Hàng không cạnh tranh giành thị phần

Theo Lê Anh/sgtiepthi.vn

Nhìn vào số liệu thống kê có thể thấy thị trường hàng không nội địa đang dần chững lại khi tốc độ tăng trưởng không còn cao như những năm trước. Hiện nay, các hãng đang cạnh tranh quyết liệt với nhau để bảo vệ thị phần của mình.

 Hiện nay, các hãng đang cạnh tranh quyết liệt với nhau để bảo vệ thị phần của mình. Nguồn: internet
Hiện nay, các hãng đang cạnh tranh quyết liệt với nhau để bảo vệ thị phần của mình. Nguồn: internet

Dấu hiệu bão hòa

Hồi tháng 9 vừa qua, các hãng hàng không nội địa đồng loạt giảm số chuyến bay trên đường bay TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội. Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn cuối tháng 9 và đầu tháng 10-2017, lịch khai thác của các hãng ở đường bay TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội trung bình có 47 chuyến/chiều/ngày, chỉ bằng 85,5% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Vietnam Airlines 25 chuyến/chiều/ngày (tăng 8,7%), Vietjet Air 16 chuyến/chiều/ngày (giảm 15,7%), Jetstar Pacific sáu chuyến/chiều/ngày (giảm 53,8%).

Theo giải thích của các hãng, việc cắt giảm chuyến bay trên đường bay chính này là do đây là thời gian thấp điểm các hãng phải mang máy bay đi bảo dưỡng sau một thời gian tăng chuyến căng thẳng vào dịp hè. Đồng thời, do tăng chuyến trên các đường bay quốc tế nên buộc phải cắt giảm một số chuyến bay nội địa.

Thực ra, giải thích của các hãng chỉ là một phần của của thị trường. Thực tế cho thấy tuyến TP. Hồ Chí Minh – Hà Nội và ngược lại là đường bay nội địa có sự cạnh tranh cao nhất, vì đường bay này có đầy đủ các hãng khai thác và tần suất chuyến bay rất lớn. Chỉ tính riêng Vietnam Airlines và công ty con là Jetstar Pacific cứ mỗi 30 phút là có một chuyến. Đó là chưa kể Vietjet cũng bay 25 chuyến/ngày trên đường bay này. Những con số trên cho thấy mức độ cạnh tranh trên đường bay này là rất lớn.

Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, trong tháng 9-2017, sản lượng điều hành bay đi đến các sân bay đạt 31.050 chuyến, chỉ tăng 6,8% so với tháng 9-2016. Theo nghiên cứu của Trung tâm Hàng không châu Á – Thái Bình Dương, hàng không Việt Nam hiện đang phát triển nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng trung bình 14,9% trong giai đoạn từ 2010-2015, và dự báo sẽ vẫn đạt con số 13,9% trong 5 năm tiếp theo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy sau một giai đoạn tăng trưởng nóng thị trường nội địa đã dần chững lại. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines, nhận định thị trường hàng không nội địa vẫn đang trong giai đoạn phát triển mạnh. Tuy nhiên, sang năm 2018, thị trường hàng không nội địa sẽ tăng chậm lại do thị trường đã bão hòa. Theo ông Thành, trong chín tháng của năm 2017, thị trường quốc tế tăng trưởng ở mức 25%, trong khi hàng không nội địa chỉ tăng gần 10%. Năm 2018 thị trường nội địa dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng 11-12%.

Hiện nay trên các đường bay nội địa, các đường bay kết nối đến các thành phố lớn đều có sự hiện diện của của ba hãng lớn là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air. Thậm chí, các đường bay từ các tỉnh Tây Nguyên đi Hải Phòng, Đà Nẵng đều đã được các hãng phủ kín.

Cạnh tranh quyết liệt

Thị trường nội địa tăng trưởng chậm lại và đang chứng kiến cuộc đua giành thị phần giữa các hãng hàng không. Điều này buộc các hãng phải nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ và giá cả để cạnh tranh. Cụ thể là cuộc cạnh tranh giữa Vietnam Airlines và VietJet Air, bởi thực tế Jetstar Pacific là công ty con của Vietnam Airlines.

Hiện nay, cả Vietnam Airlines và VietJet Air đều đã bay đến nhiều thành phố lớn ở trong nước, trừ các đường bay chính thì các đường bay nhánh hiện nay mới chỉ bay một tuần 2-3 chuyến. Vì vậy, dư địa phát triển vẫn còn và sự cạnh tranh vẫn là ở phân khúc hàng không giá rẻ.

Cuộc đua giành thị phần của các hãng hàng không nội địa còn được thể hiện qua kế hoạch nâng cấp đội tàu bay. Theo kế hoạch, Vietnam Airlines sẽ tăng đội bay từ 89 chiếc (năm 2016) lên 114 chiếc vào năm 2020. Đội tàu bay này đa dạng từ nhỏ đến lớn để linh hoạt trong việc khai thác các đường bay.

Tương tự, Vietjet Air cũng có kế hoạch đầu tư đội tàu bay đầy tham vọng khi đặt mục tiêu phát triển đội tàu bay từ 45 chiếc (tháng 9-2017) lên 100 chiếc vào năm 2020 với ba loại máy bay là A320, A321 và B737. Còn Jetstar Pacific cũng lên kế hoạch tăng đội tàu bay từ 14 chiếc (năm 2016) lên 30 chiếc vào năm 2020.

Hiện nay, bay hàng không giá rẻ đang trở thành xu hướng được nhiều người lựa chọn. Điều này buộc các hãng hàng không phải linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh giá vé. Chính vì vậy mà các hãng giá rẻ đã đưa ra 10 dải giá vé từ thấp đến cao để hành khách lựa chọn.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, mức trần giá vé máy bay chặng Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh và ngược lại hiện nay là 3,2 triệu đồng/vé một chiều (mức giá trên chưa bao gồm thuế, phí và các loại giá dịch vụ khác). Tuy nhiên, hiện nay do cạnh tranh trên đường bay này, nếu mua trước khoảng một tháng thì giá vé chỉ từ 800.000 đến 1,5 triệu đồng/vé một chiều. Thậm chí, Vietnam Airlines đưa ra loại vé tiết kiệm đặc biệt trên đường bay này ở mức gần 1 triệu đồng (đã bao gồm phí hành lý).

Những người trong ngành cho rằng, trong cuộc đua ở thị trường nội địa, lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng về bên nào quản lý chi phí hiệu quả để đưa ra mức giá vé hợp lý và dịch vụ tốt nhất. Chính vì vậy, các hãng phải tính toán giảm các chi phí để đưa giá vé về mức thấp nhất nhằm thu hút khách hàng.