Hà Nội muốn được bố trí vốn để thực hiện những dự án quy mô lớn

Theo hanoimoi.com.vn

(Tài chính) Chiều 15/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2014. Điều hành hội nghị là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.

 Hà Nội muốn được bố trí vốn để thực hiện những dự án quy mô lớn
UBND TP. Hà Nội đề nghị thí điểm cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ. Nguồn: internet
Năm 2013, Hà Nội dự kiến có 3/23 chỉ tiêu không đạt kế hoạch

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, Ngô Quang Quý cho biết: Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 1,67% (kế hoạch năm 2013 là 8,0 – 8,5%); trong đó dịch vụ tăng 8,5%, công nghiệp – xây dựng tăng 7,46%, nông nghiệp tăng 2,95%. Tuy nhiên, thu ngân sách đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước: 7 tháng đạt 73.115 tỷ đồng, bằng 38% dự toán và 92% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 7 tháng đầu năm là 22.091 tỷ đồng, bằng 38% dự toán năm và 132% so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,22% so với tháng 6 và tăng 1,96% so với tháng 12/2012. CPI tháng 7 tăng cao nhất kể từ đầu năm, sau khi có 3 tháng giảm. Trung bình 7 tháng đầu năm, CPI tăng 5,97%.

Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng đạt 101.147 tỷ đồng, tăng 11,4%, cao hơn mức cùng kỳ năm trước 10,2%. Vốn đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách vẫn được đảm bảo trong điều kiện thu ngân sách gặp khó khăn. Hà Nội cũng đã phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu Thủ đô.

Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm và xu hướng tăng trưởng của các ngành, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm xã hội 6 tháng cuối năm 2013 của Hà Nội đạt khoảng 8,3 % -9,3 %, cả năm 2013 dự kiến đạt 8,1% (đạt kế hoạch).

Ông Ngô Quang Quý cũng cho biết, do ảnh hưởng của việc thực hiện giãn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ và Thông tư số 16 của Bộ Tài chính, thu ngân sách dự kiến sẽ không đạt kế hoạch. Kinh tế thế giới năm 2013 vẫn khó khăn, thị trường thu hẹp nên chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu sẽ không đạt kế hoạch. Như vậy, trong số 23 chỉ tiêu kế hoạch, 3 chỉ tiêu: thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu và cấp nước sạch khu vực nông nông của Hà Nội dự kiến sẽ không đạt kế hoạch.

Đề nghị giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp, bố trí vốn để thực hiện dự án quy mô lớn

Tại hội nghị, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, UBND TP. Hà Nội đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công để thống nhất quản lý nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công, phòng chống tham nhũng lãng phí trong đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó là sửa đổi Nghị định số 108/2006/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đầu tư; Sửa đổi Thông tư 03/2009/TT-BKH về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu…

Mặt khác, theo phản ánh của doanh nghiệp, hiện tiền thuê đất cho sản xuất kinh doanh quá cao (tăng từ 5-10 lần so với trước), Thành  phố đề nghị Bộ báo cáo Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 121/2010/NĐ-CP ngày 30/10/2010 trên cơ sở giảm tỷ lệ % giá thuê đất và giá được xác định theo hướng ổn định trong một thời kỳ sản xuất kinh doanh để giảm bớt khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, để khuyến khích phát triển công nghệ hỗ trợ trên địa bàn Thành phố, Hà Nội cũng đề nghị Bộ nghiên cứu trình Chính phủ ban hành thí điểm cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp hỗ trợ và các dự án công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội.

Hơn nữa, về vấn đề tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án, Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ về thủ tục đầu tư, làm việc với các nhà tài trợ cho các dự án ODA của Thành phố, trong đó có các tuyến đường sắt. Bộ hỗ trợ bố trí vốn ngân sách trung ương cho Hà Nội năm 2014 là 8.800 tỷ đồng để thực hiện các dự án quy mô lớn về môi trường, giao thông, thủy lợi (do vượt quá ngân sách của Thành phố).

Đáng chú ý, hiện nay các vấn đề quản lý đô thị như ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… đang là những vấn đề bức xúc của Thành phố. Do vậy, Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ xây dựng kế hoạch và lộ trình sớm di dời các trường đại học, bệnh viện và các cơ sở sản xuất kinh doanh của Trung ương ra ngoại thành.

Cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh đánh giá: Thủ đô là trung tâm kinh tế lớn nhất ở phía Bắc, là động lực cho toàn bộ miền Bắc phát triển. Ảnh hưởng của Hà Nội có sức lan tỏa ra cả đất nước. Trong thời gian tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thành phố phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa, nhất là trong việc tháo gỡ khó khăn từ cơ chế chính sách.

Bộ trưởng nhấn mạnh với những vấn đề Hà Nội kiến nghị hôm nay, có những vấn đề Vụ Pháp chế của Bộ đang xem xét. Bên cạnh đó, Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tiếp tục tiếp thu, trình Thủ tướng xem xét sửa đổi. Bộ trưởng cũng bày tỏ trăn trở làm thế nào để tháo gỡ cho Hà Nội, ngân sách cho đầu tư ngày càng thu hẹp, nên nhiều kiến nghị chưa thể giải quyết được. Bộ đề nghị UBND thành phố, Sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn công trình tầm cỡ, quan trọng sử dụng ngân sách trung ương, để Bộ xem xét đề nghị Chính phủ trong nguồn phát hành trái phiếu, tập trung bố trí ngân sách cho năm 2014. Hà Nội là một trong hai thành phố sử dụng ODA lớn nhất của cả nước. Dự án tàu điện ngầm của Ban QL đường sắt đô thị có đề xuất tăng tiền đầu tư, cần thuê tư vấn độc lập thẩm định như yêu cầu của Thủ tướng. Ở dự án này nếu phải trình Quốc hội thì cần trình sớm.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, Hà Nội sẽ phấn đấu hoàn thành mục tiêu 2013. Năm 2014, theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ, Hà Nội cũng đã đề ra kế hoạch và mục tiêu tăng trưởng cụ thể. Tuy nhiên, dự báo tình hình sẽ có những khó khăn cho nên có thể có những ảnh hưởng. Thành phố  báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu những cơ chế chính sách tạo nguồn để đầu tư hạ tầng, một trong những khâu đột phá chiến lược để phát triển thủ đô.

Tiếp đó, Chủ tịch nói về tình hình sử dụng vốn ODA. Trên địa bàn Hà Nội, có dự án phát triển giao thông hơn 300 triệu USD, Hà Nội đã đối ứng hơn 100 triệu USD. Dự án này khả thi dù có khó khăn nhưng đang được tháo gỡ. Chủ tịch cũng giãi bày việc giải phóng mặt bằng ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn cả về chủ quan và khách quan, nhà thầu nước ngoài cần xem xét kỹ, sau đó mới nên đi kiện (ví như ở dự án cầu Nhật Tân, do chủ đầu tư JICA điều chỉnh tuyến, nên cũng chậm thời gian, nhà thầu đi kiện là không công bằng). Trong thời gian tới cần có quy định cụ thể để quản lý vấn đề này.

Cuối cùng, Chủ tịch khẳng định Hà Nội sẽ bám sát cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng tháo gỡ những khó khăn phát sinh để đưa kinh tế Thủ đô cũng như cả nước phát triển.