Hài hòa giữa tăng trưởng và lạm phát

Theo daibieunhandan.vn

Để đạt mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, Chính phủ sẽ phải dùng chính sách tài khóa kích cầu và khi dùng chính sách này sẽ tạo ra áp lực lớn trong kiểm soát lạm phát. Theo Chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long, giữa tăng trưởng và lạm phát có mối quan hệ rất chặt chẽ, khi tăng trưởng nóng, chắc chắn ảnh hưởng tới lạm phát.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khai thác dầu thô chỉ là giải pháp tình thế…

Với diễn biến kinh tế 6 tháng đầu năm, các chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng của năm 2017 có thể sẽ thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội (QH) đề ra từ đầu năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2017 đạt từ 6,3-6,5% là tương đối khả thi và nên đặt ra mức 6,7% để cả nền kinh tế phấn đấu. Theo các chuyên gia, việc tăng khai thác dầu khi giá cả phục hồi là cần thiết, nhưng nếu chỉ để tăng trưởng GDP thì phải cân nhắc khi đang hướng đến chất lượng tăng trưởng.

Vì vậy, phương thức đóng góp tài nguyên cho tăng trưởng GDP chỉ là giải pháp tình thế, thiếu bền vững và có thể để lại hệ lụy cho tương lai. Theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, giá dầu năm nay được dự báo sẽ tăng thêm khoảng 17 - 20%, nhưng cũng chỉ ở mức bình quân khoảng 52-53 USD/thùng. Đây rõ ràng không phải là giá thuận lợi để xuất khẩu dầu thô. 

TS. Nguyễn Xuân Thành cũng nêu quan điểm, tác động lớn nhất và ngay tức thì đối với tăng trưởng mà chúng ta có thể thực hiện là đảo chiều giảm trong ngành khai thác dầu thô. Nhưng nếu nhìn vào khai thác dầu thô thì khó bền vững. Muốn dầu thô đóng góp tích cực vào tăng trưởng thì quý này phải khai thác cao hơn quý trước, nhưng quý này đẩy lên cao thì quý sau phải cao hơn nữa.

Điều này là bất khả thi. Bên cạnh đó, khi kích cầu với ngành dầu khí thì dư địa đối với chính sách tài khóa không còn, do chúng ta đã đụng đến trần nợ công. Như vậy, muốn tăng đầu tư công thì lại phải dựa vào vay nợ. Và trong ngắn hạn không cải thiện được hiệu quả đầu tư thì cũng không thể tăng mạnh được.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ lại cho rằng, khai thác dầu cần chú ý đến dự trữ cho những năm sau, bên cạnh đó khai thác tài nguyên là vấn đề chúng ta không có ý định tập trung làm nhiều trong thời gian tới.

Nếu đẩy thêm vốn đầu tư, tăng đến 35% GDP là mức rất cao, có thể phải chú ý đến cân đối vĩ mô, lạm phát. “Đặc biệt, đã xác định tái cơ cấu để chuyển đổi mô hình tăng trưởng có hiệu quả hơn thì việc sử dụng vốn phải rất cẩn thận”, chuyên gia Lưu Bích Hồ lưu ý.

Trong khi đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng mang tính kế hoạch hóa cao, chi tiết đến từng bộ ngành để kích thích tăng trưởng, Chính phủ sẽ phải dùng chính sách tài khóa để kích cầu và khi dùng chính sách này sẽ tạo ra áp lực lớn trong mục tiêu kiểm soát lạm phát. Theo Chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long, giữa tăng trưởng và lạm phát có mối quan hệ rất chặt chẽ.

Khi tăng trưởng nóng, tăng trưởng cao chắc chắn ảnh hưởng tới lạm phát. Cho nên, Chính phủ phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát, làm sao vừa thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 6,7% nhưng lạm phát vẫn phải giữ ổn định. Nếu tăng trưởng bằng mọi giá, bằng mọi cách mà không có hiệu quả thì chắc chắn sẽ đẩy lạm phát tăng.

Chính sách phải nhất quán

Trong trường hợp Chính phủ quyết tâm mạnh mẽ, mục tiêu tăng trưởng 6,7% cũng có thể đạt được với những giải pháp như khai thác thêm tài nguyên hay tăng đầu tư công. Song điều này lại đặt ra lo ngại về sự phát triển bền vững trong tương lai. Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, tăng trưởng có thể có phí tổn đầu vào.

Vì vậy nếu đẩy “cỗ xe tăng trưởng” bằng mọi giá và không cẩn trọng thì việc giữ vững, ổn định kinh tế vĩ mô sẽ để lại nhiều hệ lụy về sau. Theo đó, cái giá phải trả cho tăng trưởng thiếu ổn định có thể còn cao hơn cả tăng trưởng đạt được trong năm. Bên cạnh đó, còn các vấn đề khác như bình đẳng xã hội, môi trường.

Do đó theo ông Thành, chính sách thúc đẩy tăng trưởng sẽ tốt hơn nếu nhất quán, “cùng chiều” với cải cách để bảo đảm rằng tăng trưởng trong dài hạn là bền vững. Cụ thể, một số giải pháp chúng ta đề ra rất tốt và cần phát huy, ví dụ cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy đầu tư tư nhân, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ… -  những giải pháp rất tốt cho ngắn hạn và cả dài hạn.

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì nhận định, tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm có nhiều dấu hiệu tích cực để tạo đà cho tăng trưởng, chứ không chỉ trông vào khai thác tài nguyên hay tăng đầu tư.

Đó là tăng trưởng tiêu dùng tương đối lạc quan do tác động của chính sách thu hút đầu tư, chu kỳ đẩy mạnh tiêu dùng trong các tháng cuối năm, tác động của chính sách tăng lương cơ bản...