Hàng hoá Tết năm nay sẽ không có biến động giá

Nguyễn Lộc

(Tài chính) Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết nguyên đán Ất Mùi 2015. Mọi hoạt động mua sắm đã bắt đầu sôi động. Theo ghi nhận ở các tỉnh phía Nam lượng hàng hoá cung cấp ra thị trường, hàng bình ổn giá tương đối nhiều nên hạn chế được tình trạng sốt giá.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Ất Mùi. ảnh internet
Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Ất Mùi. ảnh internet
Với những tín hiệu lạc quan từ sự phục hồi kinh tế năm 2015, cộng với tác động của giá xăng liên tục giảm nên dự báo Tết năm nay người dân sẽ có điều kiện mua sắm tốt hơn. Theo báo cáo của nhiều tỉnh thành phía Nam, lượng hàng hoá phục vụ tết đều tăng về số lượng, giá cả ổn định, đặc biệt hàng bình ổn giá không thiếu, nên người dân cũng phần nào yên tâm hơn.

Nguồn cung dồi dào

* TP.HCM – hơn 8.300 tỉ đồng phục vụ hàng bình ổn giá:  Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu về hàng hoá và đảm bảo giá cả ổn định trong dịp trước và sau Tết nguyên đán, TP. HCM đã có kế hoạch chuẩn bị từ rất sớm. Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, dự báo lượng hàng hóa tiêu thụ trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch năm nay sẽ tăng khoảng 20% so với mùa tết năm ngoái. Vì vậy, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị cung ứng dự kiến khoảng 15.850 tỉ đồng, tăng gấp đôi dịp tết năm ngoái.

Trong đó, nguồn hàng bình ổn thị trường chiếm hơn 8.300 tỉ đồng, tăng gần 69,5% so với năm ngoái. Các nguồn cung ứng hàng hóa chủ yếu phục vụ thị trường tết tại TP. HCM do 72 doanh nghiệp với 8 tổ chức tín dụng tham gia. Trong tháng cao điểm phục vụ Tết Ất Mùi 2015, từ ngày 20-1-2015 đến ngày 18-2-2015 (từ ngày 1 đến ngày 30 tháng Chạp âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 9.263 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.862 tỉ đồng (trên 50% lượng hàng bình ổn giá). Hiện các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Ất Mùi 2015. Khả năng cung ứng tăng bình quân 62,93% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 79,51% so với kết quả thực hiện Tết Giáp Ngọ 2014. Trong số đó, nhiều mặt hàng chuẩn bị lượng lớn chi phối 30-60% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (63,4%), dầu ăn (65,5%), đường (57,7%), trứng gia cầm (42,3%), thực phẩm chế biến (52,7%), rau củ quả lượng hàng chuẩn bị tăng trên 121%.

Cụ thể, Liên hiệp hợp tác xã thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) chuẩn bị khoảng 4.614 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường khoảng 1.924 tỉ đồng; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) chuẩn bị gần 982 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường chiếm 742 tỉ đồng; Công ty TNHH Phạm Tôn 411 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường chiếm 406 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Thời trang dệt may Việt Nam chuẩn bị 364 tỉ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường 164 tỉ đồng.

* Bình Dương – không để hàng hoá thiếu dịp tết: Để đảm bảo đủ nhu cầu hàng hoá phục vụ tết cho nhân dân, ngành Công thương tỉnh Bình Dương đã theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng thiết yếu để chủ động có biện pháp điều tiết kịp thời trong phạm vi địa bàn tỉnh Bình Dương và đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Ngoài ra, đơn vị này cũng chủ động tổ chức hệ thống phân phối, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu dùng, có giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh, tham gia bình ổn giá, chuẩn bị tốt các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân với giá cả hợp lý và chất lượng tốt;  tổ chức các chuyến hàng lưu động phục vụ tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong dịp Tết; gắn kết việc triển khai chương trình bình ổn thị trường giả cả với các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, kết nối cung cầu nhằm hưởng ứng sâu rộng, hiệu quả việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Riêng về lĩnh vực hàng bình ổn giá, dịp này có 12 DN tham gia với tổng giá trị hàng hóa là 880,10 tỷ đồng. Thời gian bình ổn trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2015 là 406,54 tỷ đồng (không tính mặt hàng xăng dầu). Mặt hàng đăng ký tham gia gồm lương thực, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống (gạo, nếp, đường, dầu ăn, bột ngọt, nước chấm, thịt gia súc, gia cầm, nước giải khát, bánh mứt…), thuốc chữa bệnh thông thường cho người. Đối với các mặt hàng thiết yếu như: Thịt gia súc, gia cầm, trứng, dự kiến, sẽ cung cấp 1.006,6 tấn thịt trâu, bò giết mổ, 5.332 tấn thịt heo giết mổ, 687 tấn thị gia cầm, trên 12.000 trứng gia cầm.

