TĂNG CƯỜNG CỒNG TÁC QUẢN LÝ GIÁ:

Góp phần bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô

PV.

(Tài chính) Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, ngày 17/1/2013 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính; trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ nhằm tăng cường quản lý giá, góp phần bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Tài chính đã duy trì nhiều chính sách để bình ổn giá. Nguồn ảnh: internet
Bộ Tài chính đã duy trì nhiều chính sách để bình ổn giá. Nguồn ảnh: internet

1. Chỉ đạo, tăng cường công tác quản lý, bình ổn thị trường, giá cả:

- Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/12/2013 về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 15/1/2014 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014; Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 24/12/2013 chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014.

Bên cạnh đó, trên cơ sở theo dõi chỉ số giá tiêu dùng năm 2013 tại các địa phương, ngày 7/1/2014, Bộ Tài chính cũng đã ban hành công văn số 308/BTC-QLG đề nghị UBND 19 tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp nhằm kiểm soát lạm phát năm 2014 ngay từ đầu năm tại địa phương. Đây là các địa phương có mức tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2013 cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng của cả nước năm 2013.

- Sang tháng 4/2014, trước diễn biến giá một số mặt hàng tăng do chi phí vận tải đường bộ tăng sau khi Nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành quy định về trọng tải phương tiện vận chuyển đường bộ, Bộ Tài chính đã kịp thời có Công văn số 6063/BTC-QLG ngày 9/5/2014 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó đề nghị địa phương kiểm soát chặt chẽ kê khai giá cước vận tải tránh việc lợi dụng tăng giá tùy tiện khi Nhà nước kiểm soát chặt chẽ quy định về trọng tải xe; đồng thời đề nghị địa phương triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về nhân rộng mô hình bình ổn giá không sử dụng vốn NSNN (Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 4/4/2014 của Chính phủ), áp dụng biện pháp đăng ký giá và áp dụng giá tối đa đối với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi (Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 02/5/2014 của Chính phủ).

- Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài chính, hầu hết các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý, bình ổn giá; chú trọng công tác theo dõi diễn biến tình hình thị trường giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra thiếu hàng gây tăng giá, nhất là trong trong dịp Lễ, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương đã chủ động triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường phù hợp với thực tế địa phương theo quy định tại Luật giá, trong đó nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bến Tre, Hà Nam, Hòa Bình, An Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Hải Phòng, Thanh Hóa... triển khai chương trình mà không phải sử dụng NSNN, qua đó góp phần bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp cao điểm, góp phần bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn.

2. Công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường giá cả

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, chất đốt, lương thực, thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thị trường, pháp luật về quản lý giá, thuế, phí. Trong đó, Bộ Tài chính đã:

- Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện kiểm tra tại một số địa phương (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Định, Vĩnh Phúc) về công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết; đồng thời chủ trì tổ chức đoàn công tác của Bộ Tài chính kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá năm 2013 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 tại một số tỉnh, thành phố (Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Phước).

- Tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và giá tại 05 doanh nghiệp sữa gồm Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam);  Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A; Công ty TNHH sữa Nestle Việt Nam; Công ty sữa TNHH Friesland Campina Việt Nam và Công ty Cổ phần sữa Việt Nam trong tháng 3/2014. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã được Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng (xử lý vi phạm hành chính về giá đối với Công ty TNHH Nestle Việt Nam do kê khai thiếu 3 sản phẩm trong năm 2013 với mức xử phạt là 45 triệu đồng; Truy thu bổ sung ngân sách nhà nước tổng số thuế năm 2013 là 10.206.606.587 đồng đối với 4 công ty gồm Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam.). Theo đó:

Trên cơ sở kết quả thanh tra và báo cáo của Bộ Tài chính, Chính phủ đã thống nhất chủ trương áp dụng biện pháp đăng ký giá (trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày 01/6/2014) và quy định quản lý giá tối đa (trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày 01/6/2014) đối với giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

3. Công tác quản lý, điều tiết, bình ổn giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu:

3.1. Giá xăng dầu:

Trong 6 tháng đầu năm 2014, giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp với xu hướng tăng hoặc đứng ở mức cao là chủ yếu. Để góp phần bình ổn giá bán trong nước, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu một cách linh hoạt theo cơ chế thị trường đồng thời sử dụng các công cụ tài chính (sử dụng quỹ bình ổn giá hoặc chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở) nhằm hạn chế mức tăng giá; khi có dư địa giảm giá, Liên Bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối rà soát để giảm giá bán trong nước cho phù hợp. Theo đó, 6 tháng đầu năm giá xăng, dầu trong nước cơ bản được giữ ổn định hoặc giảm (giá dầu điêzen: giảm 05 lần; dầu hỏa: giảm 03 lần; madut: giảm 04 lần) trong 9 lần điều hành vào các ngày 15/1; 27/1; 10/2; 06/3; 31/3; 11/4; 15/5; 28/5 và 12/6; được điều chỉnh tăng 04 lần (vào các ngày 21/2; 19/3; 22/4 và 23/6) nhưng hầu hết có mức tăng kiềm chế do kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá hoặc giảm một phần lợi nhuận định mức của doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính đã công khai chi tiết tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG của từng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong các Quý II, III, IV và cả năm 2013 (số dư quỹ BOG xăng dầu tính đến hết Quý II/2013 khoảng 55,467 tỷ đồng; Quý III/2013 khoảng 58,601 tỷ đồng; tính đến hết Quý IV/2013 khoảng 169,219 tỷ đồng), Quý I/2014 (số dư quỹ BOG xăng dầu khoảng 842,016 tỷ đồng) trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tài chính, gửi báo cáo đến các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIII.

