Giải quyết vấn đề nợ để cứu nền kinh tế

Theo Doanh nhân Sài Gòn

Có lẽ chúng ta nên có một cái nhìn thiện cảm hơn đối với chuyện nợ nần. Nợ không phải là điều xấu, hơn thế, đó còn là điều hữu dụng.

Giải quyết vấn đề nợ để cứu nền kinh tế

Nợ chính là một phương tiện có ích giúp người có tiền nhưng không thể sử dụng hiệu quả đồng tiền của mình trao nó cho người có thể sử dụng hiệu quả hơn, và nhận lại toàn bộ đồng vốn với một số lãi sau một thời gian nhất định. Như vậy, nợ là một công cụ tài chính có hiệu quả nhiều mặt, nó giúp đồng tiền được luân lưu và tạo ra lợi nhuận cho cả người cho vay lẫn người đi vay, giúp nền kinh tế tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn và tạo ra của cải, dịch vụ nhiều hơn.

Điều tưởng chừng như nghịch lý lại là một thực tế, một nền kinh tế ít nợ thường là một nền kinh tế nghèo hơn một nền kinh tế nhiều nợ (tất nhiên đây phải là loại nợ được sử dụng tốt, mang lại hiệu quả và có thể trả được vốn gốc và lãi đúng hạn). Thử tưởng tượng một nền kinh tế mà mọi người phải mua bất cứ thứ gì cũng bằng tiền sẵn có của mình, doanh nghiệp chỉ hoạt động bằng nguồn vốn tự có của mình. Nền kinh tế đó chắc chắn sẽ nghèo hơn rất nhiều, của cải hàng hóa sẽ ít hơn, đời sống vật chất sẽ thiếu thốn hơn. Chúng ta đã có kinh nghiệm về nền kinh tế bao cấp, khi hơn một nửa nền kinh tế phải tự cung tự cấp, khi khu vực tư doanh không hề nhận được một nguồn tín dụng nào từ hệ thống ngân hàng.

Thời kỳ đó, nợ trong nước của nền kinh tế rất thấp, hầu hết là công trái và các khoản nợ Ngân hàng Nhà nước của các xí nghiệp quốc doanh. Tuy vấn đề nợ quá hạn vẫn phát sinh nhưng quy mô không lớn và hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đòn bẩy tài chính: con dao hai lưỡi Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, sự lớn mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam là một điều kiện tốt giúp phát triển tín dụng cho khu vực công cũng như tư, hệ quả là dư nợ trong nước ngày càng tăng, nền kinh tế ngày càng phát triển. Khi kinh tế phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh dẫn đến tiết kiệm tăng, và trong điều kiện hệ thống ngân hàng trong nước ngày càng được người dân tín nhiệm, nguồn tiền gởi vào ngân hàng gia tăng mạnh mẽ.

Trong những năm đầu phát triển của hệ thống ngân hàng, nguồn tiền này gần như gia tăng theo cấp số nhân. Nguồn vốn tăng mạnh trong hệ thống ngân hàng đặt ra nhu cầu phát triển tín dụng và nhu cầu phát triển tín dụng, đến lượt nó, đòi hỏi những giải trừ quy định trong ngành ngân hàng: không cần phân biệt ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư, có nghĩa là ngân hàng được vay ngắn và cho vay dài - tất nhiên trong một giới hạn tỷ lệ nào đó); vì tín dụng ít rủi ro, doanh nghiệp đang ăn nên làm ra, ngân hàng được cho vay thế chấp bằng chính tài sản hình thành từ vốn vay, dẫn đến sự tăng trưởng ngoạn mục các khoản vay tiêu dùng cá nhân, mua nhà, mua xe, mua cổ phiếu…

