tỷ USD, xuất siêu 600 triệu USD.

Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XXI, quan hệ mậu dịch giữa hai nước diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Năm 2001, xuất khẩu đạt hơn 1,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 1,6 tỷ USD, nhập siêu đạt gần 200 triệu USD.

Đến năm 2016, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã đạt xấp xỉ 70 tỷ USD. Năm 2017, thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 93,69 tỷ USD. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 35,463 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng, gần 61,5% so với năm 2016 (tương đương mức tăng thêm 13,503 tỷ USD). Năm 2017, có 13 nhóm hàng xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 6 nhóm hàng so với năm 2016.

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc - Ảnh 1Các nhóm hàng “tỷ USD” mới là: Thủy sản đạt gần 1,088 tỷ USD; Gạo đạt gần 1,027 tỷ USD; cao su đạt 1,445 tỷ USD; Dệt may đạt 1,104 tỷ USD; Giày dép đạt 1,14 tỷ USD... Trong các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, điện thoại là nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất với 7,152 tỷ USD. Đây cũng là mặt hàng đạt mức tăng trưởng ấn tượng nhất với con số tăng thêm 6,352 tỷ USD so với năm 2016 (năm 2016 chỉ đạt 800 triệu USD) và trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta vào Trung Quốc (Bảng 1).

Đặc biệt, nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc năm sau cao hơn năm trước nên khoảng cách nhập siêu của nước ta với đối tác thương mại lớn này cũng giảm đáng kể, từ con số thâm hụt thương mại hơn 28 tỷ USD năm 2016 đã giảm xuống còn 22,765 tỷ USD trong năm 2017.

Với tốc độ tăng trưởng những năm gần đây, dự báo năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc sẽ chạm mốc 100 tỷ USD và Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam lập được kỷ lục này. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2018, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 4,5 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc - Ảnh 2Một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tháng 1/2018 có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước có thể kể đến như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,4 tỷ USD, gấp 32 lần cùng kỳ năm trước; máy vi tính và linh kiện đạt 650 triệu USD, tăng 69%; hàng rau quả đạt 240 triệu USD, tăng 37%...

Những khó khăn, thách thức

Với những điểm tương đồng về văn hóa, phong tục tập quán cũng như vị trí địa lý thuận lợi, trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường thương mại lớn và giàu tiềm năng nhất của Việt Nam. Trung Quốc hiện đang là “bạn hàng” lớn nhất của Việt Nam trong khối APEC. Tuy nhiên, vẫn còn không ít yếu tố ảnh hưởng đến kết quả hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, cụ thể:

Thứ nhất, dù là một thị trường lớn, tiềm năng song Trung Quốc không phải là thị trường ổn định và ẩn chứa nhiều bất trắc khó lường. Chẳng hạn, trong thanh toán và giao dịch, DN Trung Quốc thường không sử dụng phương thức thanh toán ký quỹ giữa người bán và người mua (phương thức L/C) như các thị trường khác.

Loại tiền dùng thanh toán cũng khá đa đạng song phía DN Trung Quốc thường yêu cầu trả bằng Nhân dân tệ hoặc VND, trong khi doanh nghiệp (DN) Việt Nam lại muốn thanh toán bằng USD để hạn chế rủi ro về tỷ giá.

Nhiều DN Trung Quốc chỉ đặt cọc khoảng 30% giá trị hợp đồng (đặc biệt là trong mặt hàng thủy sản…), vì vậy, nếu phía đối tác không nhận hàng thì DN Việt Nam sẽ bị thiệt hại rất lớn... , thương mại tiểu ngạch giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện vẫn còn rất lớn. Việt Nam có 29 cửa khẩu biên giới với Trung Quốc tại 7 tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, chưa kể các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở.

Việc kiểm soát thương mại xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu chính - phụ, lối mở này đang là thách thức đối với các cơ quan quản lý để làm lành mạnh hóa hoạt động thương mại với thị trường quan trọng này. Theo các chuyên gia kinh tế, tình trạng thương mại tiểu ngạch quá lớn thì không thể có chứng nhận C/O nên khó có thể tận dụng được ưu đãi thuế quan của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA)...

Thứ ba, xuất nhập khẩu của Việt Nam khá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Do vậy, nếu Trung Quốc có những thay đổi như điều chỉnh chính sách thương mại hoặc áp dụng các biện pháp bảo hộ hàng xuất khẩu trong nước, hỗ trợ xuất khẩu, cấm hoặc hạn chế mặt hàng xuất nhập khẩu cụ thể nào đó thì nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn đặc biệt là đối với các DN sản xuất...