* Đồng Nai – hỗ trợ bình ổn các mặt hàng thiết yếu: tỉnh Đồng Nai thực hiện hỗ trợ giá 10 mặt hàng, gồm: Gạo, đường, dầu ăn, trứng, thịt heo, thịt gà, bột ngọt, nước chấm, thuốc tân dược và rau tươi. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá trong dịp Tết có nhu cầu vay vốn để dự trữ hàng hóa sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ cho vay với lãi suất 0% thông qua Quỹ Đầu tư phát triển, riêng các hợp tác xã có nhu cầu vay vốn dự trữ hàng hóa trả phí 0,2%/tháng. Ngoài nguồn hàng hoá tỉnh chủ động lên kế hoạch thì thông qua mạng lưới phân phối của Saigon Co.op tại Đồng Nai lên đến 75 tỉ.

Giá cả ổn định

Cùng với những chủ chương tăng nguồn hàng, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và biến động giá được các địa phương quan tâm. Theo khảo sát các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu nhiều cho dịp tết đến thời điểm hiện tại giá cả vẫn ổn định, một số mặt hàng có tăng song mức tăng không đáng kể, một số thực phẩm tươi sống còn có xu hướng giảm.

Riêng mặt hàng bình ổn giá, hếu hết các đơn vị tham gia phục vụ hàng bình ổn giá dịp tết đều cam kết sẽ giữ mức giá ổn định trong hai tháng trước và sau tết. Ngoài ra, các doanh nghiệp có hệ thống phân phối trong và ngoài chương trình bình ổn thị trường, các siêu thị lớn cũng có những kế hoạch giảm giá, khuyến mãi trong tháng tết và cận tết, với mức khuyến mãi 5-49%, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như trứng và thịt gia cầm, thịt gia súc, gạo…

Theo đại diện Sở Công Thương TP. HCM, ngành đã chủ động lên kế hoạch, điều phối nhằm đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hay dư thừa hàng hóa, đồng thời phối hợp với các cơ quan ban ngành như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính… theo dõi diễn biến thị trường để cân đối cung-cầu, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp sản xuất-phân phối hàng hóa tới không chỉ người tiêu dùng khu vực trung tâm mà ở các tỉnh lân cận. Qua đó, kịp thời điều chỉnh giá phù hợp với tình hình thị trường, đảm bảo dẫn dắt giá cả hàng hóa.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn đã hoàn thành đơn đặt hàng từ các chuỗi siêu thị, các DN chế biến thực phẩm, các thương lái. “Thịt gà, heo là những thực phẩm chính trong thực đơn ngày tết của mọi gia đình Việt nên DN luôn chuẩn bị nguồn cung dồi dào. Hiệp hội đã tập hợp các trang trại, DN tạo thành chuỗi liên kết tới tận các siêu thị, chợ truyền thống. Các trang trại chăn nuôi heo, gà, vịt ở Bình Dương, Bình Phước đã tái đàn từ giữa năm (khi giá chăn nuôi ổn định trở lại) nên nguồn cung thịt dịp cuối năm sẽ tăng cao, giá cả không có nhiều thay đổi” - ông Công nói. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết để phục vụ cho mùa tết năm nay, DN chuẩn bị 46.000 con heo, 2.000 con bò và 4.000 tấn thực phẩm chế biến. Dự kiến sức mua năm nay chỉ tăng nhẹ nên lượng hàng chuẩn bị phục vụ tết chỉ tăng 10%.

Về mặt hàng bánh kẹo, theo thông tin từ Công ty cổ phần Bibica để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết nguyên đán sắp tới, công ty dự kiến tung ra thị trường 1.350 tấn bánh kẹo và socola các loại, tăng 20% so với năm ngoái. Về giá bán, Bibica cho biết không tăng nhiều, chỉ từ 5% tùy loại, khoảng 30% sản phẩm giữ nguyên giá so với năm 2014.

Như vậy, một tín hiệu đáng mừng cho người dân là thị trường hàng hoá tết năm nay sẽ không có biến động nhiều về giá, các mặt hàng bình ổn được các địa phương lên kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, bên cạnh đó, nguồn cung cũng đa dạng và phong phú nên người dân không lo sốt giá, hoặc khan hiếm hàng.