Gỡ nút thắt về cơ chế đầu tư cho Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Theo Báo Đầu tư.

Nút thắt đầu tiên vừa được Chính phủ tháo gỡ chính là việc phương án đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã được chốt theo hướng có lợi cho các nhà đầu tư.

Gỡ nút thắt về cơ chế đầu tư cho Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

Theo Thông báo số 316/TB- VPCP ngày 4/9/2012 thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chính phủ đồng ý chọn phương án đầu tư toàn tuyến cao tốc (98,7 km) và không mở rộng đoạn Quốc lộ 1 chạy song song.

“Với việc không mở rộng Quốc lộ 1 từ 2 lên 4 làn xe, tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dự kiến khởi công vào cuối năm nay sẽ được đảm bảo tính khả thi tài chính, do không phải chịu áp lực bị chia sẻ lưu lượng phương tiện”, lãnh đạo Ban quản lý Dự án hợp tác công – tư (PPP) thuộc Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.

Liên quan tới “nút thắt” nguồn vốn vay của nhà đầu tư, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đồng ý bảo lãnh phần vốn vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD), Ngân hàng Thế giới (WB) cho nhà đầu tư Việt Nam - Tập đoàn Bitexco, như là một khoản tín dụng dài hạn và để tăng tính hấp dẫn của Dự án.

“Bộ Giao thông - Vận tải làm việc với WB để nghiên cứu tăng tỷ lệ vốn IBRD nhằm giảm tối đa phần vốn tham gia của Nhà nước vào Dự án”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu.

Mặc dù nhấn mạnh việc hạn chế ở mức thấp nhất sự tham gia tài chính của Nhà nước, song Chính phủ cũng đã chấp thuận dùng vốn ngân sách để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư…, với trị giá khoảng 2.150 tỷ đồng.

“Việc không đưa chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng vào tổng chi phí đầu tư Dự án là điều cần thiết, bởi theo thông lệ quốc tế, đối với các dự án PPP, đây là phần rủi ro mà Nhà nước phải gánh để tạo lòng tin và thu hút các nhà đầu tư tư nhân”, một chuyên gia tài chính dự án đầu tư thuộc Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.

Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải sẽ phải hoàn thiện cơ chế quản lý và thực hiện Dự án theo hướng không nêu lại các quy định đã có tại Quyết định số 71/QĐ-TTg về Quy chế Thí điểm đầu tư theo hình thức PPP, lấy ý kiến của Bộ Tư pháp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ (trước ngày 15/9/2012) ban hành theo hình thức quyết định cá biệt của Thủ tướng.

Được biết, những tháo gỡ nói trên về cơ bản được đề cập tại Cơ chế Thí điểm quản lý và thực hiện Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (DPEP) theo hình thức PPP do Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất Chính phủ giữa tháng 5/2012.

Trên thực tế, chưa có bất kỳ dự án PPP nào được triển khai, do nhiều quy định tại Quyết định số 71 có tính khả thi thấp, hoặc chưa tính đến đặc thù thị trường PPP tại Việt Nam (chưa hình thành); khả năng tài chính của các nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong nước thấp…

“Chính vì vậy, cơ chế cho Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là tổ hợp những điều khoản có thể áp dụng được từ các văn bản pháp lý về PPP đã có và các điều khoản bổ sung để có thể áp dụng triển khai ngay cho Dự án, với tiêu chí đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế”, đại diện Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.

Theo các chuyên gia, dù bộ cơ chế thí điểm quản lý dự án và thực hiện theo hình thức PPP được chỉ định áp dụng cho riêng Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, nhưng nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vẫn có thể coi đây là “chìa khóa” chung cho các dự án PPP hạ tầng khác đang gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế triển khai.