Thứ tư, Việt Nam chưa tận dụng được những cơ hội để xuất khẩu sang Trung Quốc và tận dụng được những lợi thế về thuế quan từ các FTA này. Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến năm 2016, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc mới đạt khoảng 30% (nghĩa là chưa đầy 1/3 số hàng hóa xuất khẩu đi Trung Quốc tận dụng được những ưu đãi thuế quan này). Điều này cho thấy, những lợi ích mà các DN, trong đó có DN xuất khẩu của Việt Nam kỳ vọng từ Hiệp định hiện thực hóa được rất ít.

Một số giải pháp, kiến nghị

Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc hiện đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Thời gian tới, cần tận dụng các quan hệ hợp tác để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này, trong đó cần chú ý một số vấn đề sau:

Về phía cơ quan quản lý:

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và những yếu tố khác để tạo thuận lợi cho việc cấp chứng nhận xuất xứ, thủ tục hải quan và những quy trình có liên quan để thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc của DN.

- Đẩy mạnh phổ biến thông tin, hướng dẫn về kỹ thuật cho DN xuất khẩu về các FTA nhằm giúp các DN có thể hưởng lợi tối đa từ các FTA như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA). Đồng thời, triển khai cụ thể các giải pháp hỗ trợ DN xuất khẩu về thông tin thị trường, về vốn, tỷ giá...

Giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc - Ảnh 3

- Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu chính ngạch, tiến tới giảm thương mại tiểu ngạch. Cần hoạch định và đẩy mạnh xuất nhập khẩu theo con đường chính ngạch tạo điều kiện thuận lợi cho DN yên tâm đầu tư kinh doanh. Hoàn thiện cơ chế quản lý xuất nhập khẩu nói chung và tiểu ngạch nói riêng, kiểm soát ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua các tỉnh biên giới, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu hướng chính ngạch để xuất khẩu bền vững...

Về phía DN:

- Tiếp tục giảm chi phí kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, đánh giá lại khả năng cung cấp dịch vụ và mức giá dịch vụ để có hướng giảm bớt chi phí sản xuất nhằm tạo môi trường thuận lợi và giảm chi phí đầu vào, chi phí trung gian cho DN. Tiếp cận thông tin và việc điều chỉnh sản xuất để đáp ứng được những tiêu chuẩn về xuất xứ để tận dụng cơ hội về thuế quan.

- Nâng cao tính chủ động trong hoạt động giao thương. Đặc biệt, để phòng tránh những rủi ro khi xuất khẩu sang Trung Quốc, các DN cần tăng cường nghiên cứu thị trường, hệ thống DN để kết nối và giao dịch; Cập nhật thông tin thị trường, quy định mới về chất lượng sản phẩm và thị hiếu người tiêu dùng đối với từng địa phương Trung Quốc.

- Để tạo chỗ đứng vững chắc tại thị trường Trung Quốc, các DN Việt Nam cần nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, tập trung vào giá cả, chất lượng, chủng loại. Chẳng hạn, ở thị trường Trung Quốc, hàng thủy sản Việt Nam có lợi thế về giá thành rẻ, DN cần coi đây là công cụ có tính cạnh tranh mạnh và cố gắng tiết giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát sau thu hoạch, chuẩn hóa các chi phí liên quan tới quá trình xuất khẩu hàng hóa nhằm hạ giá thành sản phẩm.

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc: Cần đa dạng hóa danh mục hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và nên tính đến việc xây dựng và phát triển những sản phẩm mới sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường; Chú trọng đến bản quyền, thương hiệu sản phẩm trong nước (cần được đăng ký), đặc biệt với những hàng hóa truyền thống đã có tên tuổi; Hạn chế việc kinh doanh chênh lệch giá từ những thương lái Trung Quốc theo đường tiểu ngạch không chính thức...

- Tận dụng lợi thế từ các FTA đã ký kết. Ngày 21/11/2017, AHKFTA đã được ký kết, mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam vào khu vực kinh tế đặc biệt này của Trung Quốc. Trước đó, năm 2016, Nghị định thư sửa đổi ACFTA cũng đã có hiệu lực với mục tiêu chính là nâng cấp các quy định về quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi thương mại để nâng cao khả năng tận dụng ACFTA. Các DN Việt Nam cần tận dụng cơ hội lớn để gia tăng thương mại và hưởng lợi trong kinh doanh với thị trường Trung Quốc.       

Tài liệu tham khảo:

1. Tổng cục Thống kê (2017), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017;

2. Tổng cục Hải quan (2017), Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và 12 tháng năm 2017;

3. TS. Phạm Sỹ Thành (2017), FTA ASEAN-Trung Quốc và Hồng Kông: Đừng để DN Việt Nam ngó nhìn lợi ích, Thời báo Kinh tế Sài Gòn;

4. Hà Giang, Đức Minh (2016), Kinh tế, thương mại Việt - Trung: Nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, Báo Kinh tế đô thị;

5. Một số website: customs.gov.vn, baocongthuong.com.vn, tapchitaichinh.vn...