3.2. Giá than bán cho sản xuất điện:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 246/VPCP-KTTH ngày 05/02/2013, Bộ Tài chính đã có công văn số 1085/BTC-QLG ngày 31/12/2013 điều hành giá than bán cho sản xuất điện bằng giá thành sản xuất than bình quân kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, thời gian thực hiện từ ngày 01/01/2014. Như vậy, giá các chủng loại than bán cho sản xuất điện (cám 4b, cám 5a, cám 5b, cám 6a, cám 6b) hiện bằng giá các chủng loại than bán cho các hộ tiêu thụ trong nước, tương đương khoảng 89-92% giá xuất khẩu hiện hành cùng chủng loại.

3.3. Giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi

Trong 6 tháng đầu năm 2014, trước biến động tăng của giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ, ngành địa phương triển khai quyết liệt biện pháp bình ổn giá sữa. Cụ thể:

 - Trong hai tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 2200/BTC-QLG ngày 21/02/2014 chỉ đạo Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường quản lý giá sữa của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa trên địa bàn tỉnh, thành phố; Công văn số 49/CQLG-NLTS ngày 21/02/2014 và Công văn số 79/CQLG-NLTS ngày 24/3/2014 gửi Cục Quản lý thị trường đề nghị chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cung cấp thông tin về mức kê khai giá của doanh nghiệp để trên cơ sở đó kiểm tra, niêm yết giá, kê khai giá điều chỉnh giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.

- Trong tháng 3/2014, sau khi tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và giá tại 05 doanh nghiệp sữa, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Chính phủ thống nhất chủ trương áp dụng biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (Nghị quyết số 29/NQ-CP của Chính phủ ngày 02/5/2014 về phiên họp thường kỳ tháng 4/2014) trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với  Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan và địa phương tổ chức triển khai:

 + Thực hiện quản lý giá tối đa theo quy định tại Khoản 7 Điều 17 Luật giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày công bố quyết định bình ổn giá;

+ Thực hiện quản lý biện pháp đăng ký giá theo quy định tại Khoản 4, Điều 17 Luật giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày công bố quyết định bình ổn giá.

- Thực hiện Nghị Quyết số 29/NQ-CP ngày 02/5/2014 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ, ngành và ban hành Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014 về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; đồng thời ban hành Công văn số 6544/BTC-QLG gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi để hướng dẫn thực hiện bình ổn giá đối với sản phẩm sữa sành cho trẻ em dưới 06 theo quy định tại Quyết định số 1079/QĐ-BTC ngày 20/5/2014, theo đó đã ban hành mức giá đối đa trong khâu bán buôn đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; hướng dẫn việc xác định giá bán buôn tối đa đối với các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi ngoài 25 sản phẩm sữa trên; hướng dẫn việc xác định giá bán lẻ tối đa bảo đảm cao hơn không quá 15% của giá tối đa trong khâu bán buôn và thấp hơn giá bán trên thị trường trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2014; thực hiện trong khâu bán buôn chậm nhất sau 10 ngày, thực hiện trong khâu bán lẻ chậm nhất sau 20 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.

- Trong tháng 6/2014, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với các địa phương thực hiện biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, có văn bản hướng dẫn các Sở Tài chính về triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Công khai bảng giá bán buôn đã kê khai đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi trước khi ban hành quyết định số 1079/QĐ-BTC để cơ quan, tổ chức tham khảo khi xác định giá bán buôn tối đa cho các sản phẩm còn lại; Thông báo mức giá bán buôn tối đa và giá đăng ký đối với 141 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi của 4/6 công ty đăng ký giá tại Bộ Tài chính.

Tổ chức họp báo để tuyên truyền, giải thích tạo sự đồng thuận trong xã hội; đồng thời đã họp với một số địa phương để triển khai hướng dẫn địa phương trong quá trình thực hiện biện pháp bình ổn giá...

Bên cạnh đó, đã tổ chức 03 đoàn công tác kiểm tra, nắm tình hình và kịp thời giải đáp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện tại 03 địa phương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ và tại một số địa phương miền Trung.

Triển khai biện pháp bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, các địa phương đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai hoặc thông báo danh sách các tổ chức, cá nhân phải thực hiện xác định giá bán buôn và bán lẻ tối đa, đăng ký giá tại địa bàn địa phương. Tính đến ngày 23/6/2014, nhiều địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Bắc Ninh,  Hưng Yên, Cà Mau, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bình Dương... đã ban hành Thông báo về giá tối đa và giá đăng ký đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Giá bán sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi cơ bản thấp hơn giá trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Kết quả này cho thấy các biện pháp bình ổn giá đã đạt được hiệu quả bước đầu tích cực.

3.4. Giá một số sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch chi từ Ngân sách Nhà nước; hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá

Bộ Tài chính và các địa phương đã thực hiện kiểm soát chặt chẽ phương án giá sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch chi từ Ngân sách Nhà nướctrên nguyên tắc đảm bảo tiết kiệm và không vượt dự toán ngân sách; đối với hàng hóa dịch vụ kê khai giá đã thực hiện giám sát chặt chẽ, kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá.