Giảm nỗi lo “rớt mạng” trong hải quan điện tử

VIR

Tại các địa bàn triển khai thủ tục hải quan điện tử (HQĐT) có trên 86% doanh nghiệp đã lựa chọn thủ tục HQĐT thay vì thủ tục hải quan truyền thống; trên 94% lượng tờ khai hải quan thực hiện HQĐT thay vì thủ tục hải quan truyền thống.

Giảm nỗi lo “rớt mạng” trong hải quan điện tử
Bộ Trưởng Bộ Tài chính vừa Quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển và triển khai ứng dụng CNTT ngành hải quan giai đoạn 2012-2015 nhằm khắc phục những hạn chế trong việc triển khai thủ tục HQĐT.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, trong vòng 1 năm trở lại đây, thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, sự than phiền của DN liên quan đến thái độ phục vụ của công chức hải quan đã giảm hẳn; than phiền về thủ tục hải quan rườm rà, phức tạp đã giảm xuống; than phiền về việc áp số thuế vẫn còn nhưng có chiều hướng giảm.

“Nhưng ngày càng có nhiều DN lên tiếng về việc thực hiện thủ tục HQĐT như đường truyền dữ liệu từ DN đến cơ quan hải quan còn chậm, nhiều khi còn bị nghẽn mạng, rớt mạng, xử lý phản hồi thông tin chậm, thậm chí có không ít trường hợp không thực hiện được thủ tục HQĐT, DN đã nộp thuế nhưng vẫn bị cưỡng chế thuế trên hệ thống thông tin hải quan”, ông Lộc cho biết.

Thừa nhận có tình trạng xảy ra sự cố trong hệ thống CNTT hỗ trợ HQĐT, nhưng theo giải thích của Tổng cục Hải quan, nguyên nhân cơ bản là do file truyền có dung lượng quá lớn.

“Thông thường, để giảm sự cố trong đường truyền, xử lý thông tin, các hệ thống thường hạn chế truyền, nhận những file có dung lượng lớn. Ngay như hệ thống thông quan tự động của Nhật Bản cũng chỉ nhận thông tin có dung lượng không quá 100Kb. Trong khi đó, hệ thống thông quan điện tử của Việt Nam trung bình nhận một tờ khai HQĐT có dung lượng 1-2Mb tức là gấp 10-20 lần dung lượng file nhận của Hải quan Nhật Bản. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự cố rớt mạng, chậm xử lý thông tin”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường lý giải.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, trong Kế hoạch phát triển và triển khai ứng dụng CNTT ngành Hải quan giai đoạn 2012-2015, Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ xây dựng hệ thống CNTT hải quan thích hợp, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và thực hiện thủ tục HQĐT theo hướng xử lý dữ liệu điện tử tập trung; phát triển và duy trì hoạt động ổn định của hạ tầng truyền thông, kết nối các đơn vị trong ngành hải quan và với các cơ quan có liên quan, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về băng thông và khả năng dự phòng.

Cụ thể, từ nay đến năm 2015, ngành hải quan vẫn duy trì, nâng cấp các hệ thống thông tin hiện tại đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ; hình thành các chức năng cơ bản của hệ thống thông tin hải quan theo mô hình xử lý tập trung trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin hàng hóa đi/đến/quá cảnh; tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ thông quan hàng hóa xuất/nhập khẩu/quá cảnh; thanh toán thuế/phí/lệ phí và các khoản thu khác của cơ quan hải quan dưới hình thức thanh toán điện tử thông qua việc kết nối và trao đổi thông tin với ngân hàng thương mại và các cơ quan liên quan khác trong khuôn khổ Cơ chế một cửa quốc gia…

Bộ Tài chính đặt mục tiêu đến quý III năm 2013 triển khai thủ tục HQĐT tại tất cả các cục hải quan, 85% tờ khai hải quan thực hiện bằng phương thức điện tử; tiếp tục mở rộng hoạt động thu thuế xuất - nhập khẩu qua hệ thống ngân hàng ra 33 cục hải qua trên toàn quốc để đến quý IV năm 2013 có ít nhất có 60% tổng số thuế xuất nhập khẩu được thu bằng phương thức điện tử qua hệ thống ngân hàng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan, cùng với việc thuê nhân lực chất lượng cao có năng lực, kinh nghiệm thực hiện giám sát, vận hành hệ thống mạng tập trung và đảm bảo yêu cầu bảo mật dữ liệu còn phải thực hiện nâng cấp kênh truyền cấp cục, chi cục cho 10 đơn vị lên tối thiểu 10Mbps, dự phòng 4Mbps và 24 đơn vị khác có kênh truyền tối thiểu 4Mbps, dự phòng 2Mbps

Theo ông Hoàng Việt Cường, khởi động Kế hoạch phát triển và triển khai ứng dụng CNTT, ngay trong quý IV này, hệ thống mạng Internet của ngành hải quan sẽ được nâng cấp, băng thông trung bình tăng gấp 5 lần so với hiện tại và có biện pháp dự phòng từ nhiều nhà cung cấp dịch vụ khác nhau.

“Sau khi triển khai sẽ giảm khả năng xảy ra sự cố, thời gian truyền-nhận dữ liệu và khâu xử lý thông tin sẽ nhanh hơn”, ông Cường khẳng định.

Tuy nhiên, để hạn chế tối đa sự cố nghẽn mạng, rớt mạng trong khi thực hiện HQĐT, theo ông Cường, ngoài sự nỗ lực của ngành hải quan, doanh nghiệp chỉ nên khai chứng từ gửi kém file scan (fiel có dung lượng lớn) khi cơ quan hải quan yêu cầu; chứng từ gửi kèm file scan không nên có độ phân giải quá lớn (độ phân giải tối đa là 300 dpi) để giảm dung lượng; chủ động liên hệ với cơ quan hải quan để khắc phục sự cố thay vì truyền lại dữ liệu nhiều lần.

Vẫn theo ông Cường, sự cố xảy ra trong việc thực hiện HQĐT, một phần là do hệ thống CNTT của ngành hải quan chưa đáp ứng được yêu cầu, phần khác còn do hệ thống, đường truyền Internet của DN gặp sự cố, tốc độ đường truyền thấp.

“Để khắc phục sự cố trong thực hiện thủ tục HQĐT, DN cần chủ động trang bị hệ thống máy tính có tốc độ xử lý, dung lượng bộ nhớ, ổ cứng bảo đảm bên cạnh việc cài đặt phần mềm diệt virus… thuê kênh truyền Internet có dung lượng phù hợp”, ông Cường đề nghị.