Gỡ “nút thắt” nào để kinh tế bứt phá?

Theo Việt Anh/baodauthau.vn

Kinh tế Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2018 - 2020 có thể đạt mức tăng trưởng cao nếu những nút thắt tiếp tục được tháo gỡ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhấn mạnh quan điểm này tại Diễn đàn “Giải pháp chính sách tháo gỡ nút thắt và tạo động lực mới, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Chấp hành nghiêm kỷ luật tài khóa

Tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn nhiều dư địa liên quan đến nâng cao hiệu lực quản lý, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Riêng về vấn đề quản lý đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP), ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, các dự án xây dựng đường bộ theo hình thức BOT đang tồn tại nhiều sai phạm, là nút thắt đối với phát triển và đặc biệt thiếu cơ chế xử lý triệt để các tồn tại. Vấn đề nằm ở chỗ việc truy trách nhiệm và xử lý tổ chức, cá nhân liên quan đến những sai phạm này chưa được thực hiện.

Theo ông Cung, thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng dự án đầu tư công liên tục điều chỉnh dự toán đã trở nên phổ biến chứ không còn là cá biệt mà không ai phải chịu trách nhiệm, kể cả những sai phạm trong những dự án BOT… Qua kiểm toán 22 dự án BOT, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí 62 năm 8 tháng, tương ứng giảm doanh thu 22.237,6 tỷ đồng. Đồng thời, phát hiện có 6/52 trạm thực hiện thu phí trước 14 năm 6 tháng…”, Viện trưởng CIEM dẫn chứng.

Với những sai phạm “sờ sờ” như thế, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, nếu chúng ta không tìm trách nhiệm và xử lý trách nhiệm thì đầu tư công khó mà nâng cao được hiệu quả.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhắc lại, năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán 27 dự án BOT phát hiện hàng loạt sai phạm. Vấn đề được nêu ra rất hay, song đến thời điểm này trách nhiệm của các cá nhân liên quan chưa được xử lý.

Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Cung cho rằng, cần tháo bỏ ngay các vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm, không thể tiếp tục chậm trễ như hai năm gần đây. “Những hiện tượng này, nếu không xử lý triệt để mà cứ kéo từ năm này qua năm khác sẽ làm tiêu hao động lực tăng trưởng, ảnh hưởng, thậm chí đảo lộn giá trị đạo đức xã hội”, ông Cung nhấn mạnh. 

Tăng hiệu quả sử dụng vốn

Năm ngoái, Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán 27 dự án BOT phát hiện hàng loạt sai phạm. Vấn đề được nêu ra rất hay, song đến thời điểm này trách nhiệm của các cá nhân liên quan chưa được xử lý.
Các ý kiến tại Diễn đàn cũng nhấn mạnh, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sẽ tạo ra nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng và tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. 

Đối với việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính cho biết, số lượng và chất lượng cổ phần hóa (CPH) DNNN những năm qua và ngay cả 9 tháng 2017 vẫn còn khiêm tốn. Tiến độ CPH vẫn chậm, chất lượng cũng chưa được như mong đợi… Một trong những nguyên nhân lớn nhất làm ảnh hưởng đến quá trình này là do “tư tưởng bàn lùi”, không muốn CPH của các đối tượng liên quan còn lớn. Theo ông Tiến, nhiều lãnh đạo DNNN thuộc diện CPH còn “sức ỳ” hoặc tình trạng địa phương vẫn muốn nắm DNNN, ngay cả những DN thương mại. Bên cạnh đó, nhiều DN chưa thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Ông Đặng Quyết Tiến đề xuất 4 nhóm giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, gồm: hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách bảo đảm việc cơ cấu lại DNNN; đẩy nhanh đổi mới, xây dựng hệ thống quản trị DN theo nguyên tắc quản trị tiên tiến; hoàn thiện mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước độc lập để tách bạch chức năng quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN và chức năng quản lý nhà nước; tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát bảo đảm công khai minh bạch về đầu tư…

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung kiến nghị cần đổi mới quản lý, cải thiện hiệu quả tài chính của DNNN. Chẳng hạn, với vai trò chủ sở hữu, Chính phủ giao các chỉ tiêu bắt buộc đối với DNNN như: doanh thu/vốn; lợi nhuận/vốn chủ sở hữu… Đồng thời, cải thiện chất lượng quản trị, nhất là chất lượng báo cáo tài chính và công khai, minh bạch hóa thông tin để tạo áp lực và trách nhiệm cho các bên liên quan.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng như: cắt giảm ít nhất 1/3 đến ½ số điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất ½ số hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất, nhập khẩu; tiếp tục nỗ lực giảm chi phí cho DN…