Hậu CPTPPP - Nhà đầu tư nước ngoài sẽ dốc vốn vào Việt Nam

Theo Quang Lộc/baocongthuong.vn

Mặc dù không có Hoa Kỳ- một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam nhưng triển vọng đón “sóng” đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam được nhìn nhận là khá sáng sủa sau khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký, nhất là việc Việt Nam có thể đón những dòng vốn đầu tư mới.

Với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP sẽ thúc đẩy FDI vào Việt Nam. Nguồn: Internet
Với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP sẽ thúc đẩy FDI vào Việt Nam. Nguồn: Internet

Một số chuyên gia nhìn nhận, khi mà CPTPPP còn ở đâu đó trên bản đồ kinh tế thế giới thì dòng vốn FDI vẫn chảy vào Việt Nam. Nay khi CPTPP đã thành hình thì rất nhiều “anh tài” FDI của Việt Nam những năm qua lại là thành viên của thỏa ước thương mại mới này.

Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam trên 49,5 tỷ USD. Con số của nhà đầu tư Singapore là 42,8 tỷ USD, còn của Malaysia là 12,26 tỷ USD. Có CPTPP, theo các chuyên gia, vốn FDI từ các quốc gia này sẽ tiếp tục dịch chuyển vào Việt Nam.

Nhưng điều quan trọng hơn, đó là sau khi CPTPP được ký kết, Việt Nam có thể kỳ vọng vào các dòng vốn đầu tư mới được kỳ vọng là có chất lượng đến từ các thị trường trước nay ít, thậm chí chưa có đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh Nhật Bản, Singapore, Malaysia có đầu tư lớn ở Việt Nam, thì phần lớn các thành viên còn lại trong CPTPP đều đầu tư khá khiêm tốn.

Lớn nhất trong số này chỉ có Canada, với trên 5 tỷ USD; Australia - hơn 1,8 tỷ USD, còn lại Chile, Mexico, New Zealand khá khiêm tốn, chỉ đầu tư hơn trăm triệu USD hoặc vài triệu USD. Thành viên CPTPPP duy nhất  chưa có đầu tư tại Việt Nam là Peru.

Các chuyên gia đặc biệt quan tâm đến việc khi khả năng kết nối với các thị trường này ngày càng lớn, thì không chỉ doanh nghiệp Canada, New Zealand, Mexico muốn đầu tư vào Việt Nam, mà ngay cả những nhà đầu tư nước ngoài muốn “với tay” tới các thị trường này cũng sẽ dốc vốn đầu tư vào Việt Nam. Giống như trước đây, khi TPP còn có Hoa Kỳ, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng bỏ vốn vào Việt Nam để được hưởng lợi một khi muốn xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

“Với các cam kết về đầu tư, mở cửa các thị trường dịch vụ mạnh hơn, CPTPP sẽ thúc đẩy FDI vào Việt Nam, đồng thời giúp cho cạnh tranh trong nhiều thị trường dịch vụ mạnh mẽ hơn, đặc biệt trong các dịch vụ phục vụ sản xuất, hứa hẹn mang lại chất lượng cao hơn, giá hợp lý hơn cho người dân và doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) nhấn mạnh.

Trong khi đó một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận tới đây sẽ có sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn sang các ngành công nghiệp thượng nguồn của các ngành được hưởng lợi nhiều như dệt, may mặc và da để tận dụng CPTPP.

Tuy nhiên, việc FDI tăng lên trong các ngành công nghiệp thượng nguồn không phải là không đi kèm chi phí. “Việt Nam cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn FDI thân thiện với môi trường để tối ưu hóa tác động của hiệp định này”, báo cáo của WB viết.

Cũng theo WB, kinh nghiệm sau khi gia nhập WTO cho thấy, Việt Nam không thể tận dụng ngay lập tức lợi ích của việc gia nhập WTO để thu hút và tiếp nhận dòng vốn FDI lớn do thiếu năng lực để tạo điều kiện cho các công ty có liên kết toàn cầu tham gia chuỗi giá trị cao do chi phí hậu cần cao và cơ sở hạ tầng đường xá, điện, cảng biển, dịch vụ hậu cần, v.v.. còn yếu kém.

Những thách thức này cho thấy, sự cần thiết phải cải thiện khả năng kết nối để hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs) và giữ chi phí thương mại ở mức thấp. Các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài trong nước tham gia vào các GVC cần phải có khả năng di chuyển hàng hóa qua biên giới một cách hiệu quả và đáng tin cậy. Điều này đòi hỏi cần có cả cơ sở vật chất và thể chế tốt mà những nỗ lực của Việt Nam đang tiến hành là đúng hướng.