Bên cạnh đó, vẫn còn có những khoản tín dụng lớn nhưng kém hiệu quả cho các xí nghiệp nhà nước, được hình thành từ cơ chế bao cấp còn sót lại. Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và của thị trường bất động sản xét cho cùng vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của sự bùng nổ tín dụng ngân hàng trong thời kỳ 2004-2007. Mọi người, cả doanh nghiệp lẫn cá nhân, đều tận dụng tối đa điều được gọi là đòn bẩy tài chính, lúc đó được coi như một yếu tố thể hiện bản lĩnh của nhà đầu tư. Khi giá nhà đất và chứng khoán đang lên như diều gặp gió, các ngân hàng sẵn sàng khuyến khích tối đa đòn bẩy tài chính trong một cuộc chơi mà họ đánh giá là nhiều lợi nhuận, ít rủi ro. Tăng trưởng nợ trong thời kỳ đó đã nhanh chóng thổi bùng lên bong bóng giá nhà đất và chứng khoán, đồng thời cũng tạo nên một tầng lớp nhà giàu mới tại thành thị lẫn vùng nông thôn ven đô, nơi không gian phát triển đang lan đến.

Nhưng nếu sử dụng đòn bẩy tài chính với tỷ lệ cao sẽ mang đến lợi nhuận lớn trong thời kỳ kinh tế thịnh vượng, đến khi kinh tế khó khăn, cái giá thiệt hại phải trả sẽ lớn không kém. Khi cơn bão khủng hoảng xảy ra, điều chúng ta dễ thấy là những cá nhân, những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều sẽ nhanh chóng bị nhấn chìm trước nhất. Tuy nhiên, điều chúng ta khó thấy hơn là tiến trình tháo gỡ đòn bẩy tài chính (deleverage) tức là tiến trình giảm nợ - tình hình trong đó hàng loạt doanh nghiệp đua nhau trả nợ vay bằng cách bán tháo sản phẩm, do thúc bách của ngân hàng và do e sợ hàng hóa, sản phẩm (nhà cửa, cổ phiếu) sẽ còn giảm giá hơn trong tương lai do tình trạng bán tháo - sẽ làm cho nền kinh tế có thể lâm vào tình trạng giảm phát, giá cả sụt giảm, doanh nghiệp phá sản, lao động mất công ăn việc làm.

Khi giá cả hàng hóa sụt giảm, sức mua của đồng bạc tăng và hậu quả là gánh nặng nợ nần thực (real) tăng lên dù cho tổng nợ tính bằng tiền đồng có giảm được đôi chút. Nhà kinh tế học Irving Fisher đã khái quát hóa tình trạng này bằng một nhận xét nổi tiếng “Càng trả nợ, càng mắc nợ” (The more the debtors pay, the more they owe). Giải quyết nợ là then chốt để phục hồi kinh tế Do đó, ngăn chặn vòng xoáy nguy hiểm này là điều mà các chính phủ phải nghĩ tới như kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy.

Trong tình hình khó khăn hiện nay, việc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình bày trước Quốc hội trong kỳ họp mới đây kế hoạch xử lý hơn 100 ngàn tỉ đồng nợ xấu của các ngân hàng thương mại bằng cách phối hợp với các bộ ngành để thành lập một công ty mua bán nợ quốc gia, là một tín hiệu cho thấy tính chất khẩn trương của việc giải quyết tình trạng nợ đóng băng trong nền kinh tế. Có thể có nhiều chuyên gia không tán đồng việc dùng tiền thuế của dân để xử lý nợ của doanh nghiệp làm ăn có vấn đề, dù là công hay tư, hoặc không tin tưởng vào tính khả thi của một công ty mua bán nợ quốc gia, hoặc đặt dấu hỏi về tính chất khách quan của việc xử lý nợ, ai sẽ được cứu lên thuyền và ai sẽ chìm vào cơn sóng dữ.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, có một hành động vẫn tốt hơn là không hành động gì. Kế hoạch xử lý nợ dù là cho ngân hàng hay cho doanh nghiệp, kết quả đạt được đều tốt như nhau, là một việc cần thiết phải làm và làm càng sớm càng tốt. Chúng ta đã chứng kiến trong năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 hàng chục ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ và cơ sở sản xuất tư nhân phá sản, giải thể. Họ là những doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính phần lớn ngoài hệ thống ngân hàng nên cái chết của họ chưa ảnh hưởng nhiều đến hệ thống. Bây giờ đang là câu chuyện của các doanh nghiệp lớn hơn sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn trong hệ thống ngân hàng. Chúng ta cũng đã thấy tình hình sản xuất đang ngưng trệ, hàng hóa tồn kho đang ứ đọng, tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng và giá cả đang sụt giảm. Nền kinh tế đang kề cận bờ vực của suy thoái và giảm phát. Giải quyết vấn đề nợ hiện nay không chỉ là cấp bách mà còn là then chốt cho triển vọng hồi phục kinh tế.

Vấn đề ở đây không phải và không chỉ là cứu doanh nghiệp nào hay cứu ngân hàng nào mà là cứu cả nền kinh tế. Thật ra, hệ thống ngân hàng của nước ta mới phát triển trong vòng 20 năm nay nên chưa đến mức tạo ra các công cụ nợ quá phức tạp, tinh tế và ảo như các nước phát triển. Các khoản nợ của doanh nghiệp và của cá nhân trong hệ thống ngân hàng thương mại đều có đối phần là các tài sản thế chấp (phần tín chấp không đáng kể) gồm hàng hóa, máy móc thiết bị, nhà xưởng, nhà đất, công trình dự án… nên việc xử lý không quá khó. Vấn đề là định giá lại tài sản đối phần của các khoản nợ cho hợp lý, tránh tình trạng đục nước béo cò. Do vậy, nói mua lại nợ thực chất là mua lại tài sản. Trong tình hình khó khăn chung, cần phải có một tinh thần tương thân tương trợ mang tính chất cộng đồng, nên tốt hơn là thành lập một định chế Nhà nước về xử lý nợ hoạt động không vì lợi nhuận, được điều hành bởi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, chịu sự giám sát của Quốc hội.

Và cũng chưa cần sử dụng đến nguồn tiền 100 ngàn tỉ đồng, dù rằng trên thực tế tổng giá trị tài sản của các khoản nợ cần xử lý có thể hơn thế. Khi mua các khoản nợ từ ngân hàng, định chế này chỉ cần phát hành cho ngân hàng một loại trái phiếu được sự bảo đảm của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, có thể lấy tên là trái phiếu ổn định với lãi suất thấp. Khi cần thanh khoản, ngân hàng thương mại được đem thế chấp trái phiếu ổn định để vay trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng, hoặc vay từ Ngân hàng Nhà nước. Sau này, khi tài sản được bán ra thu tiền theo đúng quy trình minh bạch, định chế xử lý nợ sẽ chuyển trả cho ngân hàng để thu hồi trái phiếu đã phát hành. Vì là định chế không lợi nhuận, nên các khoản lời nếu có sẽ được chuyển về cho doanh nghiệp chủ sở hữu gốc của tài sản, sau khi trừ các chi phí hoạt động của định chế theo một tỷ lệ có thể tính toán được không khó.

Phương thức này sẽ làm giảm áp lực lạm phát mà nhiều nhà phân tích kinh tế hay lo ngại đối với các chương trình hỗ trợ từ Chính phủ. Nhưng kinh nghiệm và lý thuyết đã chỉ rõ, trong điều kiện nền kinh tế còn suy thoái và đang rơi vào bẫy thanh khoản, sự gia tăng khối tiền tệ M1 không hề đưa đến sự gia tăng giá cả. Con ma lạm phát không đáng sợ như chúng ta nghĩ, thậm chí nó còn giúp làm giảm và xóa đi gánh nặng nợ nần cho các nền kinh tế ở mọi nơi trên thế giới, như lịch sử đã từng chứng kiến.