Hai kịch bản viễn cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam 2013

Theo Vietnam+

“Kinh tế Việt Nam giống như một cỗ xe nặng nề đang chậm chạp đi vào tương lai trên một con đường gập ghềnh”, là lời nhận định đầy hình ảnh trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam – 2013, của Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Hai kịch bản viễn cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam 2013
Việt Nam chưa tận dụng được triệt để quá trình hội nhập. Nguồn: Internet

Theo nhóm tác giả nghiên cứu, báo cáo năm nay được thực hiện trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có thêm dư địa chính sách nhờ lạm phát tương đối thấp; tuy nhiên, các vấn đề của nền kinh tế thực tại vẫn là điều đáng lo ngại nhất.

Các chuyên gia cho rằng hệ thống doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả, làm biến dạng mục tiêu mong muốn, đều là những nhân tố cản trở sự phục hồi kinh tế.

Những cơ hội bị bỏ lỡ

Trên nền tảng đó, nhóm tác giả đã đưa ra hai kịch bản về viễn cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2013 với tăng trưởng chỉ tương tự như năm 2012 và diễn biến kinh tế vẫn tiếp tục đi ngang trong thế chờ đợi những điều chỉnh thực sự trong cấu trúc kinh tế.

Cụ thể, kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng đạt khoảng 5,04%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 5,35% (tất cả đều tính theo phương pháp tính GDP mới, theo giá cố định năm 2010). Lạm phát của cả năm 2013 được dự báo đạt mức tương đối ổn định, trong vùng dự kiến từ 4,95% đến 6,64%.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng kiến nghị nhóm các tác giả nên nghiên cứu kỹ hơn về nợ công ở châu Âu và các giải pháp giải quyết. "Bài học từ khủng hoảng nợ công ở các nước phát triển nhìn qua thì có thể xa vời, nhưng là bài học thiết thực mà Việt Nam cần phải chú trọng", ông Doanh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Doanh, báo cáo chưa đề cập vấn đề nổi cộm trong nền kinh tế Việt Nam, đó là khoản nợ lên đến 1.334 nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp nhà nước.

Báo cáo cũng đưa ra kịch bản về dự báo lạc quan, song ông Doanh không ủng hộ về nhận định này, bởi “cục nợ” của doanh nghiệp nhà nước vẫn là một hòn đá tảng ngáng đường và việc giải quyết là không dễ dàng.

Đồng tình với quan điểm trên, song ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương vẫn cho rằng dự báo trên là "quá an toàn". "Tác động vĩ mô không chỉ dựa vào bên cầu mà cả bên cung và các câu chuyện xóa đói giảm nghèo không chỉ là ngân sách mà cả là tín dụng", ông Thành khuyến cáo.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra Việt Nam chưa tận dụng được triệt để quá trình hội nhập. Các con số phân tích cho thấy, năm 2013 kết thúc cũng là thời điểm đánh dấu một giai đoạn 6 năm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO (2008-2013). Song trong quãng thời gian đó, nền kinh tế chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình khoảng 5,8%/năm, so với mức trung bình 7,8%/năm trong giai đoạn 6 năm trước đó (2002-2007) đồng thời lạm phát bình quân hàng năm trong giai đoạn 6 năm trước đó chỉ là 7,35% còn giai đoạn hiện nay là 11,5%.

“Rõ ràng là nền kinh tế Việt Nam đã và đang trải qua những năm tháng mà nhiều cơ hội tăng trưởng nhanh đi liền với cải cách kinh tế đã bị bỏ lỡ”, báo cáo viết.

Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, "bẫy" tự do hóa thương mại trong WTO chính là việc chỉ thuần túy so sánh lợi thế tĩnh với lao động giá rẻ, mà quên đi sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc cũng như mạng sản xuất toàn cầu đồng thời sự dịch chuyển ở khu vực Đông Á, trong đó có ASEAN cũng như Việt Nam.

Định hướng mô hình mới

Nhóm tác giả báo cáo nhấn mạnh rằng trong 5 năm qua, cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế thế giới cùng những khó khăn, bất ổn kinh tế trong nước đã đặt Việt Nam trước những thách thức to lớn và một nhu cầu cải cách mãnh liệt. Nhiều chương trình chính sách đã được đặt ra, đặc biệt là chương trình cải cách tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Nhưng thời gian cứ trôi qua và có nhiều lý do để ngày càng hoài nghi về khả năng thực hiện được những ý tưởng cải cách cấp bách đã đặt ra.

Bên cạnh đó báo cáo chỉ ra, một loạt vấn đề ngắn và trung hạn được đặt ra cho Việt Nam, bao gồm việc giải quyết nợ xấu trong hệ thống tài chính và hồi sinh khu vực doanh nghiệp. Vấn đề hồi phục thị trường bất động sản với một khuôn mặt mới, triết lý kinh doanh mới, để thông qua đó hỗ trợ hệ thống tài chính, tín dụng phục hồi cũng là một nhu cầu cấp bách.

Thêm vào đó, những vấn đề dài hạn cần được đặt ra, thông qua những bước đi cụ thể ngay từ lúc này, bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh, khôi phục niềm tin của dân chúng và nhà đầu tư, giảm mệnh lệnh hành chính và can thiệp nhà nước trong hoạt động kinh tế, cải cách quan hệ đất đai và cấu trúc thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đánh giá cao tính phát hiện của báo cáo và cho rằng chủ đề của báo cáo sát với tình hình thực tiễn của Việt Nam đang đối mặt.

Theo ông Ngoạn, nhóm tác giả đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu, hàm ý phụ thuộc nhiều hơn vào bên ngoài từ đó đã đặt ra bài toán chính sách cho khu vực xuất khẩu, bởi trong thời gian qua thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang thuộc về khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông Ngoạn cũng rất quan tâm về nhận định của nhóm tác giả, Việt Nam đang ở phân khúc thấp ở chuỗi giá trị toàn cầu, kinh tế thế giới đang khó khăn tác động thách thức sự chuyển dịch công nghệ… hay chính sách tỷ giá duy trì được sự ổn định song cũng tác động khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.

“Tóm lại, tái cơ cấu kinh tế đang đi trên con đường rất khó khăn, bị tác động từ yếu tố bên trong và bên ngoài. Cá nhân tôi cũng đồng tình với quan điểm điều tiết chính sách phải kết hợp hài hòa giữa giải pháp ngắn hạn và dài hạn từ báo cáo trên”, ông Ngoạn nhận định.

Cuối cùng, một vấn đề đã được các chuyên gia thảo luận rất nhiều là Việt Nam cần nghiêm túc xem xét lại mô hình kinh tế vừa qua và sớm định hướng một mô hình mới. "Nếu tiếp tục né tránh nhận thức một cách dứt khoát và rõ ràng về mô hình mới cho phát triển kinh tế, cùng những thể chế hỗ trợ phù hợp, thì các cuộc cải cách sẽ không có mục tiêu thực sự và Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội đi tới tương lai bằng con đường bằng phẳng", nhóm tác giả đưa khuyến cáo.