Gỡ “thẻ vàng” cho hải sản: Sẽ xử lý nghiêm chủ tàu vi phạm

Theo Hạnh Nguyễn/congthuong.vn

Ít ngày nữa, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc khắc phục “thẻ vàng” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Vì vậy, xây dựng chế tài xử lý vi phạm mạnh đối với chủ tàu và địa phương để xảy ra sai phạm là việc cần làm ngay.

Hoạt động khai thác hải sản cần được kiểm soát chặt chẽ. Nguồn: Internet
Hoạt động khai thác hải sản cần được kiểm soát chặt chẽ. Nguồn: Internet

Diễn biến phức tạp

Đã qua gần 2 năm, hải sản nước ta bị EC áp dụng “thẻ vàng” cảnh cáo, thế nhưng đến nay vẫn chưa gỡ bỏ được, do tình trạng vi phạm khai thác hải sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp.

Tại hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục “thẻ vàng” của EC đối với hải sản Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - thừa nhận, kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC vẫn chưa đạt yêu cầu. Công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản khai thác còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo độ tin cậy. Bên cạnh đó, công tác thực thi pháp luật để đảm bảo việc ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả…

Một trong những nguyên nhân cơ bản là các địa phương chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt. Ông Nguyễn Quang Hùng chỉ rõ: Một số địa phương, lãnh đạo tỉnh chưa quan tâm đến công tác tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát tại cảng cá và hệ thống giám sát tàu cá; địa phương chưa nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu chính quyền các cấp, các ngành, lực lượng chức năng... Ngoài ra, việc xử lý chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe.

Xây dựng chế tài mạnh

Với quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng” cho hải sản Việt Nam, ngày 16/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Theo đó, phạt tiền từ 300- 500 triệu đồng đối với chủ tàu cá không trang bị thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét theo quy định; phạt tiền từ 500-700 triệu đồng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, hoặc không ghi nhật ký khai thác thủy sản, nhật ký thu mua chuyển tải thủy sản...

Phạt tiền từ 800 triệu đồng - 1 tỷ đồng đối với chủ tàu sử dụng tàu cá có chiều dài từ 24 mét trở lên, không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoặc không có giấy chấp thuận hoặc giấy chấp thuận hết hạn…

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, nghị định được ban hành sẽ là công cụ hữu hiệu, khắc phục các khoảng trống pháp lý. Việc quy định rõ về hình thức và mức xử phạt, đồng thời phân rõ thẩm quyền xử phạt đến tận chủ tịch xã sẽ tạo tính đồng bộ trong việc triển khai Luật Thủy sản, cũng như xử phạt kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản, góp phần giảm thiểu khai thác bất hợp pháp. Mức xử phạt rất cao cũng tạo tính răn đe chống khai thác bất hợp pháp đối với thủy sản Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Các địa phương phải quyết liệt hơn trong xử lý tàu cá vi phạm và đẩy nhanh thực hiện Luật Thủy sản.