“Hai mặt đồng tiền” FDI

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Không thể phủ nhận những thành quả mà khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mang lại cho nền kinh tế trong nước. Tuy thế, một số DN FDI cũng đã để lại những "vết chàm” nhức nhối…

“Hai mặt đồng tiền” FDI
Một số DN FDI cũng đã để lại những "vết chàm” nhức nhối. Nguồn: internet
Thành công

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của năm 2013, có thể thấy rõ những kết quả đạt được từ các dự án FDI rất đáng trân trọng. Điều này được TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dẫn chứng rõ ràng bằng  những con số gia tăng về lượng cũng như chất lượng đồng vốn.

 Cụ thể, thu hút FDI năm 2013 đã vượt đáy suy giảm FDI kể từ năm 2009: Năm 2009 vốn đăng ký đạt 23,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt được 10 tỷ USD, năm 2010 số vốn tương ứng là 19,8 tỷ USD và 11 tỷ USD, năm 2012 là 13,0 tỷ USD và 10,46 tỷ USD.

Năm 2013 là 22 tỷ USD và 12,05 tỷ USD. Cùng với đó, chất lượng vốn cao, thông qua tỷ lệ đầu tư vào các dự án có quy mô lớn với hàm lượng công nghệ cao và vẫn tập trung đầu tư lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo. TS. Thắng cũng nhấn mạnh về tiến độ giải ngân nhanh và vốn FDI thực hiện trong năm 2013 đạt mức 12 tỷ USD mức cao nhất kể từ khi năm 1988 - năm đầu tiên thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (nay là Luật Đầu tư).

Cùng với mục tiêu thu hút vốn đầu tư, FDI được đánh giá là kênh quan trọng để thu hút công nghệ từ các nước có nền công nghệ phát triển vào Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ của toàn bộ nền kinh tế nói chung và của các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Thiếu công nghệ cao, nền kinh tế Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh và không thể rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước khác. 

Có thể điểm ra một loạt các dự án với quy mô lớn được cấp phép trong năm 2013 như Tăng vốn đầu tư của dự án Samsung Electrisonic Việt Nam(SEV) tại Bắc Ninh từ 1,5 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD hồi tháng 6-2013 hay dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung Electrisonic Việt Nam (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Thái Nguyên hoặc dự án lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên), tăng vốn đầu tư từ 1,7 tỷ USD lên 3,18 tỷ USD tương ứng với việc nâng công suất đăng ký ban đầu lên trên 4 triệu tấn… 

Đây là những thành quả đáng ghi nhận trong việc thu hút đầu tư nước ngoài cho nền kinh tế. Nhưng ở góc độ khác, dòng vốn FDI không phải không có vấn đề.

Mặt trái của sự thu hút đầu tư bằng mọi giá

Dù vậy, cũng cần phải thẳng thắn nhìn lại những mặt trái của việc một  thời gian khá dài, chúng ta đã quá ưu ái các dự án FDI, để rồi dẫn đến những hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế cũng như những bất cập liên quan đến các lĩnh vực khác.

Đơn cử như thời gian qua đã xảy ra tình trạng nhiều dự án đã quá tận thu tài nguyên thiên nhiên gây thiệt hại không nhỏ cho môi trường trong nước. Hoặc thực trạng nhiều dự án FDI không phù hợp với quy hoạch phát triển, gây tổn hại đến nền kinh tế… Đó còn chưa kể đến tình trạng các DN FDI chuyển giá, trốn thuế hàng loạt, nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người”…  được báo giới phản ảnh trong thời gian qua. Những "vết chàm” ấy thực sự đã gây ra nhiều nhức nhối cho nền kinh tế trong nước.

Không ít lần, giới chuyên gia kinh tế đã đưa ra lời cảnh báo: Qua rồi thời kỳ trải thảm đỏ để gọi mời các dự án FDI bằng mọi giá. Việt Nam đã qua cái thời quá khát vốn đầu tư, do đó đây là thời điểm cần phải lựa chọn những dự án thực sự có chất lượng cao, tạo ra sự lan tỏa đến các lĩnh vực khác, chứ không chỉ đơn thuần tập trung vào một số ít lĩnh vực.

Nói như TS. Trần Đình Thiên, các DN FDI phần lớn chỉ tập trung đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản nhưng lại khá ít ở một số lĩnh vực quan trọng khác như giáo dục và đào tạo, y tế, hoạt động khoa học công nghệ... nên sẽ khó có tác động xoay chuyển nền kinh tế trong bối cảnh đất nước đang muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng suất.

Bởi vậy, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là thời điểm thu hút đầu tư cần có sự chọn lựa, gạn đục khơi trong chứ không thể thu hút một cách ồ ạt như thời gian qua, sẽ gây ra những hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế, cho môi trường và bài học của Vedan hẳn vẫn còn nguyên giá trị.