Giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện xuất nhập khẩu ô tô giữa thành viên ASEAN


Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) cho ô tô và phụ tùng ô tô, cũng như cải thiện các nghị định thư về các cơ chế giải quyết tranh chấp dự kiến được ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN thường niên diễn ra vào tháng 9/2019 tại ở Bangkok, Thái Lan.

Dự báo lượng ô tô nhập khẩu sẽ tăng đột biến,đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách cần có những biện pháp đối phó hợp lý nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Nguồn: Internet.
Dự báo lượng ô tô nhập khẩu sẽ tăng đột biến,đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách cần có những biện pháp đối phó hợp lý nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Nguồn: Internet.

MRA là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên để cùng thừa nhận hoặc chấp nhận một số hoặc tất cả các khía cạnh của kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau. MRA có thể được ký kết ở cấp kỹ thuật hoặc chính phủ. Thông qua các MRA, các sản phẩm được kiểm tra và chứng nhận trước khi xuất khẩu có thể trực tiếp vào nước nhập khẩu mà không phải trải qua các thủ tục đánh giá sự phù hợp tương tự tại điểm đến.

Trước đó, Hội nghị quan chức cao cấp về kinh tế ASEAN lần thứ 2 (SEOM 2/50) được tổ chức ở Vientiane, Lào hồi tháng 4/2019, đã phê duyệt MRA về các sản phẩm ô tô trong 10 nước thành viên ASEAN sau khi các cuộc đàm phán kéo dài 7 năm.

Khi có hiệu lực, Thỏa thuận MRA sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và tạo điều kiện cho xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm ô tô giữa các thành viên. MRA sẽ bao gồm các sản phẩm ô tô như hệ thống phanh, dây an toàn, ghế ngồi, lốp xe, hệ thống lái, đồng hồ tốc độ và kính an toàn.

Ô tô luôn là một trong những ngành mũi nhọn của bất cứ nền công nghiệp nào trên thế giới. tại Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô tại các pháp luật về đầu tư, thuế (xuất nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt), tín dụng, tiền thuê đất... nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phát triển. .

Theo Bà Phạm Thu Trang, đại diện Vụ Chính sách Thuế-Bộ Tài chính, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong vài năm trở lại đây. Tốc độ tăng trưởng trung bình xe sản xuất lắp ráp trong nước giai đoạn 2015-2018 đạt 10%. (Năm 2015, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước đạt trên 200 nghìn xe/năm, tốc độ tăng so với 2014 đạt 51%. Năm 2016, sản lượng tiếp tục tăng mạnh, đạt trên 283,3 nghìn xe/năm, tăng 38% so với năm 2015. Năm 2017, sản lượng sản xuất, lắp ráp đạt 258,7 ngàn xe, giảm 9% so với năm 2016; năm 2018 đạt 250 ngàn xe, giảm khoảng 3% so với năm 2017). 

Tính đến hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô; trong đó, có 50 doanh nghiệp lắp ráp ôtô; 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, thùng xe; 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô... Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước (Toyota, Hyundai, Kia, Mazda, Honda, GM, Chevrolet, Ford, Mitsubishi, Nissan, Suzuki, Isuzu, Mercedes-Benz, Hino) đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước.

Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Ngành công nghiệp ô tô đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện đầy tiếng vang của VinFast và những thành công của Thaco và Hyundai Thành Công đầu tư, mở rộng sản xuất là những tín hiệu vui của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam dù vẫn phải tiếp tục cạnh tranh khốc liệt khi thuế nhập khẩu trong khu vực ở mức 0%.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi Thỏa thuận MRA có hiệu lực, sẽ bao gồm những nước xuất khẩu ô tô lớn trong khu vực, cũng như trên thế giới xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. Dự báo lượng ô tô nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tăng đột biến,đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách cần có những biện pháp đối phó hợp lý nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.