Hàng ASEAN, Trung Quốc rộng đường đến Việt Nam

Theo thoibaonganhang.vn

Nghị định 128/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2016-2018 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2016).

Rau củ quả nhập tại siêu thị. Nguồn: internet.
Rau củ quả nhập tại siêu thị. Nguồn: internet.

Nhìn vào danh mục hàng hóa từ Trung Quốc và các nước ASEAN được hưởng lãi suất ưu đãi đặc biệt bằng 0% khi nhập khẩu vào Việt Nam theo quy định của nghị định này thì thấy, gần như tất cả các mặt hàng nông sản thế mạnh của Việt Nam đều có “đối thủ” cạnh tranh. Trong đó rất nhiều mặt hàng có khả năng sẽ “đè bẹp” hàng nội như rau quả, hoa tươi, thịt gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn...

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, trong xu hướng toàn cầu hoá, việc mở cửa với hàng hóa nước ngoài, xóa bỏ thuế là điều tất yếu. Nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các ngành công nghiệp, nông nghiệp trong nước đủ mạnh thì việc giảm thuế cho hàng hóa nhập khẩu sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, bởi thị trường bán lẻ sẽ tăng nguồn hàng tiêu dùng chất lượng tốt, phong phú chủng loại, giá rẻ; doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu cũng có thêm cơ hội mở rộng mạng lưới phân phối, tiếp cận nhiều thị trường mới.

Tuy nhiên hiện nay, rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, kể cả mặt hàng thế mạnh (trái cây, rau, cà phê, chè…) cũng luôn gặp khó khăn khi tiêu thụ tại thị trường nội địa, thì việc có thêm hàng ngàn mặt hàng cùng loại nhập khẩu giá bán rẻ sẽ là một gánh nặng, thách thức ngành sản xuất trong nước.

Chỉ tính riêng nhóm hàng nông sản, từ năm 2016 đến 2018 đã có hàng loạt nhóm mặt hàng được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi bằng 0%, mà Nghị định 128 ghi rõ. Cụ thể, có gia cầm sống, thịt gia súc gia cầm và phụ phẩm dạng thịt ăn sau giết mổ, thịt tươi sống, phụ phẩm (nội tạng của lợn, trâu, bò...), đông lạnh.

Về thủy hải sản có trên 30 loại cá, nhuyễn thể dạng tươi sống, đông lạnh, sấy khô…, trong đó có rất nhiều loại mà nông dân trong nước đánh bắt (cá ngừ, cá thu, mực tôm hùm biển) và phát triển nuôi như cá rô phi, cá chép, cá da trơn, tôm, cua…

Rau củ thì có hầu hết các mặt hàng rau gia vị (hành, tỏi gừng…), rau ăn củ (khoai tây, cà rốt, bắp cải...), rau ăn lá (rau sống, dưa leo…), hoa tươi, cây cảnh, trái cây (dứa, bơ, ổi xoài...). Các nhóm hàng trên đang là thế mạnh xuất khẩu sang Việt Nam của Trung Quốc, Thái Lan và một số nước khác.

Riêng nhóm hàng thực phẩm chế biến (nước giải khát, bánh kẹo, đồ hộp, sữa), hay nguyên liệu chế biến thực phẩm, cà phê, chè, lúa mì… là thế mạnh xuất khẩu của Malaysia, Thái Lan, Philippines thì đến năm 2018 sẽ giảm thuế nhập khẩu về 0%. 

Thực tế cũng cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay đã tràn ngập hàng nông sản Trung Quốc và các nước ASEAN (nhiều nhất là Thái Lan, Malaysia, Campuchia…).

Tại ba chợ đầu mối lớn của TP. Hồ Chí Minh là Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền (chuyên kinh doanh rau củ, trái cây, thủy hải sản, thịt gia súc), vốn chiếm đến 70% lượng cung cho thành phố, với tổng lượng hàng tiêu thụ từ 8.500 tấn - 10.000 tấn/ngày, cũng có  từ 10% - 15% là hàng Trung Quốc. Và ba năm trở lại đây, nguồn hàng có xuất xứ từ Thái Lan, Campuchia (trái cây, rau gia vị, củ quả...) cũng đang tăng mạnh, chiếm khoảng 5% tổng số lượng hàng.

Những hàng xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan hay nước khác trong khối ASEAN thường có giá bán rẻ hơn hoặc bằng với hàng Việt Nam, và chất lượng khó kiểm soát. Và người ta cũng dễ dàng nhận ra hiện tượng rất nhiều loại trái cây, rau củ Việt Nam vào mùa có khi phải đổ bỏ ngoài đồng, hay bán lề đường với giá rẻ mạt, thì hàng cùng loại của Thái Lan, Trung Quốc được bán ở siêu thị, hay các shop với giá cao ngất ngưởng.

Từ thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng/2016, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc lên đến 35,93 tỷ USD và nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN là 16,7 tỷ USD (nhập khẩu nhiều nhất từ Thái Lan, 6 tỷ USD, Malaysia 3,7 tỷ USD, Singapore 3,5 tỷ USD và Indonesia 1,96 tỷ USD…).

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Retail &Franchise nhận định, thị trường Việt Nam đang trở thành “vùng trũng” để hàng hóa các nước ASEAN chảy vào. Bởi Việt Nam từ lâu đã là thị trường nội địa nối dài của họ. Đây là thách thức lớn cho các nhà sản xuất, DN trong nước.