Giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp của tỉnh Hưng Yên

ThS. Kim Quang Chiêu - Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên

Trong những năm qua, với lợi thế sẵn có, cùng chính sách “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, tỉnh Hưng Yên đã thu hút khá lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thúc đẩy và phát triển các khu công nghiệp. Bài viết đánh giá thực trạng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hưng Yên thời gian qua, đồng thời đưa ra một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách và tăng trưởng kinh tế của địa phương thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng hoạt động khu vực FDI tại các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên

Thống kê của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Hưng Yên cho biết, toàn tỉnh Hưng Yên hiện có 11 KCN với tổng diện tích 2315,8 ha đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào quy hoạch phát triển các KCN đến năm 2020.

Đến hết năm 2016, tổng số dự án còn hiệu lực trong các KCN trên địa bàn tỉnh là 172 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó, tổng số dự án FDI đang hoạt động là 145 dự án. Số lượng dự án FDI trong các KCN chỉ chiếm khoảng 43% tổng số dự án FDI đầu tư vào địa bàn Tỉnh, nhưng tổng vốn FDI trong các KCN lại chiếm hơn 75% tổng vốn FDI toàn Tỉnh.

Các dự án đi vào hoạt động tạo giá trị doanh thu đạt 2.050 triệu USD, giá trị nhập khẩu khoảng 1.200 triệu USD, giá trị xuất khẩu khoảng 1.500 triệu USD, thu ngân sách nội địa khoảng 800 tỷ đồng; Tổng số lao động đang sử dụng đến nay khoảng 37.228 lao động.

Về cơ cấu đầu tư theo đối tác, các dự án FDI chủ yếu đến từ Nhật Bản, tương ứng với 96 dự án với tổng số vốn là 1.985 triệu USD/dự án, tính trung bình 20.466 triệu USD/dự án.

Trong đó, KCN Thăng Long II thu hút các dự án đầu tư từ Nhật Bản với tổng số 72/77 dự án, các quốc gia còn lại là Singapore, Thụy Sĩ, Đức, Thái Lan và Trung Quốc, mỗi quốc gia có 01 dự án. KCN Phố Nối A, trong tổng số 73 dự án FDI có 26 dự án từ Hàn Quốc với số vốn 379,851 triệu USD, Nhật Bản 26 dự án với số vốn 325,683 triệu USD…

Giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài  vào các khu công nghiệp của tỉnh Hưng Yên - Ảnh 1Thống kê của Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên cũng cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2015, giá trị xuất khẩu của các DN FDI trong các KCN chiếm tỷ trọng trung bình so với toàn Tỉnh mới chỉ đạt 49% và có tốc độ tăng tương đối đều hàng năm.

Giá trị xuất khẩu của các DN FDI trong các KCN luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu của các DN FDI toàn Tỉnh, với mức trung bình 86,8%, điều này cho thấy, các DN FDI trong các KCN hoạt động xuất khẩu hiệu quả hơn so với các DN FDI trong toàn Tỉnh.

Giá trị sản xuất công nghiệp của các DN FDI trong các KCN chiếm tỷ trọng 73,7% so với toàn KCN và chiếm 80,5% so với các DN FDI trong toàn Tỉnh cho thấy, các DN FDI trong các KCN giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đối với các DN FDI trong toàn Tỉnh nói chung và với các KCN của Tỉnh nói riêng...

Một số khuyến nghị

Có thể nói, nỗ lực thu hút FDI vào các KCN của Hưng Yên trong những năm qua đạt được kết quả khá khả quan. Tuy nhiên, để các DN FDI thực sự tạo ra tác động lan tỏa lớn đối với nền kinh tế của Tỉnh nói chung và các KCN trên địa bàn Hưng Yên nói riêng, cần chú trọng một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục cải cách hành chính hơn nữa nhằm xử lý kịp thời vướng mắc trong vấn đề cấp phép điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Tập trung triển khai ứng dụng có hiệu quả phần mềm cung cấp dịch vụ công, trong đó cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, DN rút ngắn thời gian và thuận lợi trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính.

