Hà Nội: Giải ngân vốn đầu tư công phải tăng tốc

Theo Nga-Sơn-Lương/hanoimoi.com.vn

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công là một thực tế đang diễn ra ở các địa phương, trong đó có Hà Nội.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và giải ngân.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng và giải ngân.

Thành phố Hà Nội đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng vào cuộc quyết liệt hơn, phối hợp chặt chẽ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Trong đó, thành phố yêu cầu tăng cường kiểm tra thực tế nhằm nắm bắt tình hình, rà soát, đôn đốc các chủ dự án; đồng thời thực hiện cơ chế giải ngân linh hoạt kế hoạch vốn...

Tiến độ giải ngân đang chậm

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hiện mức giải ngân trung bình của các dự án đầu tư công, sử dụng vốn ngân sách của thành phố trong 5 tháng qua mới đạt 15,8% kế hoạch cả năm. Đây là các dự án thuộc những lĩnh vực quan trọng, có ý nghĩa dân sinh như xây dựng, giao thông, văn hóa, môi trường, cấp thoát nước... Kết quả giải ngân chậm ảnh hưởng tới đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, xã hội và gây áp lực cho thời gian từ nay đến cuối năm. 

Theo dự báo của Phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), đến hết tháng 6/2019, tỷ lệ giải ngân có thể đạt 32,5%. Ông Nguyễn Quốc Chương, Trưởng phòng Quản lý đầu tư vốn ngân sách nhà nước (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) chia sẻ, nhìn chung kết quả giải ngân của các dự án trong 5 tháng qua trên địa bàn thành phố tương đương kết quả cùng kỳ năm 2018. 

Tuy nhiên, cần xác định một thực tế là, tốc độ và kết quả giải ngân không thể diễn ra đồng đều qua các tháng, mà thường đạt mức thấp vào thời điểm đầu năm. Nguyên nhân là các bên liên quan, chủ đầu tư phải tập trung hoàn thiện hồ sơ, thực hiện các bước chuẩn bị khá phức tạp, mất thời gian. Khi mọi việc đã suôn sẻ, vào đà thì kết quả giải ngân sẽ tăng mạnh, liên tục vào dịp cuối năm. Thông thường, tốc độ giải ngân sẽ tăng mạnh từ tháng 8 đến hết năm.

Lý do khiến các dự án triển khai chậm, dẫn đến chậm giải ngân thường do một số nguyên nhân có tính đặc thù như: Khó khăn trong giải phóng mặt bằng, việc điều chỉnh thiết kế, chậm bố trí vốn, vướng mắc về thủ tục...

Đơn cử, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội đến nay mới giải ngân được khoảng 9.000 tỷ đồng/gần 33.000 tỷ đồng (27,3%). Nguyên nhân là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, mặt bằng xen kẹt, xôi đỗ khiến việc thực hiện bị ngắt quãng, kéo dài. Ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, việc bố trí vốn thiếu so với yêu cầu cũng gây bất lợi cho quá trình triển khai dự án.

Trong khi đó, một số dự án, hoặc thành phần dự án khác cũng trong cảnh chậm tiến độ dẫn đến giải ngân thấp dưới 5% như: Đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục thuộc dự án đường Vành đai 1; hay dự án quốc lộ 1A đoạn đi qua địa phận Thanh Trì... Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thực trạng trên tại các dự án này là do chậm giải phóng mặt bằng.

Phân tích thêm về nguyên nhân dẫn tới chậm giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho rằng, một phần do năng lực của một số nhà thầu chưa bảo đảm, tiến độ thi công chậm; từ đó làm giảm tốc độ giải ngân.

Ngoài ra, thực tế cho thấy khi triển khai dự án có thể nảy sinh việc điều chỉnh hạng mục, tổng mức đầu tư, hoặc điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Những công việc đó thường cần thêm thời gian để đánh giá, thẩm định của nhiều cơ quan chức năng, với nhiều quy định, thủ tục nên ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp


Trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường kiểm tra thực tế nhằm nắm bắt tình hình, rà soát và đôn đốc các chủ dự án để tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Hà Nội: Giải ngân vốn đầu tư công phải tăng tốc - Ảnh 1

Nhờ được giải ngân kịp thời, bảo đảm tiến độ, dự án cầu vượt nút giao An Dương - đường Thanh Niên đã góp phần giải tỏa ùn tắc giao thông trong khu vực.


Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thời gian qua, UBND thành phố đã yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thành phê duyệt điều chỉnh tiến độ thời gian thực hiện với hơn 20 dự án xây dựng cơ bản để bảo đảm điều kiện giải ngân kế hoạch vốn giao năm 2019. 

Trong quý II/2019, các chủ đầu tư hoàn thành công tác lập, thẩm định, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư các dự án khác. Thành phố cũng lưu ý các chủ đầu tư về một số cơ chế đã được HĐND thành phố quyết nghị tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 4/12/2018 để vận dụng trong giải quyết công việc. Trong đó, đáng chú ý là cơ chế giải ngân linh hoạt kế hoạch vốn cho một số công tác liên quan, bao gồm cả giải phóng mặt bằng. 

“Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng Sở Nội vụ và Thanh tra thành phố sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra đầu tư, kiểm tra công vụ các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách nói chung có số vốn giải ngân 3 tháng liên tiếp thấp hơn mức giải ngân chung của thành phố, hoặc 2 tháng liền không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh. 

Theo Kho bạc Nhà nước Hà Nội cho biết, sẽ chủ động tháo gỡ, xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh về hồ sơ, thủ tục thanh toán nhằm hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để thanh toán. Kho bạc Nhà nước thành phố cũng chủ động nắm chắc tình hình, giúp lãnh đạo thành phố có những căn cứ, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Nhằm cải thiện tiến độ giải ngân, tiết kiệm thời gian thực hiện dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn ngân sách năm 2019, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các cơ quan và UBND các quận, huyện, thị xã cần đặc biệt quan tâm kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên môn của các phòng, ban để nâng cao chất lượng công tác thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư của dự án theo quy định. 

Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương đề xuất UBND thành phố kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Các chủ đầu tư cần tự giác, chủ động phối hợp với chính quyền từng địa phương để nắm bắt tình hình, có phương án ứng phó phù hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng...