"Giải quyết vấn đề nợ xấu mới xử lý được các vấn đề khác"

LH

(Tài chính) Nợ xấu trong thị trường bất động sản (BĐS) là vấn đề gây lo ngại cho cả nền kinh tế. Người dân rất quan tâm đến những quyết sách mà Chính phủ có thể đưa ra để đối phó với tình trạng này. Ngày 23/10, bên hành lang kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã trả lời báo chí về vấn đề liên quan đến hướng xử lý nợ xấu trong thị trường BĐS.

"Giải quyết vấn đề nợ xấu mới xử lý được các vấn đề khác" - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi với báo chí xung quanh
vấn đề kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm.



Xung quanh lo ngại về việc làm thế nào để giải quyết
vấn đề nợ xấu và chỉ số tồn kho của doanh nghiệp cao đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Trong bài toán về nợ xấu và hàng tồn kho của doanh nghiệp lúc này thì việc phải giải quyết vấn đề tín dụng cho BĐS là khó khăn nhất. Nếu tháo gỡ được thì sẽ giải quyết được vấn đề tồn kho, vì tồn kho BĐS là tồn kho có giá trị cao, chiếm dụng rất nhiều vốn của xã hội. Đây là bài toán khá phức tạp, phải phân tích để có lựa chọn, còn các mặt hàng tồn kho khác để phục vụ sản xuất thì phải có cách tháo gỡ dần để thúc đẩy sản xuất hoạt động mạnh trở lại. Hiện nay, Chính phủ đang tập trung xử lý nợ xấu, giải quyết thanh khoản cho cả nền kinh tế và thanh khoản của các ngân hàng.

Phó Thủ tướng nhận định: Giải quyết được vấn đề nợ xấu và tồn đọng hàng hóa một cách tương đối thì mới xử lý được các vấn đề khác. Do vậy chúng ta phải giải bằng được bài toán này.

"Giải quyết vấn đề nợ xấu mới xử lý được các vấn đề khác" - Ảnh 2 Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết
Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải
xử lý căn bản và tổng thể nợ xấu
trong lĩnh vực BĐS.

Hiện, Chính phủ cũng đã và đang tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua rất nhiều các biện pháp như giãn thuế, giảm lãi suất, cho vay bằng thế chấp hàng hóa... nhờ đó nhiều doanh nghiệp đã vượt lên, quay lại sản xuất và ổn định hoạt động. Tất nhiên, không tránh khỏi, trong khó khăn, những doanh nghiệp làm ăn không căn bản, không bền vững có thể rơi vào tình trạng phá sản, giải thể. Tuy vậy, chúng ta cũng thấy rõ, khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, có thể vượt qua được. Ngay bản thân các doanh nghiệp cũng phải tính toán, cơ cấu lại, để làm ăn hiệu quả hơn. Chính phủ biết doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn nên sẽ có phân tích cụ thể để những trường hợp nào quá khó thì có giải pháp tháo gỡ riêng. Còn việc chấp hành chính sách vẫn phải theo pháp luật cho bình đẳng chứ không thể nói để nợ đọng tràn lan được.
Phó Thủ tướng khẳng định, hiện nay, theo báo cáo, hàng tồn kho đã bắt đầu giảm. Nền kinh tế đang có biểu hiện ấm lên.

Phó Thủ tướng cũng nêu một vài cách thức, theo ông, có thể là, với những doanh nghiệp đang làm những dự án, kể cả dự án hạ tầng nhưng là những dự  án xây nhà, xây chung cư, nếu tháo gỡ khó khăn được cho những doanh nghiệp này thì công trình sẽ hoàn thành nhanh và sớm đưa vào sử dụng, đồng thời đồng vốn từ đó có  thể quay vòng được, lúc đó mới giải quyết được các vấn đề khác như: trả được nợ, được vay mới, rồi lại tiếp tục sản xuất kinh doanh,… Đại thể là như vậy, trước tiên chúng ta cần xem xét  giải quyết nợ (ví dụ trong lĩnh vực BĐS - PV) căn cứ vào tính chất và từng khoản nợ để giải quyết, nhắm đáp ứng được yêu cầu thiết thực, trước mắt, mang lại nhiều lợi ích nhất ...
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta đều biết, cơ cấu tín dụng cho xuất khẩu và nông nghiệp vẫn tăng khá. Chỉ có tín dụng cho BĐS là đang gặp khó khăn nhất. Nếu mình gỡ được khâu này thì sẽ giải quyết được vấn đề tồn kho. Nói chung bài toán khá phức tạp, cho nên phải phân tích để có những lựa chọn đúng đắn nhất.
Ông nói thêm: Hiện, các bộ ngành đang phân loại các khoản nợ xấu để xử lý. Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng đang làm đề án và đã tiến hành các bước xử lý. Cơ bản là chúng ta phải xử lý một cách căn bản và tổng thể. Có thể là tại thời điểm này chưa đưa ra con số cụ thể về nợ xấu nhưng chắc chắn phải có.

"Giải quyết vấn đề nợ xấu mới xử lý được các vấn đề khác" - Ảnh 3 Về tăng trưởng, Phó Thủ tướng lưu ý:
nếu quý này chúng ta tăng được thêm hơn 1%
thì cả năm có thể tăng trưởng được trên 6%.
Sang năm, chưa dám nói đến phục hồi,
nhưng hy vọng, tăng trưởng sẽ có dấu hiệu khá hơn...

Đánh giá bức tranh kinh tế nước ta từ đầu năm tới nay và xu hướng sắp tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết: Để nhận định cặn kẽ là rất khó, vì kinh tế thế giới cũng đang gặp nhiều khó khăn. Không chỉ riêng Việt Nam mà vấn đề tiêu thụ hàng hóa, giải quyết hàng tồn đọng nhìn chung của cả thế giới đều rất thấp. May mắn là nước ta chủ yếu sản xuất và cung cấp những hàng hóa thiết yếu, nhất là hàng hóa của ngành nông nghiệp - thủy sản như gạo, cá tôm,... do vậy vẫn có thị trường tiêu dùng. Nông nghiệp là lĩnh vực Việt Nam có lợi thế. Năm nay chúng ta đặt ra mục tiêu xuất khẩu tăng 10% nhưng có khả năng đạt trên 16%. Bức tranh kinh tế của chúng ta có rất nhiều điểm sáng, nhưng để phục hồi nền kinh tế, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài chứ không thể chỉ là yếu tố trong nước được. Hiện nay độ mở hội nhập của Việt Nam đã rất sâu rồi, bất kỳ chính sách gì đưa ra cũng đều tác động rất rộng và tổng thể, cả trong và ngoài nước.
Chính phủ đang làm hết sức, tập trung trí tuệ, sức người, sức của để giải quyết các vấn đề nóng hiện nay. Đề nghị toàn dân cùng chung vai góp sức cùng Chính phủ để đưa nền kinh tế nước nhà vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.