Giải pháp tín dụng "mở đường" cho nông sản xuất khẩu

PV. (tổng hợp)

Xuất khẩu nông sản thời gian qua gặp nhiều khó khăn , giá trị xuất khẩu sụt giảm đang là nỗi lo với người nông dân, thách thức của các doanh nghiệp xuất khẩu và là bài toán cho ngành Nông nghiệp Việt Nam. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có nhiều giải pháp gỡ khó cho nông sản xuất khẩu, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về tín dụng cho nông nghiệp.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp gỡ khó cho nông sản xuất khẩu. Nguồn: internet
Chính phủ đã có nhiều giải pháp gỡ khó cho nông sản xuất khẩu. Nguồn: internet

Giá trị xuất khẩu giảm

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu nông sản 7 tháng đầu năm 2015 đạt 16,93 tỷ USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2014. Giá trị XKcác mặt hàng nông sản chính ước đạt 8,2 tỷ USD, giảm 5,7%, giảm mạnh ở các mặt hàng như cà phê, thủy sản, cao su và gạo.

Trong đó, mặt hàng giảm mạnh nhất là thủy sản. Giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 7 ước đạt 532 triệu USD, tính chung 7 tháng đầu năm đạt 3,53 tỉ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu cà phê trong 7 tháng đầu năm cũng giảm 33,9% về khối lượng và giảm 33,7% về giá trị so cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, khối lượng xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm 2015 ước đạt 792.000 tấn với tổng giá trị 1,63 tỉ USD. Hai thị trường Đức và Mỹ tiếp tục là nơi tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Đặc biệt, cả ba thị trường xuất khẩu chính của thủy sản nước ta là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đều giảm rất mạnh. Các chuyên gia cho rằng, biến động thị trường, sản phẩm, sự mất giá của một số đồng tiền mạnh trên thế giới như đồng Euro và đồng Yên (Nhật Bản) cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến XK của Việt Nam thời gian qua.

Tiếp tục gỡ khó cho xuất khẩu nông sản

Để tiếp tục tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản, mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản theo quy định hiện hành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn xác định nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu là các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển và đang thực hiện nhiều giải pháp, chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản nói riêng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ động cân đối nguồn vốn đáp ứng nhu cầu vay vốn thuộc các lĩnh vực này; giảm lãi suất huy động, tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên là 7%/năm; điều hành tỷ giá linh hoạt, tạo điều kiện cho xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục cho vay bằng ngoại tệ đối với khách hàngxuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ; doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp được tiếp cận vốn vay ngoại tệ với lãi suất hợp lý.

Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các TCTD được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ của doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả thẩm định đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, cơ cấu lại các khoản vay lãi suất cao trước đây. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau đối với các khoản vay đến hạn và khách hàng khó khăn trong trả nợ vốn vay; miễn giảm lãi vốn vay; phối hợp giữa các TCTD trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong trường hợp nhiều TCTD cùng cho vay 1 khách hàng.

Thực hiện chính sách cho vay tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (có hiệu lực từ 25/7/2015) theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, theo đó các doanh nghiệp nông nghiệp và xuất khẩu nông lâm thủy sản có mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao được được cho vay không có tài sản bảo đảm đến 70-80% giá trị phương án, dự án và được hưởng cơ chế xử lý khoản nợ (khoanh nợ, xóa nợ) khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng.