Hàng Việt Nam chật vật “chen chân” vào thị trường ASEAN

Theo TTXVN

Sau 9 tháng gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), hàng hóa của các nước trong khu vực đã tràn vào Việt Nam khá lớn, nhất là hàng Thái Lan. Tuy vậy, đến thời điểm này dường như các doanh nghiệp Việt vẫn còn quá thờ ơ và bỏ qua các thị trường này.

Hàng Việt trong một siêu thị trong nước. Nguồn: TTXVN
Hàng Việt trong một siêu thị trong nước. Nguồn: TTXVN

Không những thế, cùng với những quy định nghiêm ngặt cộng thêm xu hướng tiêu dùng đã khiến hàng Việt gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập vào ASEAN. 

Chật vật chen chân 

Thường xuyên đi công tác nước ngoài, nhất là tại khu vực châu Á, anh Lê Ngọc Lâm hay ghé các trung tâm thương mại để mua sắm. Tuy nhiên, hầu hết trên các quầy kệ bán hàng của các nước đều vắng bóng hàng hóa Việt Nam nhưng hàng hóa của các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore hay Thái Lan lại được bày bán tràn lan. 

Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến đầu tháng 7/2016, trong khi Việt Nam luôn đạt thặng dư với các châu lục khác thì lại thâm hụt thương mại ngay tại thị trường châu Á hơn 26,69 tỷ USD. Đặc biệt, riêng với khu vực ASEAN, Việt Nam có mức nhập siêu khá lớn nhất là với thị trường Thái Lan, Malaysia và Singapore. 

Thừa nhận việc hàng hóa Việt Nam thiếu vắng tại thị trường ASEAN, không ít doanh nghiệp khẳng định mặc dù gia nhập mái nhà chung Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) nhưng hoạt động xuất khẩu chưa có nhiều cải thiện và để hàng Việt xuất khẩu sang các thị trường này hoàn toàn không là điều dễ dàng. 

Bà Trần Thị Mỹ Vân, Giám đốc khối hành chính nhân sự, đại diện truyền thông Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, sản phẩm của công ty xuất hiện tại 47 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng khu vực ASEAN, chỉ xuất sang Campuchia, Lào và Myanmar; trong đó Campuchia đang giảm nhẹ.

Indonesia là quốc gia tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất khu vực với 5 tỷ gói/năm nhưng mặt hàng này của Việt Nam cũng không chen chân được vào đây. Do đó, công ty hoàn toàn không thể kỳ vọng AEC sẽ kích thích tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm mì gói. 

Cùng quan điểm này, ông Đoàn Trọng Hiếu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thụy Bình chia sẻ, hiện nay thị trường xuất khẩu chính của công ty là Campuchia. Mặc dù trước đây doanh thu khá tốt nhưng kể từ khi gia nhập AEC bán hàng lại khó khăn. 

Hơn nữa, dù luôn chủ động tìm hiểu thị trường, cải tiến chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng nhưng công ty vẫn chưa xây dựng được hệ thống đại lý phân phối độc quyền hay mở chi nhánh tại các nước. 

Là doanh nghiệp kinh doanh lâu năm với thị trường ASEAN, đại diện Công ty Cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo cho hay, thời gian qua, hầu hết các nước như Malaysia, Thái Lan hay Campuchia đều đánh giá hàng Việt có chất lượng tốt nhưng để cạnh tranh được ở những thị trường này lại không đơn giản. 

Riêng với thị trường Thái Lan, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngay cả với Mỹ Hảo cũng chỉ bán hàng tại các địa phương ven thủ đô, còn với Bangkok - nơi đông khách du lịch và tiêu thụ nhiều sản phẩm thì lại không thể chen chân với các doanh nghiệp nước ngoài. 

Thị phần bị chia nhỏ 

Đối với thị trường nước ngoài là vậy, nhưng kể từ khi gia nhập ASEAN hàng hóa các nước lại tràn ngập thị trường Việt Nam khiến không ít doanh nghiệp tỏ ra ái ngại về thị phần của mình. 