Tiếp tục nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ công chức nhằm đảm bảo thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định mới về phân cấp quản lý đầu tư FDI...

Hai là, chú trọng nâng cao chất lượng trong việc thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án có vốn đầu tư lớn, có trình độ công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương.

Kinh nghiệm của nhiều địa phương thời gian qua cho thấy, với làn sóng FDI hiện nay thì không thể chấp nhận thu hút vốn FDI bằng mọi giá mà cần phải tập trung vào chất lượng FDI theo hướng chọn lọc hơn với trọng tâm là các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, dự án có khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Nói cách khác, việc thu hút vốn FDI vào các KCN tại Hưng Yên cần tính đến các lợi ích của cả ba khía cạnh: Kinh tế, xã hội và môi trường.

Giải pháp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài  vào các khu công nghiệp của tỉnh Hưng Yên - Ảnh 2Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của các DN FDI, tránh tình trạng chỉ lo tập trung chạy theo số lượng mà chọn các DN, công nghệ gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng, từ đó ảnh hưởng chung đến môi trường đầu tư kinh doanh bền vững.

Ba là, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư nói chung, xúc tiến thu hút FDI vào các KCN của Tỉnh nói riêng. Theo đó, hệ thống dữ liệu, thông tin, tài liệu xúc tiến đầu tư cần được chuẩn hóa từ cơ sở dữ liệu về cơ sở hạ tầng, hệ thống quy hoạch, chính sách, thủ tục cho đến quy trình đầu tư.

Cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Bắc thuộc Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, một số tổ chức xúc tiến thương mại - đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam, như: JETRO và JICA (Nhật Bản), KOTRA (Hàn Quốc) để tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh và các thị trường nước ngoài trọng điểm.

Các ngành chức năng cần xây dựng và cung cấp các gói thông tin cần thiết cho nhà đầu tư nước ngoài về các vấn đề: Thực trạng nguồn nhân lực, phương thức đào tạo và tuyển dụng nhân lực, thực trạng về cơ sở hạ tầng hệ thống đường giao thông, quy hoạch các khu công nghiệp, điện, cấp thoát nước, hệ thống thông tin liên lạc, viễn thông, quyền sở hữu trí tuệ, các yêu cầu bắt buộc khi tham gia các dự án đầu tư… để các nhà đầu tư nước ngoài nắm rõ các thế mạnh và “đề bài” mà địa phương đặt ra.

Bốn là, tăng cường hiệu lực và hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành trong công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các dự án FDI tại các KCN.

Cụ thể, Ban Quản lý các KCN Hưng Yên cần tiếp tục tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động đối với các dự án đã triển khai; Giám sát việc xây dựng theo quy hoạch, giấy phép xây dựng và công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án đang trong quá trình thi công xây dựng.

Bên cạnh đó, phối với hợp với cơ quan thuế các cấp trên địa bàn Tỉnh nhằm duy trì và thực hiện tốt công tác giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động, giảm thiểu tình trạng chuyển giá, trốn thuế đối với các DN FDI tại các KCN...               

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên (2011), Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ và phương hướng giai đoạn 2011-2016, Hưng Yên;

2. Cục Thống kê tỉnh Hưng Yên (2011-2016), Niên giám thống kê tỉnh Hưng Yên năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, NXB Thống kê, Hà Nội;

3. Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên (2011 -2016), Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, Hưng Yên;

4. Đỗ Đức Bình (2013), “Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam: Những bất cập về chính sách và giải pháp thúc đẩy”, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, số 194, tr. 3-9;

5. Phạm Mạnh Cường (2015), Phát triển bền vững các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh;

6. Một số website: fia.mpi.gov.vn, tapchitaichinh.vn...