Hạn chế tham nhũng trong quản lý ODA: Thế nào?

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Vẫn biết nguồn vốn ODA là rất quan trọng đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn ODA không hiệu quả, cộng với việc tham nhũng trong quản lý nguồn vốn này cho thấy, Việt Nam cần phải đổi mới tư duy và cách quản lý nguồn vốn ODA.

Hạn chế tham nhũng trong quản lý ODA: Thế nào?
Việt Nam cần phải đổi mới tư duy và cách quản lý nguồn vốn ODA. Nguồn: internet

Vai trò quan trọng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn ODA ký kết từ năm 1993-2012 đạt trên 56,05 tỷ USD, chiếm 71,69% tổng vốn ODA cam kết. Trong đó, vốn ODA vay ưu đãi đạt 51,607 tỷ USD và chiếm khoảng 88,4%, vốn ODA không hoàn lại đạt 6,76 tỷ USD và chiếm khoảng 11,6%. Vốn ODA giải ngân qua 20 năm đã đạt 37,59 tỷ USD, chiếm trên 66,92% tổng vốn ODA ký kết.

Trong số 51,607 tỷ USD các khoản ODA vay ưu đãi đã ký kết, phần lớn có lãi suất rất ưu đãi, thời gian vay và ân hạn dài. Khoảng 45% khoản vay có lãi suất dưới 1%/năm, thời hạn vay từ 30-40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn; khoảng 40% khoản vay có lãi suất từ 1-3%/năm, thời hạn vay từ 12-30 năm, trong đó có 5-10 năm ân hạn; còn lại là các khoản vay có điều kiện ưu đãi kém hơn.

Mặc dù nguồn vốn ODA chỉ chiếm khoảng 4% GDP, song lại chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (bình quân chiếm khoảng 15-17%). Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển của ta còn hạn hẹp, trong khi nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lại rất lớn. Có thể nói, ODA là nhân tố xúc tác cho phát triển, giúp Việt Nam thực hiện thành công các chiến lược phát triển 10 năm và các kế hoạch 5 năm.

Nhưng cũng không ít “nốt trầm buồn”

Gần đây, dư luận xôn xao về việc Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) khai hối lộ 16 tỷ đồng cho quan chức ngành đường sắt Việt Nam để được thắng thầu trong các dự án xây dựng bằng ngân sách từ vốn vay viện trợ phát triển (ODA) do Chính phủ Nhật cung cấp. 

Điều đáng nói là đã có một sự kiện tương tự mới xảy ra sáu năm trước, khi Công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của Nhật hối lộ quan chức ở TP. Hồ Chí Minh trong dự án xây dựng đại lộ Đông Tây bằng ODA của Nhật.

Các sự kiện này dĩ nhiên làm ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam trên thế giới không phải chỉ vì có những quan chức thiếu đạo đức mà còn vì sự kém cỏi của bộ máy nhà nước, sự thiếu quyết tâm của nhà nước trong việc tuyển chọn quan chức, trong việc tạo cơ chế hữu hiệu để phòng chống tham nhũng.

Ai cũng hiểu rằng, nguồn vốn ODA phần lớn là tiền vay mượn. Trừ những khoản ODA dành cho giáo dục, y tế, văn hóa (chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ) là không hoàn lại, còn ODA dùng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế như sân bay, bến cảng, đường sá... là tiền vay sẽ phải hoàn lại trong tương lai. Thế nên, nếu ODA không được sử dụng hiệu quả, không thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, thì việc vay mượn ODA sẽ trở thành bi kịch cho các thế hệ sau. 

Tuy nhiên, tại Việt Nam, rất nhiều người lại cho rằng, ODA là “của cho không”. Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đã phải thừa nhận: “Bấy lâu nay, một bộ phận cán bộ công chức, lãnh đạo địa phương và nhân dân đã hiểu một cách sơ đẳng là ODA cho không, có thể nói đây là nhận thức vô cùng nguy hiểm. Nay vay thì ngày mai con cháu chúng ta phải trả, cộng lại lãi suất là rất lớn”.

Chính tư tưởng coi ODA là “của chùa” đã dẫn tới những hệ lụy đáng tiếc do việc lãng phí, không tính toán khi sử dụng nguồn vốn ODA.

Do sự lãng phí nguồn lực nên Việt Nam phải nhận nhiều ODA (trên đầu người) so với kinh nghiệm của Hàn Quốc và Thái Lan. Từ khi nhận ODA từ các nước tư bản tiên tiến và các định chế quốc tế, nguồn vốn ODA trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh và hiện nay đã đạt mức trên dưới 40 USD.

Vậy đâu là giải pháp?

Tại Hội nghị tập huấn kỹ năng thanh tra các dự án sử dụng nguồn vốn ODA diễn ra ngày 7/4, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn này đòi hỏi nỗ lực và trách nhiệm của nhiều bộ phận ở các khâu khác nhau, từ quy hoạch đến lập báo cáo khả thi, tiếp nhận, giải ngân, rà soát hoạt động sử dụng vốn ODA, trong từng khâu cũng sẽ tiềm ẩn các nguy cơ tiêu cực và những thách thức khác nhau. Do đó, việc nâng cao hiệu quả công tác rà soát hoạt động sử dụng vốn ODA là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. 

Theo ông Adu Gyamfi Abunyewa, chuyên gia đấu thầu cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, để có thể phát huy tối đa hiệu quả đồng tiền trong các dự án ODA, thì hệ thống đấu thầu phải đảm bảo đồng tiền đầu tư đem lại giá trị cho người dân thông qua việc đảm bảo rằng các nguồn vốn công được chi tiêu một cách minh bạch, hiệu quả và công bằng.

Theo đó, bên vay (bao gồm các bên hưởng lợi từ khoản vay của nhà tài trợ), cũng như các bên cung cấp dịch vụ và các nhà thầu phụ của họ phải tuân theo chuẩn mực đạo đức cao nhất trong quá trình lựa chọn và thực hiện các hợp đồng sử dụng vốn ODA.

Ông Adu Gyamfi Abunyewa cho rằng, gian lận trong đấu thầu đặc biệt khó phát hiện vì các vụ việc này hiếm khi được báo cáo và do đó rất khó để đánh giá phạm vi và mức độ của vấn đề. Vì thế, để đảm bảo lợi ích đồng tiền trong các dự án ODA thì cách thức tốt nhất vẫn là phòng ngừa việc gian lận và tham nhũng.

Theo đó, bước đầu tiên là phải sử dụng các công cụ hướng dẫn phòng chống tham nhũng để xác định nguy cơ gian lận trong đấu thầu và giảm thiểu gian lận trong đấu thầu. Tiếp đến là chủ động quản lý các nguy cơ liên quan đến tham nhũng và gian lận; phát hiện, báo cáo và xử lý các cáo buộc hoặc nghi vấn về các tiêu cực trong đấu thầu; cuối cùng là giám sát, kiểm tra và thực hiện các biện pháp kiểm soát gian lận và tham nhũng.