Nhận định về vấn đề này, bà Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Saigon Food bày tỏ, hiện nay, các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi hàng ngoại nên giữ được thị phần rất bấp bênh.

Dù biết rằng hội nhập thì doanh nghiệp trong nước sẽ phải chống chọi nhiều hơn nhưng với những điểm yếu từ nội tại như năng lực, tài chính đến công nghệ lạc hậu khiến doanh nghiệp Việt không đủ sức cạnh tranh ngay tại sân nhà chứ chưa kể xuất khẩu. 

Điều này thể hiện rõ nhất qua việc các đại gia Thái Lan liên tiếp chiếm lĩnh hệ thống Metro, Big C để khẳng định thị phần. Cùng với đó, với lợi thế gần gũi, nắm bắt được tâm lý nên hàng hóa Thái Lan đã len lỏi vào từng chợ dân sinh, các cửa hàng tiện ích trên các khu phố. 

Ngoài ra, đều đặn một năm hai lần, các doanh nghiệp Thái Lan tổ chức Hội chợ bán lẻ hàng Thái Lan nhằm thu hút người tiêu dùng với đa dạng hàng hóa, giá cả phải chăng khiến dân tình chờ đợi từ lúc hội chợ còn chưa khai mạc. 

Theo các chuyên gia thương mại, hàng Thái Lan có sức cạnh tranh khá cao với hàng Việt Nam do chủng loại hàng hóa tương đồng nhưng có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt. Trước đây, hàng Thái Lan thường đắt hơn hàng Việt Nam từ 5-20%. 

Tuy nhiên, khi Việt Nam đã là thành viên của AEC, sự tự do dịch chuyển hàng hóa trong nội khối với các rào cản thương mại được gỡ bỏ, thì giá cả không còn là lợi thế cạnh tranh của hàng Việt. 

Hơn nữa, theo đúng nguyên tắc thị trường thì Việt Nam không được phép ngăn cản hàng hóa của các nước trong hệ thống ASEAN nếu như không có lý do chính đáng. Do vậy, việc tăng cường hiệu quả sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam là việc làm cần thiết. 

Để người tiêu dùng không quay lưng với các kênh phân phối nội, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, bên cạnh sự đổi mới toàn diện, đặc biệt là phải liên kết lại với nhau để tạo thế đối trọng với các nhà bán lẻ nước ngoài thì vẫn cần những cơ chế chính sách phát triển thị trường bán lẻ một cách rõ ràng, cụ thể và hiệu quả hơn. 

Hiện, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng chiến lược quốc gia về ngành công nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên, Hiệp hội kiến nghị cần phải xây dựng lực lượng doanh nghiệp đủ lớn, đủ mạnh, có khả năng cạnh tranh với các Tập đoàn nước ngoài. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, để tận dụng các cơ hội và vượt qua các thách thức, quá trình hội nhập AEC cần đi đôi với việc phát huy nội lực, tăng cường sức cạnh tranh quốc gia.

Dù vậy, Chính phủ cần thúc đẩy cải cách hành chính tập trung vào tạo thuận lợi thương mại như vận hành thông suốt Cơ chế một cửa quốc gia và tiếp tục kết nối với các nước để hình thành Cơ chế một cửa ASEAN và khắc phục các bất cập trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang bị đánh giá thấp. 

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chú trọng thu hút sự hỗ trợ, đầu tư về cả vốn, kỹ thuật và chuyên gia từ các nước phát triển hơn trong nội khối nhằm đẩy nhanh quá trình dịch chuyển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, tạo đà cho Việt Nam phát triển cân bằng hơn so với các quốc gia trong khu vực. 

Cùng với đó, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng khuyến cáo mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân cần chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, chuẩn bị cho mình một tâm thế cạnh tranh khu vực và quốc tế. Theo đó, cần có tư duy sáng tạo, đổi mới và sự nhạy bén trong kinh doanh cũng như kế hoạch xây dựng năng lực, đặc biệt về thương hiệu và chất lượng để kinh doanh quy mô và dài hạn trong tương lai.